Đền Đông Bộ Đầu (Thường Tín)

Sử quan triều Nguyễn soạn sách Đại Nam nhất thống chí xếp đền Đông Bộ Đầu thuộc xã Thống Nhất (Thường Tín, Hà Nội) là một trong số 36 đền miếu cổ tích của tỉnh Hà Tây (cũ). Thế kỷ 17, sách Công dư tiệp ký của tác giả Vũ Phương Đề, Hoàng Việt địa dư chí, Nam Việt địa chỉ dư chí chép Thành hoàng thờ ở đền Đông Bộ Đầu là “Sự tích Đổng Sóc Thiên Vương Huyền Thiên Đại Thánh báo ân mẹ Bùi Thị Dung Quốc Mẫu Văn Lang thời Hùng Vương thứ 6 là bậc thánh nhân của mọi thời đại”…

Đền thờ Phù Đổng Thiên Vương báo ân Mẹ

Đền Đông Bộ Đầu (xưa là làng Dấp) thờ thần hiệu là “Đổng Sóc Thiên Vương Huyền Thiên Đại Thánh báo ân mẹ”. Sự tích Thánh Gióng, có nhiều đoạn tương đồng với chuyện kể ở Phù Đổng – Sóc Sơn, nhưng có điểm khác biệt là Thánh Gióng có thêm chiến công diệt thủy quái cứu mẹ, bảo vệ bình yên cho dân làng. Cảm kích trước công lao to lớn của Thánh Gióng, hằng năm, dân làng mở hội tế thần vào ngày 8 tháng Giêng (hội chính, ngày sinh) và ngày 8 tháng 9 âm (ngày hóa). Tổ chức lễ hội chủ yếu do 11 dòng họ của thôn đứng ra gánh vác, từ mùng 4 – 6 tháng Giêng, các dòng họ nhộn nhịp làm cỗ chay dâng Thánh: bánh dày, bánh mật, bánh gai, bánh bột lọc, bánh ít, su sê, bánh uôi, chè kho, bỏng…nhiều màu sắc, cùng xôi, rượu, thịt, hoa quả, trầu cau và đón khách ở phương xa. Mùng 7, các dòng họ cùng nhân dân dâng lễ, sáng mùng 8 (chính hội) diễn ra long trọng tại cửa đền với sự tham dự của hàng vạn người dân.

Chuyện kể: Thời Hùng Vương, sông Hồng xuất hiện nhiều thuồng luồng chuyên ăn thịt người, ngày kia, có bà mẹ ở làng ven sông ra bến đò Dấp gánh nước thì đột nhiên hai con thuồng luồng lao tới cuốn bà ra xa bờ. Bà bị con thuồng luồng cái nuốt dần vào bụng, mới ngẩng mặt lên trời ca thán: “Trời ơi! Người ta sinh con mong để cậy nhờ, còn tôi có con mà cũng như không thế này!”. Dứt lời, bỗng có vị thần khổng lồ trên mây cao xanh sà xuống, chàng căm giận đứng choại chân sang bên bờ sông, lưng gập xuống, đưa hai tay khoắng nước từ ngã ba Bạch Hạc đến ngã ba Tuần Vường. Chàng trai đã kịp tóm cổ nó mang lên bờ, vuốt ngược bụng con thuồng luồng cái lấy xác mẹ ra. Sau đó, chàng đưa cả hai con thủy quái xuống lòng bàn chân nhấn sâu xuống bùn đen. Chàng táng mẹ vào lòng bàn tay trái để “mẫu bất ly thân” hóa thành ngôi bảo tháp, xong đâu đấy, chàng bước lên bãi ven sông rồi bay về trời. Bến sông làng Dấp để lại ba dấu chân lõm sâu xuống đất. Chỗ vết chân cuối chàng “xung thiên” hóa dân lập đền chính, còn hai vết chân kia dân lập miếu thờ. Làng Dấp có tên gọi là Bộ Đầu (nghĩa là bước chân) từ đấy.

Thời Thánh tổ Triết vương Trịnh Tùng (1570-1623) đem quân đi đánh nhà Mạc, khi thuyền qua đền Bộ Đầu, không rõ vì lý do gì thuyền bị mắc kẹt quay ngang. Thăm dò hỏi dân địa phương Chúa biết có đền thờ Mẫu bà Bùi Thị Dung và Đổng Sóc Thiên Vương. Trịnh Tùng liền khẩn xin thần linh phù trợ để đánh thắng giặc, quả nhiên về sau dẹp loạn xong một cách thần tốc và do mải việc nước nên quên lời hứa xây dựng đền. Vào một buổi trưa, trong giấc chiêm bao, Trịnh Tùng mộng thấy một vị thần khổng lồ có Bát bộ Kim Cương theo cùng nói “Nhà ngươi đã sai lời hứa”. Tỉnh mộng Chúa nhớ bèn sai thợ xây dựng đền, cho tạc một pho tượng Thánh cao đến 21 thước ta (8,4m). Sách Công dư tiệp ký chép tạc tượng thần cao 3 trượng 6 thước (14,4m). Kiến trúc gồm nhà tiền tế 5 gian, gian giữa chồng diêm 8 mái để chuông đồng; hậu cung 2 tầng, tầng trên ba bề ghép kính, dân chúng đi trên đê sông Hồng đều nhìn thấy mặt Thiên Vương nhô lên ở tầng lầu. Do hậu cung hư nặng, tượng Thánh phải tạc đắp lại so với tượng trước thấp đi nhiều, bỏ tầng trên hậu cung và xây kín các mặt. Thật tiếc! Hiện nay, trên mái đền vẫn còn nhiều phiến gỗ ván “mạn thuyền” niên đại 1575 (do thiếu mà Chúa Trịnh phải cho phá lấy gỗ từ các chiến hạm thuyền đậu ở ngoài bến Dấp cung tiến).

Bát bộ Kim cương cùng thờ Phù Đổng Thiên Vương

Ngày 6/2/1979, đền Đông Bộ Đầu được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa. Năm 2011, được UNESCO công nhận là một trong 8 nơi thờ Phù Đổng Thiên Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thần phả thờ Đức Đổng Sóc Thiên Vương có điểm khác là so với truyền thuyết Thánh Gióng quen thuộc: Thần có họ Đổng, có công giỏi trị thủy cứu dân, mẹ là Bùi Thị Dung xuất xứ rõ ràng, Mẹ Thần không phải là bà già xấu xí luống tuổi như huyền thoại dân gian lưu kể mà là người con gái có nhan sắc “Khi cô tròn 16 tuổi, gương mặt hồng tươi, mắt tựa ánh trăng rằm hồ thu, nhan sắc tuyệt thế. Lại có điều lạ trên đầu nàng luôn hiện một vầng hào quang ngũ sắc lãng đãng như cánh chim loan. Dù nàng đi đâu, đi chơi hay đi lấy củi hay làm đồng thì vầng hòa quang đó vẫn bay ở trên đầu, tứ bề muôn đóa huy hoàng quấn quýt, một vùng gió biếc hương đưa ngan ngát”. Mẹ Thần sau thành vợ yêu của Đại quan làng họ Đổng Gia vùng Đại Mạn Châu danh giá. Nhưng do số phận, chỉ một năm sau, chồng bà qua đời, bà vào tu tại chùa Hoàng Nham. Một buổi, bà đi dạo trên một quả đồi, thấy phiến đá sạch, bà nằm nghỉ, tự nhiên thấy một đóa sen hồng rơi xuống bụng. Sau ba mốt tháng, đẻ ra một bọc hình đóa sen hồng còn phong nhụy, lúc nào cũng thoang thoảng hương đưa và có những dải mây cầu vồng quấn quýt, 7 tháng sau bông sen còn chưa nở. Chỉ khi vua Hùng đưa về cung ngày đêm chăm sóc, dần dần đóa sen mới nở hình hài nhi. Hài nhi đó chính là vị anh hùng lẫm liệt mang tên Thánh Gióng mà dân gian vẫn nhắc tới với sự thụ thai kỳ lạ mang tên “vết chân to”.

Thánh Gióng của thần phả này là một anh hùng trị thủy, “Đây là một điều nghe hết sức hợp lý và đối với những kẻ hậu sinh là vô cùng lý thú”, “Một trong những hiểm họa luôn rình rập đất nước ta đó là lụt lội. Cho đến giờ, một năm chúng ta phải đối mặt với không biết bao nhiêu trận bão lũ, nhất là trong thời kỳ biến đổi khí hậu này”. Bộ thần phả như một thiên anh hùng ca hiếm hoi của Việt Nam diễn lại trận đánh và cuộc đời vị Thiên vương lẫm liệt: “Thiên thần lập tức xông thẳng tới nơi giặc ở Động Xích Quỉ bên núi Ngũ Lĩnh. Tướng giặc Đằng Xà bấy giờ đang giữa trăm quân hầu cận, trông thấy ngài bèn hồn bay phách lạc. Bọn tả hữu vội tẩu tán. Thần tướng bắt sống được tướng giặc Đằng Xà bên chân núi Ngũ Lĩnh, chém nó thành ba đoạn. Tàn quân giặc Xích Quỉ bị đánh tan tác như tro bụi. Thần tướng trở gót một mạch về triều, tới trước mặt vua nói: Ơn bú mớm thật là sâu nặng, Xin nhà vua hãy thay ta chăm sóc mẹ. Dứt lời thiên thần cầm đao long vút thẳng lên trời”. Lòng hiếu với mẹ của ông Gióng không ngừng ở đó, khi ông đã về trời, nhận được tin mẹ mình đang bị thuồng luồng ăn thịt, ông bèn giáng thế cứu mẹ mình. Đoạn hùng ca Thánh Gióng cứu mẹ làm thỏa lòng người Việt về tâm thức cao đẹp của dân tộc.

Ngôi nghè ngoài bãi sông thờ thân mẫu đức Thánh Gióng, đầu thế kỷ X, được chuyển vào phía trong đê để việc phụng thờ được chu đáo hơn. Ngôi đền làng đại tu năm Bính Ngọ 1906, hiện còn lưu giữ 02 đạo sắc thời Khải Định, Duy Tân. Đền thờ “Tiền Phật, hậu Thánh”: 5 gian nhà tiền tế rộng rãi xây theo hình chữ nhật, trông về hướng Bắc, nóc tạc “Phù Đổng linh từ”. Trong nhà có chạm đại tự chữ Hán “Thiên nhân” (người trời), nổi bật nhất là bức hoành phi sơn son thiếp vàng “xung thiên hộ quốc” (bay thẳng lên trời giúp nước). Ở gian giữa ngôi nhà tiền tế vút lên 4 cột đá lớn cao tầm 6 đến 7 mét, đường kính 0,3 mét, đỡ lấy mái. Cột là khối đá nguyên, thân chạm nổi các mẫu hoa văn thời Nguyễn. Khi dựng cột làng phải bắc giáo dùng dây treo cột kéo người lên. Sau là hậu cung, vào đó ta gặp một bức tượng to cao đứng uy nghi choán hết cả gian nhà, tượng tạc thế dứng thẳng cao 5,76m, bờ vai rộng 1,5m (đây là pho tượng cổ lớn nhất trong di sản văn hóa dân tộc còn sót lại và to nhất vùng Đông Nam Á). Tượng thần “Đầu ngài đội mũ bách tinh chói lọi, thân khoác long bào kim giáp, mặt đỏ như mặt trời, mắt sáng như dao; một chân ngài đặt giữa đồng, chân kia giẫm chết đôi giao long bên bờ sông; ngài nâng mẹ lên lòng bàn tay trái, bỗng nhiên thi thể mẹ hóa thành ngôi bảo tháp lớn ngay trong lòng bàn tay ngài”. Bức tượng thể hiện trạng thái giận dữ của Thiên Vương đối với thủy quái hại mẹ mình và cũng thể hiện tâm trạng nuối tiếc khi không kịp cứu mẹ.

Lễ hội có nhiều trò chơi dân gian: Bơi thuyền bắt vịt, thi bơi trải trên sông Hồng và độc đáo nhất vẫn là trò múa gậy chầu Thánh. Gậy múa là đoạn tre dài 2,5m – 2,8m. Tay cầm ôm nửa vòng thân gậy để lỡ đối phương có đánh róc mía gậy trượt trên mặt thân tre không vào ngón tay người đỡ. Từng cặp chàng trai đầu quấn khăn rìu, eo thắt dải đỏ, chân buộc xà cạp ra đứng chống gậy trước cửa đền. Khi có hiệu lệnh họ cùng dùng chân đá gậy tung lên, tay đón gậy múa đi ra, rồi lại múa vào. Ba lần múa vòng tròn chào thần, chào người xem. Sau đó thao diễn các bài cơ bản, người múa càng đông càng tốt, cây gậy xoắn tít trên tay. Các bài: Múa vớt (bước lên ba bước, lùi ba bước, tay gậy đưa hớt trước mặt); múa ráo đất (tay cầm gậy giơ phía trước đưa vào nách quay người lại phía sau); múa vắt khăn (đưa gậy xuống ba lần rồi chuyển gậy ra sau gáy, vào thế đưa gậy ra đỡ); múa quét chợ (đưa gậy lùa qua đầu, đánh gậy quét qua chân. Đối phương nhận hiệu lệnh báo đánh phải nhảy lên) và múa đánh lá lật (múa tròn gậy trên đầu, đánh gậy xuống, quay 180 độ đánh thuận, đánh nghịch từ trái sang phải, đây là bài khó nhất). Thao diễn xong các tay gậy thăm thử tài trí của nhau để vào đấu. Ban Tổ chức có quy chế: “Cấm chọc táo (chọc ngược gậy), quét chợ phải làm hiệu gậy báo trước, cấm bất thình lình đánh bổ thượng; người thua là do đỡ không kín, không phán đoán nổi ý đồ của đối phương bị gây dính người hoặc đỡ không chắc bị rơi gậy khỏi tay. Tay gậy nào thắng liền ba hiệp sẽ đứng giữa chủ gậy, thắng hai hiệp coi là được cuộc; người giữ gậy hết buổi hội không ai phá nổi là người giật giải và được làng tôn là chủ soái múa gậy năm ấy”.

Hits: 2412

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *