Chùa Trần Đăng toạ lạc tại làng Trần Đăng, xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa. Đây là một dấu tích vật chất quan trọng minh chứng cho tư tưởng và các hoạt động văn hoá, xã hội khu vực trong một giai đoạn lịch sử của địa phương và của đất nước. Với những dấu tích kiến trúc và các hiện vật còn lưu giữ được đã góp phần vào việc khẳng định những giá trị văn hoá truyền thống và Phật giáo của địa phương.
Chùa Trần Đăng
Làng Trần Đăng là một ngôi làng cổ kính, nơi lưu giữ nhiều công trình văn hoá của làng quê Việt Nam như: đình, đền, miếu, chùa. Đặc biệt chùa Trần Đăng là ngôi chùa cổ hiện còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Qua việc khảo sát phần nền móng toà Thượng Điện vẫn giữ được diện tích, khuôn viên cổ xưa. Hiện nay, tòa Thượng Điện chùa Trần Đăng có một nhang án đá hoa sen hình hộp chữ nhật dài 2,85m, rộng 1,1m, cao 0,89m nằm ở vị trí gần sát với tường hậu, từ cột cái trong trở vào. Trên nhang án có trang trí hoạ tiết hoa văn mang phong cách nghệ thuật thời Trần.
Toà Thượng Điện của chùa còn có ngói lợp mũi hài có phong cách tạo tác thế kỷ 17, 18. Bên cạnh nhang án đá người ta cũng đã phát hiện một ít gạch mang hoa văn đao mác thời hậu Lê. Như vậy đây là những cơ sở khẳng định di tích chùa Trần Đăng có niên đại khởi dựng từ trước khi có lần tu sửa lớn vào thời Lê – Mạc. Như vậy có thể đoán định niên đại xây dựng chùa Trần Đăng ít nhất cũng có từ thời Trần.
Công trình kiến trúc hiện tồn tại là kết quả của những lần trùng tu ở triều Nguyễn, với toà Tiền Đường 5 gian 2 chái tường hồi bít đốc tay ngai. Vào năm 1951, nhà chùa và nhân dân đã tiến hành một đợt trùng tu tôn tạo di tích, đảo ngói và sửa sang những cấu kiện bị hư hỏng và xây dựng mới nhà tổ trên nền cũ ở phía sau bằng kinh phí do nhà chùa và nhân dân đóng góp.
Trong toà tiền đường có hệ thống khung gỗ chịu lực được kết cấu bởi 6 bộ vì mái được đỡ bởi hệ thống bốn hàng chân cột, gồm hai hàng cột cái, hai hàng cột quân, được liên kết với nhau bởi hệ thống xà giằng. Toà Thiêu hương gồm 3 bộ mái với kiểu thượng chồng rường, giá chiêng hạ kẻ.
Nhà tổ được xây dựng chủ yếu bằng nguyên liệu sẵn có bấy giờ, như gỗ xoan và tre, gạch xây và ngói lợp được nhà chùa tự làm bằng cách đào đất ở vườn chùa để lấy nguyên liệu làm ngói sau đó nung để lấy ngói và gạch xây nhà tổ. Hiện nay, dấu vết đào ao lấy đất vẫn còn tồn tại và được nhà chùa thả sen làm đẹp cho không gian chùa.
Người dân làng Trần Đăng ngay từ buổi ban đầu khi dựng chùa đã tìm chọn mảnh đất có đầy đủ những yêu cầu của thuật phong thuỷ. Chùa Trần Đăng được dựng trên một mảnh đất rộng, cao và bằng phẳng nằm giữa làng nơi có dòng nước chảy và cánh đồng lúa xanh tươi bát ngát. Chùa Trần Đăng được làm quay mặt về hướng Nam. Không phải chỉ bởi ở hướng này có dòng nước mà hướng Nam còn là hướng mà nhà Phật cho là hướng trong sáng, hướng của trí tuệ (hướng Bát Nhã) mà đạo Phật lấy trí tuệ để diệt trừ sự ngu tối, tức mầm mống tội ác…
Chùa Trần Đăng đã ứng với thế linh địa, đã hội đủ các yếu tố theo chuẩn mực của thuyết phong thuỷ, quan niệm âm dương, xứng đáng là nơi dân làng ngưỡng vọng, thể hiện lòng thành kính của mình với đức Phật, cầu mong Phật chở che, ban phúc lâu dài.
Gác chuông của chùa nằm ở khu vực Tam quan, là một đơn nguyên kiến trúc một gian hai chái, chống cổ diên hai tầng tám mái, tầng trên có treo quả chuông “Duyên Phúc Tự Chung”. Trải qua thời gian nắng mưa huỷ hoại, mối mọt xâm thực, hiện nay, tam quan không còn giữ nguyên như từ ngày khởi dựng mà đã trải qua nhiều lần trùng tu tu sửa, dấu vết hiện nay còn tích tụ qua nhiều mảng chạm khắc mang phong cách của các thời kỳ khác nhau.
Ngoài ra, chùa còn có phần Thượng điện, là hạng mục kiến trúc có ba gian, tường hồi bít đốc tay ngai. Phần nhà mẫu nằm ở phía sau công trình chính là hạng mục mới được tôn tạo năm 2011. Có thể nói chùa Trần Đăng là một trong số ít những di tích kiến trúc gỗ có lịch sử tồn tại hàng trăm năm. Hơn thế nữa, di tích còn bảo tồn được khá đầy đủ các thành phần hạng mục kiến trúc, trang trí kiến trúc của một ngôi chùa cổ.
Hits: 695