Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ)

Chùa Trăm Gian còn gọi là chùa Sở, tên chữ là Quảng Nghiêm, được xây dựng từ đời Lý Cao Tông năm 1185, tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ. Đây là ngôi chùa có diện tích lớn, hiện đã được trùng tu và xây dựng thêm qua nhiều thời đại. Chùa ở trên một quả đồi cao chừng 50m thuộc dãy núi Tiên Lữ còn gọi là núi Mã.

Kiến trúc chùa Trăm Gian

Chùa làm theo kiểu kiến trúc đời Trần thế kỷ 14. Cứ 4 cột là một gian thì chùa có gần 100 gian nên được gọi là chùa Trăm Giam. Chùa được chia thành ba cụm kiến trúc. Trong đó, cụm ngoài cùng gồm 4 cột trụ và hai quá, trước đây được dùng làm nơi đánh cờ người trong các ngày hội. Tiếp đến là nhà Giá ngự, là nơi xưa kia thường rước thánh ra ngự để xem trò múa rối nước ở hồ sen.
Cụm thứ hai là tam quan hay còn gọi là gác chuông, kiến trúc theo kiểu hai tầng chồng diêm 8 mái, dựng theo phương pháp cổ truyền “Thượng thu hạ thách”. Gác chuông làm bằng gỗ quý. Trên gác treo một quả chuông cao 1,4m, đường kính là 0,6m, được đúc năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1794) trên chuông khắc bài minh của Thuỵ Nhâm Hầu Phan Hữu Ích. Tiếp đến, đi qua các bậc đá có lan can chạm rồng, đến cụm thứ 3 là chùa chính. Chùa làm theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm chùa ngoài có hai tượng hộ pháp là Khuyến Thiện – Trừng Ác đồ sộ và toà thiên hương.
Trong cùng nối liền với nhà tổ, vây quanh một ngôi nhà 16 cột làm theo kiểu 4 mái, ở trong có một trống lớn, đường kính mặt trống 1 mét và một khánh đồng dài 1,2m, cao 0,60m, được đúc năm Cảnh Hưng thứ 10 (1750).
Trong chùa có hơn 100 pho tượng Phật, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất sơn son thếp vàng. Trên cùng thờ đức Tam Thế Phật, đặt trên một bệ đồ sộ bằng gạch nung màu đỏ như son. Bệ hình chữ nhật dài 2,4m, rộng 1,2m, cao 0,80m. Bệ gạch gồm 3 phần, trên là đoá sen khổng lồ, nở xoè. Giữa là phần trang trí, có nhiều đường gờ nổi xinh xắn chia thành 3 khung, giữa chạm hình cá hoa rồng, hai bên là hình hổ phủ phục, ngựa phi, voi rồng đường nét mộc mạc, thanh nhã. Bốn góc bệ tạc hình người cánh chim kiểu “Chân quỳ dạ cá”. Phía dưới bệ gạch, trang trí như những chiếc bệ đá ở chùa Hương Trai (Hoài Đức), Bối Khê (Thanh Oai) đó là những di sản rất hiếm thấy và rất quý của nền nghệ thuật Lý – Trần trong giai đoạn từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14.
Dưới cùng những hàng gạch hòm sớ có kích thước khác nhau trạm nổi hoa văn, đường triện cách điệu hoặc hình rồng yên ngựa, hươu nai, cua tôm, hổ báo, voi ngựa trông rất ngộ nghĩnh và tinh xảo. Nhiều viên gạch có hoạ tiết rất lạ, làm vào thời Lê (thế kỷ 15 đến 17).
Ngoài ra, còn có gian bên phải được gọi là “Nam Thiên Đại Giác” trong có khám gỗ bưng kín bốn bên thờ Đức Thánh Bối, tức Đắc đạo chân nhân Nguyên Bình An, tượng cốt rút bằng mây đan, ngoài bọc vải sơn, trong có hài cốt của Thánh Bối. Gian nhà bên trái, trên cao thờ đức phật Quan thế âm. Bên dưới là hai pho tượng gỗ sơn son thếp vàng ngồi quay mặt vào nhau. Pho tượng ngồi bên trái là tượng “Quan Đô” hay “Đô Đốc Đông”. Đây không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hiếm quý, có giá trị nghệ thuật tạo hình thời Tây Sơn mà còn là một hình ảnh cụ thể của một vị anh hùng dân tộc đã góp phần quan trọng vào chiếm công oanh liệt của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược cuối thế kỷ 18.
Sự tích về ông được ghi lại trên tấm bia “Đặng Tướng công” hình vuông đặt tại gian nhà bên phải, chùa ngoài, khắc năm Cảnh Thịch thứ năm (1797) do Phan Huy Ích soạn, Ngô Thì Nhậm nhuận sắc. Ngồi đối diện với tượng Quan Đô là pho tượng Hà Quận Công – Đặng Thế Vinh, ông tổ năm đời của Quan Đô, cùng với tượng bà vợ cả là Đỗ Thị Ngọc Đức, vợ thứ là Nguyễn Thị Từ Vệ, con gái trưởng là Đặng Thị Ngọc Phúc.
Đặc biệt, ở Chùa Trăm gian còn có hai dãy hàng lang bên thượng diện thời 18 vi La Hán và thập điện Diên Vương. Đây là những bức phù điêu gỗ chạm nổi, mang phong cách tạo hình sáng tạo, đa dạng, cầu kỳ. Mỗi vị La Hán là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo với những nét cách điệu, sinh động, hài hoà của nghệ thuật tạo hình thời Lê.

Hits: 1340

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *