Để lên đến cổng chùa, du khách phải vượt qua 239 bậc lát đá ong. Nhìn bề ngoài, mỗi tòa có 2 tầng mái kiểu chồng diêm. Mái trên có múi in nổi hình lá đề, lớp dưới là ngói lót hình vuông sơn ngũ sắc như màu áo cà sa xếp trên những hàng rui gỗ làm thành ô vuông đều đặn. Mái chùa có những góc đao cong vút được làm bằng gỗ và đất nung, với những đường nét nổi lên hình hoa, lá, rồng phượng sống động, vươn cao tới 2,2m. Xung quanh diềm mái của 3 tòa nhà đều được chạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn rất công phu. Tường chùa xây toàn bằng gạch Bát Tràng, các cột gỗ đều kê trên đá tảng xanh, khắc hình cánh sen.
Không chỉ nổi bật với kiến trúc độc đáo, chùa Tây Phương còn là nơi tập trung những tác phẩm đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Hầu hết các đầu bẩy, bức cổn, xà nách, ván long… làm bằng gỗ trong chùa đều được các nghệ nhân làng mộc truyền thống Chàng Sơn nổi tiếng nhất xứ Đoài thời bấy giờ thực hiện. Đáng chú ý nhất là bộ tượng tròn gồm 64 pho, mang phong cách hiện thực. Ẩn chứa trong mỗi pho tượng là thần thái nội tâm, đạo lực từ bi, vị thiền, giải thoát đều hiển hiện dưới từng nét chạm, sinh động từ nếp áo đến dáng điệu. Trong số này, pho tượng Tuyết Sơn, tượng La Hầu La Đa được xem là tượng đẹp nhất trong toàn bộ nền nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Tây Phương là nơi hội ngộ của các “phật sống” tọa thiền với tất cả nét độc đáo trong tâm tư và hình thái của mỗi vị.
Tượng Tuyết Sơn – một trong những pho tượng đẹp nhất tại chùa Tây Phương
Hệ thống tượng ở chùa Tây Phương có thể được phân chia khái quát như sau: Bộ tượng tam thế Phật với 3 pho tượng Phật, đại diện cho quá khứ, hiện tại và vị lai (hay còn gọi là Tam Thân: Pháp Thân, Ứng Thân và Hoá Thân) ngồi ở tư thế toạ thiền, y phục gập nếp đơn giản phủ kín cơ thể, được coi là có niên đại từ đầu thế kỷ 17. Bộ tượng Di Đà Tam Tôn: gồm tượng Đức Phật A Di Đà, đứng hai bên là Quan Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Tượng Tuyết Sơn miêu tả Đức Phật Thích Ca trong thời kỳ tu khổ hạnh: mỗi ngày ăn một hạt kê, một hạt vừng, tự hành xác để vươn lên thế giới tinh thần sáng láng. Tượng màu đen thẫm khoác áo cà sa mỏng, tay chân gầy khẳng khiu, xương nổi lên trước ngực. Toàn bộ cơ thể chìm trong suy tưởng, mắt trũng sâu, hướng về nội tâm. Hai bên tượng Tuyết Sơn có tượng A Nan và Ca Diếp đứng đầu. Tượng Đức Phật Di lặc tương trưng cho vị Phật của thế giới cực lạc tương lai. Người mập mạp, ngồi hơi ngả về phía sau, toàn thân toát ra sự thỏa mãn, sung sướng. Tượng Văn Thù Bồ Tát: dáng đứng chắp tay, chân đi đất, các ngón chân bấm móng xuống mặt bệ. Tượng Phổ Hiền Bồ Tát: tay chắp trước ngực, khuôn mặt sáng rộng nổi lên trên tấm thân phủ đầy y phục. Tượng Bát Bộ Kim Cương thể hiện trình độ rất cao về nghệ thuật lắp ghép gỗ và cách bố cục, chuyển động của một thân thể mang giáp trụ trong các thế võ.
Hơn thế nữa, các chi tiết trang trí bên trong và bên ngoài chùa còn thể hiện quan niệm nhân sinh quan, thế giới quan của người Việt cổ, mang đậm nét văn hóa nền văn minh lúa nước. Nhân dân địa phương ngày nay vẫn quan niệm chùa được tạo tác theo dáng dấp kiểu “thượng sơn lưu đài – hạ sơn lưu thủy”, hình ảnh của công trình chùa chính thấp thoáng trong những tán lá cây lưu niên trên đỉnh núi Câu Lậu đã thực sự tạo nên khung cảnh “Tây Phương cực lạc” nơi trần thế.
Với những giá trị về kiến trúc, lịch sử, tôn giáo, năm 1962, chùa Tây Phương đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử – Văn hóa quốc gia, đến năm 2014 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2015, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ 18 đã được Thủ tướng Chính Phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Hội chùa Tây Phương được tổ chức vào ngày 6 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Đây là dịp du khách vừa đi lễ chùa cổ, vừa khám phá những nét kiến trúc Phật giáo độc đáo của đất Hà thành.