Chùa Ngâu (Thanh Trì)

Chùa Ngâu tên chữ Hưng Long Tự, thôn Yên Ngưu (làng Ngâu), xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, theo truyền thuyết có từ thời Lý. Chùa được xây dựng vào năm 1130, niên hiệu Thiên Thuận vào thời vua Lý Thần Tông do đức Lệ Thiên Hoàng Hậu xây dựng. Chùa Ngâu và đình Ngâu đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1995.

Làng Ngâu là tên Nôm của thôn Yên Ngưu, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, vốn nổi tiếng với nghề nấu rượu. Không ai nhớ nghề nấu rượu có từ bao giờ, chỉ biết rất nhiều người Yên Ngưu hãnh diện khi nói về nghề truyền thống quê mình. Lịch sử nơi đây từ xưa đã gắn liền với ngôi chùa làng. Theo truyền thuyết trước kia làng Yên Ngưu có hai Miếu là: Miếu Mục Đồng thờ đức Tổ Nam Dương (Thủy Tổ Thành Hoàng làng Yên Ngưu) và Miếu Diệu Linh thờ Hương Từ Thanh Vân Thần Nữ hay còn gọi là Tổ Mẫu Ngâu. Đức Lệ Thiện Hoàng Hậu đã xây dựng lên miếu Diệu Linh và đặt tên là Hưng Quốc tự thờ Phật và thờ đức Tổ Mẫu Ngâu.

Đến thời Lê Trung Hưng, năm 1727, chúa Trịnh Cương ép vua Lê Dụ Tôn (1679-1731) bỏ con trưởng, lập con thứ Duy Phường làm thái tử. Năm 1729 lại ép vua nhường ngôi cho thái tử nhưng Cương bỗng chết. Năm 1732, Trịnh Giang truất Duy Phường, đưa Duy Tường lên ngôi tức Lê Thuần Tông. Năm 1735, Thuần Tông mất sớm, Giang lập Duy Thận làm vua Lê Ý Tông rồi giết luôn Duy Phường.

Chùa Ngâu bị bỏ hoang trong thời này vì nhiều nơi nổi dậy dựng cờ “phù Lê diệt Trịnh”. Năm 1740 Giang phải thoái vị, em là Doanh lên thay. Doanh đối xử tốt hơn với vua Lê Hiển Tông (trị vì 1740-1786), thu phục được lòng người và dẹp yên nội loạn. Đến năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750), chùa Ngâu được chúa Trịnh cho trùng tu lại hoàn toàn và đổi tên là Hưng Long Tự.

Do vị trí địa lý ven sông Tô Lịch và đường quốc lộ nên chùa Ngâu trong thời gian kháng chiến chống Pháp từng trở thành nơi che giấu cán bộ chiến sĩ và vũ khí đạn dược. Do biến cố thăng trầm của thiên nhiên và lịch sử trải qua 2 cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp – Đế quốc Mỹ, chùa trở thành kho vũ khí đạn dược và nuôi giấu cán bộ cách mạng. Phải hứng chịu nhiều bom đạn của chiến tranh nên chùa hầu như đổ nát hoàn toàn.

Năm 1995, chùa được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ đó đến nay, chùa được đại trùng tu tôn tạo lại hoàn toàn nhưng vẫn mang những nét rêu phong cổ kính và tôn nghiêm thời xưa. Trong đó gồm các công trình hạng mục như ngôi Tam Bảo, Nhà thờ Tổ, Phủ Đế Đô Hưng Quốc, cổng Tam quan và tạc tượng đúc tượng đúc chuông.

Cổng tam quan hầu như xây toàn bằng đá xanh. Trong khuôn viên của chùa vẫn tỏa bóng những cổ thụ mang dáng vẻ tôn nghiêm như thời xưa. Bên phải tam quan là một cây muỗm mấy trăm tuổi rồi đến một giếng tròn to giáp với sân trước phủ Đế Đô. Tiền đường Phủ gồm 5 gian 2 chái, xây 2 tầng kiểu chồng diêm. Hậu đường ở sân sau, đầu hồi có lối thông sang chùa.

Tòa tam bảo cũng xây trên nền cao, hàng hiên có các cột đá, mái bê tông dán ngói ta như bên Phủ. Pho tượng Bồ tát Quan âm Nam hải dựng trước thềm nhìn qua cổng sân và tam quan về hướng Đông-Nam. Tiền đường 5 gian 2 chái với 3 lầu nhô lên 2 tầng kiểu chồng diêm, kết nối liền với trung đường 7 gian và thượng điện 3 gian theo hình “chữ Tam”, không có giếng trời lấy sáng. Xung quanh sân sau thượng điện là nhà khách, nhà Tổ và nhà tăng.

Hàng tháng có hai ngày sóc vọng đó là ngày rằm và mùng 1 nhân dân trong vùng – Phật tử thập phương vẫn về lễ hành hương và tu tập nghe giảng pháp học giáo lý của Phật, nhằm thực hiện nếp sống văn minh đời sống an lạc.

Hits: 1510

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *