Chùa Hưng Hiền (Linh Quy tự) xã Hiền Giang, huyện Thường Tín trước đây vốn là một vùng danh thắng. Trải qua thời gian, chiến tranh, thiên tai và tác động của tự nhiên, tuy không còn giữ được dáng vẻ ban đầu nhưng chùa vẫn giữ được địa thế, khuôn viên của chùa Hưng Hiền từ xa xưa.
Chùa Hưng Hiền
Trải qua nhiều lần trùng tu, hiện nay, chùa nằm gọn trong khuôn viên rộng, phía trước chùa đã có tường bao, phần sau chùa được bao bọc bởi lũy tre làng. Các hạng mục của chùa gồm: Tam quan, tiền đường, thượng điện, nhà mẫu, nhà khách và khu vườn tháp.
Tam quan của chùa được chia làm ba phần với 3 cửa ra vào, cửa giữa lớn hơn, cổng chính làm kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, nóc mái đắp hình hai con rồng chầu mặt nguyệt, ở những góc mái đắp các họa tiết văn thực vật uốn cong, mái được đắp giả ngói ống. Tầng 2 cổng chính được sử dụng làm gác chuông với bốn ô cửa sổ dạng cửa vòm để thoáng ở bốn mặt, ở giữa treo quả chuông niên đại Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) đỡ tầng 2 chính là hệ thống trụ biểu tạo nên lối đi vào ở tầng 1 với bốn trụ biểu ở bốn góc. Trên mép ngoài nóc của trụ biểu đắp bốn con nghê áp sát vào gác chuông. Phía dưới trụ biểu làm kiểu lồng đèn, bên trong đắp hình chữ Thọ; thân trụ bổ khuôn hình chữ nhật, bên trong để trống. Ở mặt trước và mặt sau của tầng 1, nối cột trụ hai bên với nhau là một bức tường uốn cong hình mái vòm, trên đó đắp hình hai con rồng chầu vào nhau, phía dưới để thoáng tạo thành lối ra vào của di tích. Nối trụ biểu ở hai bên tam quan về phía ngoài chính là hệ thống tường bao của di tích.
Tam quan chùa
Chùa còn một lối vào được làm dưới dạng lối đi chính nối thẳng từ đường vào có tên là Tòng phương tiện (Lối đi lại) được xây dựng vào năm 1984. Cổng này được làm khá đơn giản, bên trên tạo một khuôn hình chữ nhật đắp nổi ba chữ Hán, phía dưới tạo dáng mái vòm, đắp nổi số 1984 có lẽ là năm xây dựng hoặc trùng tu di tích.
Gian thượng điện
Chùa có hai khoảng sân, một sân ngay trước tiền đường và một sân ở trước nhà Mẫu, hai sân đều được lát gạch vuông đỏ, sau sân là đến Tiền đường, tiền đường gồm 3 gian xây kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Bờ nóc và bờ dải đắp kiểu bờ đinh. Hai đầu bờ nóc trang trí hoa văn kỷ hà. Chính giữa bờ nóc đắp hình cuốn thư, ở giữa đề chữ Hán nhưng nay đã bị mờ không nhìn rõ chữ. Mái tiền đường được lợp ngói ta, nền lát gạch, mặt trước tiền đường làm ba cửa ra vào, cửa làm dạng cửa bức bàn với chất liệu gỗ. Hai bên đường hồi kéo dài ra phía trước bằng một bức tường lửng và đỡ mái trước chính là hai cột trụ ở khoảng giữa hiên. Cột trụ làm dạng tròn, bên trên đắp hình đấu đinh, bên dưới đắp dạng ô lồng đèn và tạo những đường nét như hình cánh sen. Bộ khung nhà tiền đường kết cấu bằng 4 bộ vì làm bằng gỗ. Các bộ vì được làm thống nhất kiểu thượng chồng rường giá chiêng hạ bẩy hiên, hai vì nách được đỡ hai bức tường hồi hai bên thay cho thanh xà hạ. Ở hai vì giữa, hệ thống quá giang qua đấu kê hoa sen, đầu kia đỡ kẻ bằng hình xẻ họng, đồng thời hai trụ được nối bởi một câu đầu. Đứng trên câu đầu là hai trụ trốn trên có đỡ con rường đội một đầu sen. Điểm hợp của hai kè là đấu hình thuyền đội thượng lương. Trên thân các thanh rường trang trí hoa văn hình lá lật. Nối các bộ vì với nhau là thông là hệ thống xà đai thượng được làm bằng gỗ, thân xà bào trơn đóng bén.
Y môn nghệ thuật thế kỷ XIX
Ở gian tiền đường có bài trí hai ban thờ, phía bên phải là gian Đức Ông, phía bên trái là ban Đức Thánh Tăng. Tượng Đức Ông có khuôn mặt màu đỏ, đầu đội mũ cách chuồn. Tượng Thánh Tăng có khuôn mặt màu trắng, đầu đội mũ tì lư thất phật, hai tay trong tư thế thuyết pháp, áo tượng cuốn sang bên trái rồi thả rủ các nếp mềm mại, cân xứng. Hai pho tượng này đều mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
Qua tiền đường là vào Thượng điện, thượng điện chùa là ba dãy nhà dọc, nối với gian giữa tiền đường tạo thành mặt bằng hình chữ Đinh. Chiều ngang tiền đường dài 6,8m, chiều dọc là 2,7m. Bộ vì các gian thượng điện liên kết thống nhất theo kiểu thức “vì kèo, quá giang gối tường”. Nối từ hai vì kèo gian giữa của tiền đường với hệ thống vì kèo của thượng điện là hai bức cốn trang trí hình rồng uốn lượn. Ba mặt của thượng điện được bưng kín bằng tường. Tại chính giữa thượng điện xây 5 bệ thờ để bài trí thờ tự. Điểm giá trị của ngôi chùa chính là hệ thống tượng thờ tại di tích. Ở đây có hệ thống tượng Phật, tượng Mẫu, tượng Tổ, tượng ở chùa hầu hết đều được sơn son thếp phủ hoàng kim và được xắp xếp theo 5 lớp.
Tượng phật mang phong cách thế kỷ XVIII
Lớp thứ nhất là tầng cao nhất của ban thờ, sát vách tường là 3 pho tượng được làm bằng chất liệu gỗ, gọi là “Tam thế Phật”, tức là các vị Phật của ban thời gian: quá khứ, hiện tại và vị lai. Ba tượng Tam thế có kích thước và hình dáng giống nhau, đỉnh đầu có nhục kháo nổi cao như búi tóc, tóc xoắn ốc, tai dài, ngực có chữ vạn, mặt nguyệt, Ba pho tượng Tam thế ngồi thiền định trên tòa sen, ba pho tượng Tam thế mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Lớp thứ hai là tượng A Di Đà, tượng phật A Di Đà trong tư thế ngồi tọa thiền, hai tay đan chéo, ngửa lòng bàn tay cầm viên ngọc. Tượng A Di Đà mang phong cách niên đại thế kỷ XVIII, tượng A Di Đà được đặt ở tầng thứ hai để tỏ ý là mặc dù ngài ở cõi tịnh độ nhưng vẫn có duyên và gần gũi với cõi Sa bà này, gần gũi với chúng sinh, sẵn lòng dang tay cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh.
Lớp thứ ba gồm ba pho tượng, ở giữa là tượng Quan Âm Chuẩn đề (còn gọi là là Quan Thế âm Thiên thủ thiên nhãn) và hai bên là nhị vị Bồ tát. Hình ảnh đức Quan Âm Thiên thủ thiên nhãn có thể hóa hiện thành muôn ngàn hình tướng khác nhau, để thích ứng trong mọi hoàn cảnh, nhằm cứu vớt trong mọi trường hợp khổ đau của chúng sinh. Với một pháp lực và quyền năng vô lượng vô biên, cùng sự minh triết tuyệt đối, với thiên thủ, thiên nhãn, Người đã cứu hộ hết thảy mọi trường hợp. Đặc biệt, đức Quan Thế Âm nắm vững phép “Chuẩn đế”, một pháp môn đứng vào hàng đầu trong vạn pháp. Tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Lớp thứ tư có ba pho tượng gồm tượng Ngọc Hoàng ở giữa, hai bên là Nam Tào, Bắc Đẩu. Tượng Ngọc Hoàng được tạc trong tư thế ngồi trên bệ nhị cấp có gắn ngai rồng, đầu đội mũ bình thiên, tay cầm lệnh chỉ, áo tượng với nhiều nếp rủ khá mềm mại. Ở hai bên, thấp hơn một chút là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu được tạc trên bệ nhị cấp, đầu đội mũ quan văn, hai chân đi hài, ba pho tượng trong lớp thứ tư này cũng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
Lớp thứ năm là lớp dưới cùng có tòa Cửu Long, tượng Cửu Long diễn tả Phật Thích ca Mâu Ni lúc mới sinh. Theo truyền thuyết, khi ngài mới giáng sinh có chín con rồng xuống phun nước cho ngài tắm. Tắm xong, ngài tự đi được bảy bước về phía trước, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất mà nói “Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn”, xong ngài lại nằm xuống theo kiểu con trẻ, tượng cũng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Nhà Mẫu xây dựng một bệ thờ theo kiểu tam cấp, lớp trên cùng là khám thờ Tam tòa Thánh mẫu bao gồm Mẫu đệ nhất Thiên Tiên (Cửu trùng Thanh Vân Công chúa – Mẫu Thiên); Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn (Đông Cuông công chúa – tương truyền là vị thánh mẫu cai quản thượng ngàn núi rừng); Mẫu đệ tam Thoải Cung (Xích Lân Long nữ, tương truyền là vị thánh mẫu, con vua Bát Hải Động Đình, cai quản các sông suối, biển, các mạch nước trên đất Việt Nam, người ta thường lập đền thờ bà ở các cửa sông, cửa biển để cầu biển lặng sóng yên). Tại ban thờ bên trái nhà mẫu bài trí một pho tượng tổ của chùa. Nhìn chung, tượng thờ ở chùa Hưng Hiền là những pho tượng quý làm nên bộ sưu tập di vật giá trị cho di tích.
Chiếc chuông cổ lưu giữ trong chùa
Về sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, mỗi năm chùa tổ chức 4 khóa lễ lớn: Lập Xuân, lập Hạ, ra Hè, Đông chí. Việc tổ chức 4 khóa lễ này do nhà chùa trụ trì, nhân dân quanh vùng dâng hương hoa oản quả lên làm lễ. Ngoài ra, hàng năm tại chùa còn diễn ra các kỳ lễ chính của Pháp giáo như ngày mồng một tết Nguyên đán, lễ vía Đức Phật Di Lặc; Lễ Thượng Nguyên; lễ vía đức Phật Thích Ca xuất gia (08/2), lễ vía Đức Phật Thích ca niết bàn (15/2); lễ vía Bồ tát Quan âm (19/2)…
Vườn tháp cổ
Như bao ngôi chùa khác, chùa Hưng Hiền là nơi đáp ứng sinh hoạt văn hóa tinh thần, nơi giáo dục và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho các thế hệ nối tiếp mai sau. Những ngày lễ của Phật giáo, ngày Tết và ngày hội của làng, nhân dân đến đây hành lễ, hướng đến cái thiện, giữ gìn những lề thói tốt đẹp của địa phương. Với những giá trị của mình ngày 04/10/2012, chùa Hưng Hiền đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là di tích lịch sử văn hóa.
Hits: 298