Chùa Đậu (Thường Tín)

Chùa Đậu, tên chữ là “Thành Đạo tự” thờ nữ thần Pháp Vũ, nằm trong tứ pháp nên còn được gọi là chùa Pháp Vũ (Pháp Vũ tự). Chùa ở địa phận thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội. Là một di tích lịch sử, chùa Đậu được Bộ Văn hóa xếp hạng năm 1964 và đã trở nên nổi tiếng với việc phát hiện hai pho tượng mang thi hài nhà sư trụ tại chùa.

Chùa Đậu tọa lạc trên cánh đồng rìa làng Gia Phúc ven sông Nhuệ. Theo cuốn sách đồng hiện lưu lại tại chùa thì vào thời Sĩ Nhiếp chùa đã được xây dựng. Tuy nhiên, căn cứ vào các hiện vật, di vật, kiến trúc thì chùa Đậu có từ thời nhà Lý, song chủ yếu mang dấu tích của thời Trần, thời Mạc.

Chùa được xây dựng với một quy mô lớn, theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Nghĩa là trong khuôn viên chùa, các công trình kiến trúc nhà thờ tiền Phật, hậu thánh, bố cục giống hình chữ Công; xung quanh được quây kín bởi các cụm kiến trúc khác tạo thành hình chữ Quốc theo mẫu chữ Hán. Tam quan, còn gọi là gác chuông, cao chừng 8m gồm hai tầng tám mái, có đao cong vút lên cổ kính. Trên bốn mặt lan can ở tầng hai của gác chuông, chạm khắc nhiều hình rồng, chim thú phượng hoa lá… sinh động, đậm nét dân gian. Phía trong trên các giá đỡ, rường đấu con kê cũng chạm đầu rồng và những hình con nghê, con sóc rất phong phú. Trên gác chuông, treo quả chuông lớn đúc vào thời Tây Sơn năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801). Hai cổng trụ và hai cửa cuốn, được xây ở hai bên liền với tầng dưới của gác chuông, cân đối, hài hòa. Nối vuông với hai cổng trụ này là hai dãy hành lang ngoài song song để khách vãng lai nghỉ ngơi. Ở giữa là một sân gạch hình chữ nhật, có diện tích chừng vài trăm mét vuông. Góc ngoài bên trái sân chùa có cây đa cổ thụ, cao vút, cành lá xum xuê, bóng rợp che kín một góc chùa. Qua sân gạch là lên nhà tiền đường. Ở bậc thang giữa có đôi rồng đá đầu to, mình mập uốn lượn như đang bò từ trên xuống. Hai con rồng đá này cũng tương truyền có từ thời Trần ở thế kỷ XIII-XIV. Trong nhà tiền đường nơi khách thập phương chuẩn bị trước khi vào lễ Phật có những bức phù điêu bằng gỗ chạm hình tiên nữ đầu người mình chim và những chàng trai cưỡi rồng đánh hổ rất sinh động. Hai pho tượng khuyên thiện trừng ác đứng trên lưng con sấu sừng sững uy nghiêm. Tại đây còn treo hai biển gỗ sơn son thếp vàng khắc hai bài thơ Nôm làm vào năm Chính Hòa Mậu Dần (1698) và năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718). Đây là hai bài thơ của chúa Trịnh Căn (1682-1709) và chúa Trịnh Cương (1607-1629) làm khi vãn cảnh chùa.

Hai bên nhà tiền đường là hai dẫy hành lang song song, đặt tượng của các vị La Hán và năm tấm bia đá. Trong số bia đó, có bia thời Mạc, dựng năm Sùng Khang thứ 4 (1565), chạm khắc khá tinh tế; trang trí mặt nguyệt, mây lửa và hoa văn tay mướp mềm mại. Bia liệt kê các thửa ruộng của chùa gồm 80 mẫu ở các xứ đồng quanh chùa. Sau bia này là bia thời Lê năm Dương Hòa thứ 5 (1639) có nhắc tới hai nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Tiếp nữa là bia Thịnh Đức năm thứ 3 (1655) khắc lại sắc phong của vua ban cho dân địa phương được miễn công dịch để lo đèn nhang tế lễ ở chùa.

Khu vực giữa hai bên hành lang là Thượng điện là một tòa nhà ở chính giữa chùa với cấu trúc mặt băng chữ Công. Những gian phía ngoài Tam bảo thờ Phật, phía trong ban thờ Thánh Bà còn gọi là Bồ tát Pháp Vũ. Tượng Thánh Bà màu đỏ sẫm do nghệ nhân Cửu Bén (nghệ danh của nhà điêu khắc Đào Văn Can) tạo tác, được đúc bằng đồng, hoàn thành vào năm 1950, đặt trong am sơn son thếp vàng. Thượng điện là công trình kiến trúc nghệ thuật thời Lê – Mạc. Tuy nhiên, tòa nhà này đã bị hủy hoại hoàn toàn trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Hiện vật còn để lại là những viên gạch rồng thời Mạc, bệ đá kê chân cột chạm khắc hoa văn mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVI, những viên gạch hòm sớ mà trên mặt có dập nổi hình hổ, voi, ngựa, chim đầy chất dân gian của thế kỷ XVII và một số tượng Phật cổ.

Phía trong cùng là một dãy nhà tổ, xây ngay nối với hai hành lang tạo thành một cụm kiến trúc kép kín. Trong nhà tổ treo năm bức hoàng phi và bốn đôi câu đối cùng một chiếc khánh đồng cỡ lớn đúc năm Cảnh Hưng 35 (1774) và một tấm bia đá đồ sộ cao tới 2m5 dựng năm Cảnh Hưng thứ 22 (1761). Trên các bệ thờ có tượng của các vị sư trụ trì ở chùa đã qua đời, trong đó, có hai pho tượng mang cốt xương thật của hai nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Toàn bộ khu chùa này được gọi là “chùa Vua” vì trước kia nơi đây giành riêng cho vua chúa và cung tần mĩ nữ đến lễ Phật. Còn ở phía sau có một tòa am cũng đủ tượng như mọi chùa khác để riêng cho dân địa phương thờ cúng gọi là “am chùa”. Muốn vào được “am chùa” phải qua một vòng ở “chùa Vua”.

Đặc biệt đáng quý hơn cả ở chùa Đậu là hai pho tượng bằng sơn phủ lên thi hài của hai nhà sư trụ trì tại chùa nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Pho tượng thi hài của nhà sư Vũ Khắc Minh được đặt trong lồng kính để trên bệ xây gian bên phải nhà tổ. Tượng này nhỏ bé, trông hệt người thật đang trầm tư mặc tưởng. Tượng ở tư thế ngồi thiền, đầu hơi ngả về phía trước, cao 0,57m. Hai chân vắt chéo nhau, ống chân trái đè lên ống chân phải. Bàn chân phải ghếch lên đùi trái, bàn chân trái ghếch lên đùi phải. Hai bàn chân ngửa. Hai tay đặt trước bụng so le nhau, tay trái ở phía trong, tay phải ở phía ngoài. Lòng bàn tay trái ngửa lên phía trên, lòng bàn tay phải hướng về phía bụng, trong động tác lần tràng hạt. Xương ngực hằn lên, xương sống nhô rõ từng đốt. Cả pho tượng nặng bảy cân. Trên đầu có một vết nứt, mắt thường có thể nhìn thấy hộp sọ. Trên sống lưng cũng có một lổ thủng nhỏ, thấy rõ đốt sống.

Còn pho tượng thi hài nhà sư Vũ Khắc Trường được đặt trong lồng kính để trên bệ gạch ở gian bên trái nhà tổ. Tượng ở tư thế ngồi, cao 0,70m, lưng thẳng, mặt béo, tai dầy, chân xếp vòng tròn, môi tô son, lông mày kẻ vẽ. Toàn thân được quét một lớp sơn trắng, hình dáng phảng phất tượng Phật. Tượng này mới bị hỏng và được đắp vá lại bằng thạch cao. Nay phần thạch cao ở đầu gối và khuỷu tay vỡ ra để lộ xương chân và xương tay. Nhân dịp 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, chùa Đậu được nhà nước cấp kinh phí để phục hồi, tôn tạo lại nhà thượng điện và hai pho tượng Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Năm 2016, hai pho tượng được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia.

Có thể thấy, chùa Đậu là một kiến trúc Phật giáo đặc biệt của Nhà nước và nhân dân, mang đậm bản sắc dân tộc, đã đánh dấu một bước phát triển của tín ngưỡng dân gian, đồng thời, là một kiến trúc lớn quốc gia còn lưu giữ được nhiều dấu vết nghệ thuật của nhiều giai đoạn lịch sử dân tộc.

Hits: 1351

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *