Chùa Bình Vọng (Thường Tín)

Chùa Bình Vọng, thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín có tên tự là “Hiển linh Báo Quốc”, là ngôi chùa cổ được xây dựng lâu đời, còn nhiều dấu tích từ thời Lê Trung Hưng. Với kiến trúc độc đáo, những tòa ngang dãy dọc quy mô bề thế, cấu trúc theo kiểu nội công, ngoại quốc, chùa thực là một thắng tích hiếm của huyện Thường Tín.

Chùa hướng Nam, phía trước là khu dân cư đông vui của làng, phia Đông sát chùa là đình và cổng chùa. Cổng chùa làm kiểu tam quan, cổng chính tả môn và hữu môn. Cổng chính to cao đồ sộ tới hơn 10m xây hai tầng, tám mái đao cong, lợp ngói ống, ở giữa trang trí hoa văn chữ Thọ theo lối triện. Hai bên cột trụ đèn lồng, cổng phụ kiểu hai tầng, tám mái đắp trơn rêu phong cổ kính. Từ cổng chính có một đường thẳng gọi là chính đạo vào chùa. Qua sân là vào chùa chính có các công trình kiến trúc: Bái đường, Thượng điện, Nhà tổ tăng, hai hành lang. Phía sau là nhà tổ ni và hay dãy nhà khác cùng vườn tháp.

Bước chân vào tiền đường chùa Báo quốc với quy mô kiến trúc to lớn với ngôi nhà 7 gian xây tường xung quanh, đầu hồi bít đốc, mái chảy lớp ngói ri, trên bờ nóc và bờ hồi đắp thẳng, ở giữa bờ nóc có bức cuốn thư ghi bốn chữ tên tự là “Hiển linh Bảo Quốc”, lên ba bực đá vào Tiền đường là hệ thống 5 bộ cửa bức bàn đồ sộ bào trơn đóng bén. Ngôi chùa kiến trúc gỗ độc đáo, bộ vì làm theo kiểu chồng rường con nhị. Vì hạ là mê cuốn trang trí hoa văn, tiền kẻ hậu bẩy. Trên thân câu đấu và những khúc rường cụt khắc chìm hoa văn lá lật. Thượng lương gian giữa ghi năm tu sửa lần cuối vào triều Bảo đại tam niên (1928).

Ngoài nhà Bái đường có hai tượng hộ pháp Khuyến thiện và Trừng Ác to lớn đồ sộ cao tới gần 4m, tượng ngồi trên lưng sư tử tư thế oai phong lẫm liệt, đầu đội mũ giáp, thân mặc áo giáp, tay cầm đại đao (Trừng ác), tay cầm viên ngọc lưu ly (Khuyến thiện). Tiếp đến là hệ thống tượng Kim Cương đặt ở giáp hai hồi mỗi bên 4 vị tư thế đứng, mỗi vị có một phong độ, tướng mạo, hình hài khác nhau, mỗi pho tượng là một tác phẩm nghệ thuật thời Nguyễn.

Tiếp đến là nhà Thượng điện có kiến trúc giống ngoài tiền đường, đặc biệt, ở xung quanh tường có những ô trang trí chạm thủ hoa văn độc long với phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Tại thượng điện người xem thấy 4 lớp thờ. Lớp thứ nhất là tượng Tam thế ngồi trên tòa sen, chân khoanh tròn thế lưỡng nghi, đầu tóc soắn ốc, thân mặc áo phật có nhiều lớp sóng. Ngực có chữ Vạn, hai pho bên ở tư thế tay phải giơ lên trời, tay trái đặt trong lòng. Tòa sen có 3 lớp cánh đặt trên bệ hình bát giác, xung quanh có trang trí cụm vân mây, tượng Tam Thế nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVIII.

Lớp thứ hai tượng Phật Di Đà tọa chính giữa, hai bên là nhị Bồ tát Quan âm và Đại thế chí. Tượng Di Đà là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII-XVIII, tượng tọa trên đài sen ba lớp, xung quanh đường viền và ba ngọn mác vân mây. Hai pho tượng Quan âm và Thế chí tư thế đứng trên đài sen, đầu đội mũ tỳ lư thất phật, hai tay trước ngực nâng bình nước cam lồ và cuốn sách phật, hai vị đứng trên đài sen phong cách nghệ thuật thời Lê.

Lớp thứ ba là tượng Thích Ca niệm hoa, hai bên là Văn Thù và Phổ Hiền, tượng Thích Ca tọa trên đài sen chân khoanh thế lưỡng nghi, tay phải nâng bông sen đang nở, bàn tay trái ngửa đặt trong lòng có viên ngọc lưu ly. Phía trên đài sen là đường hạt ngọc, phía dưới là ba lớp cánh. Tiếp đến là bệ gỗ chữ nhật. Hai tượng Văn Thù bồ tát và Phổ Hiền bồ tát được tạc ở tư thế ngồi trên đài sen chứ không phải ngồi trên sư tử và voi theo tích truyện. Vì ở chùa phong cách bài trí tứ Bồ tát trong cụm, hai tượng đầu đội mũ tỳ lư thất phật, chính giữa là lưỡng long chầu nguyệt. Thân mặc áo phật nhiều lớp sóng ngực kết đài sen cách điệu. Tay trái giơ ngang ngực, bàn tay có ngọn lửa biểu hiện sự sống, phát triển trường tồn bất diệt.

Lớp thứ tư là tòa Cửu Long với hai bên là tượng Tứ Thiên vương, tòa Cửu Long kép miêu tả cảnh Thích Ca mới xuất thế xuống trần, 9 giồng phun nước cho Ngài. Trên tầng mây lớp lớp có hàng trục tượng Bồ tát và các Thiên tướng vui ca hát mừng Đức Phật xuất thế.

Hai bên thượng điện còn có Ban thờ Phật bà Quan âm thiên thủ, thiên nhãn. Tượng phật Bà có 15 cánh tay ở nhiều tư thế khác nhau. Giữa bàn tay là gương soi. Tượng tọa trên đài sen ba lớp cánh mập to khắc chìm hoa văn, cánh sen có đài nhụy. Đây là bệ sen cổ thời Lê, dưới cùng là một con quỷ Ô Man Đà đầu đội tượng và hai tay nâng khối tượng tròn Phật bà Quan Âm. Tượng Long thần và Thổ địa đặt đăng đối nhau hai bên hàng lang Thượng điện, tượng đầu đội mũ bao công giữa có hòa văn mặt trời và sóng nước biểu tượng văn hóa cư dân nông nghiệp. Hệ thống tượng Thập điện mỗi bên 5 vị tọa ở tư thế ngồi chống chân vuông góc, đầu đội mũ bình thiên, thân mặc áo thiên quan. Đây là các vị thiên thần bảo vệ pháp Phật nghiêm minh…

Hai dãy nhà tổ tăng và tổ ni ở phía sau chùa chính có những bàn thờ Phật tổ Đạt Ma và hai tượng Tổ tăng chùa đã viên tịch. Gian bên tả là ban thờ Đức Ông với các thị giả, bên hữu là bàn thờ đức Thánh Hiền với các tượng Thị giả, bàn thờ Mẫu có tượng Mẫu Thiên, Mẫu Thủy, Mẫu Địa.

Với những giá trị lịch sử văn hóa, chùa Bình Vọng được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử năm 1999.

Hits: 929

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *