ĐÌNH VÂN SA (Ba Vì)

Nằm cách trung tâm huyện Ba Vì 10km – từ Quốc lộ 32 rẽ vào phố Phú Mỹ và đi dọc theo bờ đê Hữu Hồng, đình Vân Sa, được dân làng lập nên để thờ vị tướng thời Trần là Trần Quốc Chân. Ông sinh năm 1281, mất năm 1328, còn có tên là Trần Quốc Điển là em vua Trần Anh Tông. Quốc Chân thửa nhỏ khôi ngô tuấn tú, thông minh lanh lợi, lớn lên thì văn võ song toàn được làm quan qua 2 đời vua là vua Trần Anh Tông (1294 – 1314) và Trần Minh Tông (1314 – 1329), Ngài đã có công phò vua giúp nước đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Đình Vân Sa thuộc thôn Vân Sa, Tản Hồng huyện Ba Vì, Hà Nội – mặt trước của Đình quay ra hướng Đông Bắc phía bờ sông Hồng – Chữ “Vân” có nghĩa là Mây, “Sa” có nghĩa là phù sa ngoài ra còn có âm theo nhà Phật là Sa Di, Sa môn hay tấm lụa mỏng – “Vân Sa” tạm dịch là mây trên dải phù sa; Vân Sa là ngôi làng cổ kính có nguồn gốc từ lâu đời xưa kia có nghề trồng dâu tằm, dệt lụa khá nổi tiếng nhất là vào thời kì nhà Lê, thôn làng này nằm 2 bên bờ con đê dài ven sông Hồng với những cánh đồng 4 mùa xanh mướt hoa màu cây trái và những ngôi nhà trầm mặc phủ bóng rêu phong.

Từ trên mặt đê xuống cổng Tam quan Đình là một hệ thống bậc đều tăm tắp được xây bằng gạch chỉ nung thủ công. Kiến trúc của Đình này mang dáng dấp ngôi đình truyền thống của người Việt Cổ. Trồng Diêm 8 mái, lợp ngói mũi di, 5 gian 2 chái, Đại đình kết nối với Hậu cung theo hình chuôi vồ, Hậu cung có 3 gian – 4 mái, xung quanh có các vách ngăn che chắn bằng con Tiện thấp; xưa kia đình còn có sập sàn và nhà tả mạc, hữu mạc nhưng sau này được tháo dỡ ra, về cơ bản kết cấu, cấu kiện vật liệu của Đình vẫn còn bảo tồn gìn giữ được các giá trị cổ như: Hệ thống cột kèo, câu đầu, xà nóc, chân kệ bằng đá xanh, cũng như các khám thờ; nhang án, các bức chạm điêu khắc kỳ công, kỹ sảo và rất sáng tạo được khai thác từ các đề tài gần gũi với cuộc sống và sản xuất canh tác nông nghiệp như: Tứ Linh, Tứ Quý, Cá chép, ngoài ra còn có 1 số hiện vật cổ, đồ vật cổ, đồ thờ quý được lưu giữ trong đình như: Khánh đồng được đúc thời vua Gia Long (1815) Bia bằng gỗ có dạng hình chữ nhật, bình Hương…

Lễ hội chính của đình diễn ra vào ngày mùng 5/1 âm lịch, Từ ngày mùng 4 Đội kéo quân của làng do ông lý trưởng (người do dân làng cử ra để đóng thế) cưỡi 1 con ngựa dẫn đội quân gồm 12 – 14 lính mặc giả quần áo lính. Đi trước đội là 1 người vác cờ, 1 người cầm trống, cuối đội là 1 người vác loa, đội này đi dọc ngõ  – làng đánh trống, rao loa thông báo việc tổ chức Lễ hội, thúc giục các chi, giáp có trách nhiệm tham gia. Sang sáng ngày mùng 5 tết, 8 giáp trong thôn tự nguyện liên kết thành các đám rước (2 hay 3 giáp hình thành 1 đám) các giáp tổ chức trưng bày trên kiệu gỗ các loại lễ vật như: Hương, hoa, oản, xôi, gà, trầu cau… bày ra ở gian giữa sân đình, sau đấy làng tổ chức 1 đám rước kiệu bát cống (8 người khiêng) vào nhà 1 cụ đồ giỏi chữ nhất làng để xin bản văn tố rước ra đình để tế các vị thần gọi là rước văn. Phần hội diễn ra vào buổi chiều gồm các hoạt động như: Hội rước kén, rước bông, múa linh và trò tứ dân lạc nghiệp. Trò này rất hấp dẫn người diễn đóng giả tứ dân (Sĩ – Nông – Công – Thương), diễn ra từ 16h – 18h, giây phút linh thiêng nhất là cả đám hội chờ đợi mở cửa miếu nhà Bà, để trai đinh của làng rước ảnh Đức Thánh Bà ra sân đình (Đức Thánh Bà còn gọi là Liệt Nữ Ngũ Nương, nhân vật được tôn thờ trong đình) – Đám rước kén diễn ra. Những người đi dự hội sẽ ra quan sát khi thấy các sợi kén từ trên giàn của cây sào rơi xuống Đất thì nhanh tay ra nhặt (người ta còn gọi là cướp) ai cướp được nhiều kén thì tâm niệm năm đó sẽ làm ăn gặp vô vàn may mắn, đám rước kén thứ nhất kết thúc là đám rước kén thứ 2 vào diễn trò tứ dân lạc nghiệp – cứ thế cho đến đám rước cuối cùng. Ngày nay, dân làng gọi trò trên là trò triểng với ý nghĩa là trình diễn các nghề của tứ dân. Trò triểng này độc đáo ở chỗ là có tục rước kén và cướp kén. Theo các cụ cao niên, trò này xuất hiện vào hồi đầu thế kỷ XX, còn trước đó dân làng Vân Sa gọi đó rước nõ hay cướp nõ, mọi người trong làng quan niệm đó là tục hèm của làng định kỳ phải mở nếu không công việc sản xuất dân làng trong năm đó không may mắn – Lễ hội đình Vân Sa khá đặc trưng nó gắn liền với tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp, tục rước bông, rước nõ, rước ảnh Bà Ngũ Nương thể hiện sinh động nguyên lý tôn vinh người phụ nữ Việt.

Ngoài ra, Đình còn có lễ tế vào ngày mùng 5/9 âm lịch, cứ 5 năm 1 lần vào các năm chẵn dân làng và chính quyền lại mở hội chính – song song với phần lễ tôn nghiêm, trong phần hội còn tổ chức nhiều trò chơi mang đậm bản sắc truyền thống của quê hương thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài địa phương tham dự; với những giá trị tiêu biểu về mặt kiến trúc, lịch sử, niên đại Đình Vân Sa đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1991, Đình cũng nằm gần Chùa 1 quần thể khá nguyên vẹn về không gian và có tường bao quanh… ở vị trí thuận lợi về giao thông nên đây là điểm tham quan thu hút khách xa gần mỗi lần về thăm quê hương Núi tổ, sông Đà. Nhân dân trong vùng rất có ý thức bảo vệ và gìn giữ khu di tích quý báu này, hy vọng trong thời gian tới di tích sẽ nhận được sự quan tâm, đầu tư từng bước tôn tạo lại các hạng mục đã xuống cấp để xứng đáng với ý nghĩa giá trị của di tích – góp phần vào công cuộc bảo tồn các di sản văn hóa của Ba Vì và giáo dục văn hiến lịch sử cho các thế hệ.

Hits: 1012

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *