VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một quần thể kiến trúc di tích lịch sử văn hóa hàng đầu của Thủ đô và cả nước, được xây dựng năm Canh Tuất, tháng Tám, niên hiệu Thần Võ thứ hai (9-1970) đời vua Lý Thánh Tông, trên hòn đảo lớn của Đại hồ phía Nam Hoàng thành, thuộc đất của hai phường Cổ Giám và Văn Chương. Nay nằm trên phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội.

Quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám có quy mô khá rộng, mặt bằng hình chữ nhật, chiều dài 306m, mặt trước rộng 61m, mặt sau 75m, nằm trong bức tường bao quanh toàn bằng những viên gạch vồ cỡ lớn – một loại vật liệu phổ biến của thời Hậu Lê. Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám bốn mặt bao đều là phố: phố Quốc Tử Giám chạy qua cổng chính bao phía Nam, phố Văn Miếu bao cạnh phía Đông, phố Tôn Đức Thắng bao cạnh phía Tây; đằng sau là phố Nguyễn Thái Học bao phía Bắc.

Nơi đây, lúc đầu chỉ là ngôi miếu thờ Khổng Tử, Chu Công và bốn môn đồ của Khổng tử là Nhan Uyên, Tăng Sâm, Mạnh Tử và Tử Tư. Vua Lý Thánh Tông còn cho đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và tứ phối, vẽ hình “thất thập nhị hiền” (72 người hiền) của đạo Nho để thờ cúng, bốn mùa tế lễ.

Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho xây nhà Quốc Tử Giám – trường học cao cấp đầu tiên của nước ta, nằm sau Văn Miếu. Khi mới xây dựng, trường chỉ dành riêng cho các hoàng tử con vua, hoàng thân, con các đại thần, quý tộc (nên gọi tên là Quốc Tử). Mười năm sau (1806) mở khoa thi thứ hai chọn người đỗ cao vào Hàn Lâm viện. Mạc Hiển Tích đã vinh dự được bổ nhiệm làm Hàn Lâm học sĩ đầu tiên.

Đến đời Lý Anh Tông (1138-1175), Tô Hiến Thành làm phụ chính, năm 1156, cải cách mở rộng việc học, Văn Miếu chỉ còn thờ một mình Khổng Tử. Sang triều Trần, khoa nho học đầu tiên mở năm 1232, đại khoa gọi là thi Thái học sinh, người đỗ lấy làm tam giáp, sau đặt tam khôi: trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa. Quốc Tử Giám được mở rộng, tuyển cả con thường dân học giỏi (nên gọi là nhà Quốc Học).

Sử gia Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn khoa Đinh Mùi (1247), Mạc Đĩnh Chi đỗ trạng nguyên khoa Giáp Dần (1304) dưới triều Trần. Đời Trần Nghệ Tông (1370-1372) nhà nho Chu Văn An từng làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám dưới triều Trần Minh Tông (1314-1329) là người Nam đầu tiên được đưa vào thờ ở Văn Miếu cùng với Khổng Tử.

Vào đời Lê Thánh Tông (1460-1497), việc giáo dục, thi cử được coi là thịnh đạt nhất. Nhà vua lại có sáng kiến khắc bia lưu danh các tiến sĩ đặt ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đợt dựng bia đầu tiên vào năm 1484 niên hiệu Hồng Đức thứ 15. Đợt này tạc 10 bia ghi tên tiến sĩ các  khoa trước mở đầu bằng khoa Nhâm Tuất – Đại Bảo thứ 3 (1442) thời Lê. Năm 1785, Quốc Tử Giám được đổi thành nhà Thái Học. Nhân dân quen gọi là Trường Giám và Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã thành tên chung của di chỉ văn hóa – giáo dục lớn nhất nước ta thời phong kiến này.

Quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm trên diện tích rộng 54331m² bao gồm: Hồ Văn, vườn Giám và Nội tự. Khu nội tự Văn Miếu – Quốc Tử Giám tôn nghiêm, được ngăn cách với vườn Giám và bên ngoài bằng tường gạch vồ, được chia làm 5 lớp không gian khác nhau, mỗi lớp được giới hạn bởi các tường gạch, có các cửa thông nhau: một cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên với các kiến trúc chủ thể là: cổng Văn Miếu môn, cổng Đại Trung môn, Khuê Văn Các, cổng Đại Thành môn, khu điện thờ, cổng Thái Học và kết thúc là khu Thái Học.

Hồ Văn

Trước mặt Văn Miếu ngày nay, ở bên kia đường nhựa có một hồ khá rộng gọi là hồ Văn Chương, tên cũ xưa gọi là Thái Hồ. Giữa hồ có gò Kim Châu, trên gò dựng Phán Thuỷ đường (là nơi diễn ra các buổi bình văn thơ của nho sĩ kinh thành xưa). Theo ý đồ kiến trúc, đây vốn là cái “tiểu minh đường” của Văn Miếu, là một bộ phận khăng khít của toàn bộ công trình kiến trúc chung.

Hồ Văn nước trong như một tấm gương soi, quanh bờ cây cối râm mát, một gò đất nổi giữa hồ trên có một kiến trúc nhỏ đẹp lẩn dưới cành lá sum suê tạo cho du khách một cảm giác mát mẻ dịu dàng ngay từ khi mới đặt chân vào khu kiến trúc này.

Văn Miếu môn

Phía trước Văn Miếu môn là tứ trụ (nghi môn) và hai tấm bia Hạ mã hai bên đó là mốc ranh giới chiều ngang phía trước mặt cổng. Xưa kia dù công hầu hay khanh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe hễ đi qua Văn Miếu đều phải xuống đi bộ ít nhất từ tấm bia Hạ mã bên này sang tới tấm bia Hạ mã bên kia mới lại được lên xe, lên ngựa.

Cổng chính tam quan có lầu, tầng trên gắn ba chữ “Văn Miếu môn”. Trước kia đề “Thái Học môn”, đến đời Thành Thái (1889-1907) nhà Nguyễn chuyển trường Giám vào Huế nên mới thay tên này.

Kiểu dáng kiến trúc Văn Miếu môn mang nhiều nét độc đáo, nhìn bên ngoài tam quan là 3 kiến trúc riêng biệt. Cửa chính giữa thực chất xây 2 tầng. Mặt bằng hình vuông. Tầng dưới to, tầng trên nhỏ chồng lên giữa tầng dưới, do đó xung quanh thừa ra một hàng hiên rộng, 4 mặt có lan can. Phía bên ngoài tầng dưới chỉ mở có một cửa cuốn, 2 cánh bằng gỗ và mi cửa hình bán nguyệt cũng bằng gỗ chạm hình đôi rồng chầu mặt nguyệt. Phía bên trong lại mở 3 cửa cuốn không có cánh. Tầng trên làm 8 mái, 4 mái hiên và 4 mái nóc. Mái tầng trên làm cong lên ở 4 góc. Bờ nóc cũng có đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt.

Trước và sau cổng đều có hai thành bậc cửa bằng đá xanh tạc hình mây xoắn, hoa lá cách điệu, tạo dáng như con sấu đứng chầu, điêu khắc thời Lê Sơ. Lối đi ở giữa lát gạch Bát Tràng dẫn đến cổng thứ hai.

Đại Trung môn 

Bắt đầu với cổng chính Văn Miếu môn vào không gian thứ nhất gọi là khu Nhập đạo, theo đường lát gạch thẳng tới cổng thứ hai là Đại Trung môn. Ngang hàng với Đại Trung môn bên trái có Thành Đức môn, bên phải có Đạt Tài môn.

Xung quanh khu vực này trồng nhiều cây to tỏa bóng mát gần kín khắp mặt bằng. Hai chiếc hồ chữ nhật nhỏ nằm dài sát theo chiều dọc của tường vây dọc bên ngoài. Cây xanh, bóng mát, nước trong, cảnh trí tạo cảm giác tĩnh mịch, thanh nhã của nơi “văn vật sở đô”.

Kiến trúc Đại Trung môn được làm theo kiểu 3 gian, xây trên nền gạch cao, có mái lợp ngói mũi hài, có hai hàng cột hiên trước và sau, ở giữa là hàng cột chống nóc. Gian giữa cổng treo một tấm biển nhỏ đề 3 chữ “Đại Trung môn”. Từ hai cửa Đạt Tài môn và Thành Đức môn ở hai bên cửa Đại Trung môn, hai con đường lát gạch khác nhỏ hơn chạy thẳng song song với con đường trục giữa vươn thẳng tới cổng thứ 3.

Khuê Văn Các

Khuê Văn Các xây dựng vào năm 1805, đời Gia Long triều Nguyễn là công trình kiến trúc tuy không đồ sộ song tỷ lệ hài hòa và đẹp mắt. Gác “vẻ đẹp sao Khuê” là một lầu vuông hai tầng, chồng diêm tám mái, bao gồm bốn mái thượng và bốn mái hạ, cao gần chín thước.

Kiểu dáng kiến trúc khá độc đáo gồm 4 trụ gạch vuông (85cm x 85cm) bên dưới đỡ tầng gác gỗ phía trên. Bao quanh bốn mặt tầng gác gỗ là hàng lan can con tiện, trang trí theo đề tài bát bảo, mỗi mặt có một cửa tròn gắn trong khung vuông có những đường nối đặc trưng cho ánh sao Khuê đang tỏa sáng. Mé trên sát mái phía cửa ngoài vào treo một biển sơn son thếp vàng 3 chữ “Khuê Văn Các”. Mỗi mặt tường gỗ đều chạm một câu đối chữ Hán thiếp vàng. Cả bốn đôi câu đối này đều rất có ý nghĩa.

Khuê tinh thiên lãng nhân văn xiển – Bích thuỷ xuân thâm đạo mạch trường.

Hy triều phấn sức long văn trị – Kiệt các trân tàng tập đại quan

Thành lâm Bắc đẩu hồi nguyên khí – Nguyệt tế thu đàm chiếu cổ tâm.

Thánh hiền nhất thống đồ thư phủ – Văn hiến thiên thu lễ nghĩa bang.

Tạm dịch nghĩa như sau:

Sao Khuê trời sáng, văn minh rộng – Sông Bích xuân sâu, mạch đạo dài

Triều ta tô điểm nhiều văn trị – Gác đẹp văn hay đón khách xem

Bắc Đẩu soi thành nhiều khí tốt – Đầm thu bóng nguyệt sáng lòng xưa

Nước lễ nghĩa nghìn năm văn hiến – Phủ đồ thư một mối thánh hiền

Gác Khuê Văn vốn là nơi xưa kia dùng để họp bình những bài văn hay của các sĩ tử đã thi trung khoa thi hội. Gác nhỏ xinh, kiến trúc giản dị nhưng tao nhã, đặc biệt Khuê Văn Các ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được công nhận là biểu tượng của thành phố Hà Nội.

Qua Khuê Văn Các hoặc hai cửa phụ hai bên mang tên Súc Văn môn (văn hàm súc) và Bí Văn môn (văn sáng đẹp) mở ra khu thứ ba.

Giếng Thiên Quang, Bia Tiến sĩ

Bóng gác Khuê Văn soi bóng xuống mặt nước giếng Thiên Quang vuông vức ở giữa sân với hàng lan can ngang lưng bao quanh. Giếng Thiên Quang (Thiên Quang tỉnh) còn được gọi là Văn Trì (Ao Văn). Thiên Quang là ánh sáng bầu trời. Đặt tên này cho giếng, người xây dựng có ý muốn nói con người thu nhận được tinh thúy của vũ trụ, soi sáng tri thức, nâng cao phẩm chất, tô đẹp nền nhân văn.

Người xưa còn có quan niệm giếng hình vuông tượng trưng cho đất, cửa tròn gác Khuê Văn tượng trưng cho trời. Tinh hoa của cả trời đất đều được tập trung ở trung tâm văn hóa giáo dục uy nghiêm này.

Xung quanh mé ngoài lan can giếng được trồng rất nhiều loại hoa, có lẽ vì thế hai bên tả hữu lan can giếng được mở cửa xây bậc xuống để rửa và lấy nước tưới hoa, song không khí tôn nghiêm nơi đây đã khiến khách tham quan chẳng ai dám xuống giếng để rửa, như ai cũng lo làm ô uế mất đi tính thiêng liêng của nơi ngàn năm văn hiến.

Hai bên phải, trái của giếng Thiền Quang là hai dãy nhà bia đá lớn gọi là vườn bia, di sản có giá trị và ý nghĩa nhất của Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Bia đều được dựng trên lưng rùa đá. Tất cả có 82 bia, mỗi bên 41 bia dựng thành 2 hàng ngang, mặt bia đều quay về phía giếng.

Tấm bia sớm nhất được dựng vào năm 1484, khắc tên các vị Tiến sĩ đỗ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) tấm cuối cùng dựng vào năm 1780, khắc tên Tiến sĩ đỗ khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 40 (1779). Từ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 tới khoa cuối cùng là khoa Đinh Mùi niên hiệu Chiêu Thống năm thứ nhất (1787) tính cho đủ phải tới 124 khoa thi đình, nếu chỉ kể các khoa thi Tiến sĩ, không kể các khoa Đông Các và Chế khoa thì cũng phải 117 khoa, và theo đúng điển lệ triều Lê thì phải lập đủ 117 tấm bia đề tên Tiến sĩ. Thế nhưng trải qua bao cơn binh lửa của chiến tranh, số bia hiện có chỉ còn 82 tấm. Việc bảo tồn cho các tấm bia đá giá trị này khỏi mưa nắng bào mòn, làm hư hại chữ khắc trên bia, 8 nhà bảo vệ bia đã được xây dựng lại năm 1991.

Mỗi bia Tiến sĩ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo trán bia, diềm bia, chân bia đều có những hình ảnh điêu khắc tinh xảo, phản ánh sinh động cảnh sinh hoạt của người dân; hình ảnh quan văn, quan võ; các đề tài trang trí “lưỡng long chầu nguyệt”… Vật liệu dựng bia là đá xanh được tuyển chọn rất kỹ, việc tạo dáng và khắc bia cũng rất công phu, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và kỹ năng chế tác. Trong 82 tấm bia còn lại thì tấm nhỏ nhất cao gần 1,4m là những bia đầu tiên, bia lớn nhất là bia đời Cảnh Hưng cao đến 2,14m. Giữa hai dãy bia có hai nhà bia nhỏ ghi bài văn nói về những lần tu sửa.

Ngày 9/3/2010, UNESCO một tổ chức uy tín về: Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc đã công nhận 82 bia đá tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thế giới. Điều đó, một lần nữa khẳng định vị trí đặc biệt của di sản Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại.

Đại Thành môn, khu Điện thờ

Qua vườn hoa đến cửa Đại Thành môn cũng như cửa Đại Trung môn là một kiểu kiến trúc 3 gian lợp ngói với 2 cột hiên trước sau và 1 hàng cột giữa. Hàng cột giữa đỡ sà nóc, đồng thời cũng là hàng cột để lắp cửa. Ba gian đều được lắp cửa 2 cánh. Chính giữa, trên giáp nóc có treo một bức hoành khắc 3 chữ “Đại Thành Môn”. Hai bên cũng có hai cửa phụ nhỏ mang tên Ngọc Trân và Kim Thành, đi vào khu vực thứ tư một sân rộng trải ra, đỏ nâu mầu gạch vuông Bát Tràng. Hai bên là dãy Tả, Hữu vu, mỗi dãy 9 gian, nơi xưa đặt bài vị thờ 72 vị tiên hiền Trung Quốc và hai bậc đại nho nước Nam: Chu Văn An và Trương Hán Siêu. Hai dãy Tả, Hữu vu này đã bị phá hủy trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến (12/1946) mới được xây dựng lại vào năm 1953.

Cuối sân là nhà Đại bái trải dài suốt chiều ngang sân với 9 gian, song song với lớp thứ hai ở phía sau là hậu cung. Nhà Đại bái có hai trụ đá mang dòng chữ “Canh Thìn xuân quý phụng mệnh kính lập” vâng lệnh vua lập mùa xuân năm Canh Thìn (1760). Chính giữa nhà Đại bái treo bức hoành lớn “Vạn thế sư biểu” (người thày của muôn đời) chữ của vua Khang Hy (1662 – 1722) Trung Quốc viết tặng sứ thần ta đem về khắc vào hoành sơn son thiếp vàng. Bên tả có hai bức hoành: “tập Đại thành” và “ Đức tham thiên địa”, bên hữu cũng hai bức: “Đạo quán cổ kim” và “Phúc tư vãn”. Trong Đại bái còn có một chuông lớn “Bích ung đại chung” đúc năm Cảnh Hưng (1768) do Nguyễn Nghiễm đứng ra làm, chuông này trước treo ở Trường Giám. Cỗ hương án thờ và đôi hạc lớn đều có từ lâu đời.

Trong hậu cung có tượng Khổng Tử ngồi trên bệ đá, tượng tứ phối và cha mẹ của Khổng Tử. Các tượng đều bằng gỗ sơn son thiếp vàng. Ban thờ có cầu đèn Long trúc.

Quốc Tử Giám – nhà Thái Học

Khu thứ năm ở phía sau hậu cung là Trường Giám, tức nhà Thái Học. Sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn còn ghi khá cụ thể về quy mô công trình kiến trúc này ở thời Lê: “nhà Thái Học ba gian có tường ngang, lợp ngói  đồng…, nhà Minh Luân ba gian hai trái… Nhà giảng dạy ở phía Đông và phía Tây hai dãy đều 14 gian… phòng học của học sinh tam xá ở phía Đông và phía Tây đều ba dãy, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian dành cho hai người ở…” lại còn “kho để văn khắc sách 4 gian, nhà bếp hai gian…”

Năm 1947, Pháp bắn đại bác vào khu vực này làm sập đổ toàn bộ nhà Thái Học cũ, chỉ còn lại cái nền, hai trụ đá và bốn nghiên đá có khắc chữ “Thái Học đường nghiên” (nghiên mực của nhà Thái Học).

Ngày 13/7/1999, Thành phố khởi công xây dựng lại khu nhà Thái Học với diện tích 1,530m2. Sau 15 tháng thi công, nhà Thái Học đã khánh thành đợt đầu ngày 8/10/2000, đây là công trình kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội . Nơi đây, trở thành khu tưởng niệm các vị có công sáng lập Văn Miếu – Quốc Tử Giám và dựng bia tiến sĩ qua các triều đại, cũng như là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa, văn học – nghệ thuật, lịch sử, giáo dục – khuyến học, khoa học… của Thủ đô trong thời đại mới. Ngày 19/5/2003, bốn pho tượng đồng: Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông và Chu Văn An đã được yên vị tại nhà Thái Học.

Về mặt kiến trúc, Văn Miếu – Quốc Tử Giám được trùng tu, xây dựng thêm rất nhiều lần sau những cơn binh lửa chiến tranh tàn phá, bởi vậy kiến trúc thời Lý – Trần hầu như không còn gì, phần lớn đều mang dáng vóc và phong cách thời Lê Mạt. Các cổng và gác Khuê Văn Các là sản phẩm thời Nguyễn.

Từ những giá trị lịch sử, văn hóa – giáo dục to lớn đó mà ngày nay: Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn là một địa chỉ du lịch nổi tiếng của Thủ đô, hàng năm thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Đồng thời cũng là nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc và còn là nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày Rằm tháng Giêng. Đặc biệt, đây còn là nơi các sĩ tử ngày nay đến “cầu may” trước mỗi kỳ thi.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một khu di tích lịch sử mang ý nghĩa biểu trưng cho tiến trình phát triển văn hóa – giáo dục của Việt Nam, nên đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa ngày 28/4/1962. Trải qua gần 1000 năm lịch sử, nơi đây vẫn giữ được vẻ cổ kính với đặc điểm kiến trúc của nhiều triều đại Việt Nam xứng đáng được bảo tồn mãi mãi.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Văn-Miếu-Quốc-Tử-Giám.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: van mieu quoc tu giam.docx”]

Hits: 26321

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *