PHỐ NGUYỄN SIÊU

Phố Nguyễn Văn Siêu dài khoảng 180m; nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm hơn 700m về hướng bắc. Phía đông giáp ngã tư Đào Duy Từ và nối với cuối nhánh trên của phố Chợ Gạo; phía tây giáp ngã tư Hàng Giầy và nối với đầu phố Ngõ Gạch.

Xưa kia nơi đây là đất làng Cổ Lương, phố hình thành dần dần sau khi có tường thành ngăn với bãi sông. Thời Pháp thuộc, phố gọi là “Rue Án sát Siêu” để ghi nhớ một vị Phó bảng của Hà Nội bỏ chức quan về mở trường dạy học tại làng hồi giữa thế kỷ 19. Năm 1945 tên phố đổi theo hiệu của nhà nho là Phương Đình, cũng là tên của ngôi trường đó. Năm 1948 phố mang tên Nguyễn Siêu và từ 1954 đến nay được điều chỉnh lại cho đúng với họ tên đầy đủ của ông là Nguyễn Văn Siêu (1799 – 1872). Thế nhưng trên biển vẫn thấy đề như cũ.

Giống như ở Ngõ Gạch, dãy nhà số chẵn của phố Nguyễn Văn Siêu bên mặt đường phía bắc vốn nằm trên bờ sông Tô Lịch cũ. Điều khác là ở đây có nhiều căn nhà được xây liên tiếp kề nhau, dấu tích nay vẫn còn. Từ khi mở rộng phố này trên lòng sông Tô đã bị san lấp thì dãy nhà số chẵn mới được cải tạo thêm. Suốt dọc phố có tới khoảng ba mươi nhà hai tầng, các ngôi nhà thấp bé kiểu cũ không còn mấy.

Bên số lẻ nằm trên nền sông lấp cũng có nhiều nhà hai tầng, chỉ còn sáu, bảy nhà một tầng trên tổng số hai trăm nhà. Một quãng dài cho đến ngã tư giáp phố Đào Duy Từ gồm toàn những ngôi nhà phụ thuộc phía sau của Hội quán Quảng Đông bên phố Hàng Buồm, vỉa hè chỗ ấy thành ra bãi gửi xe. Mãi sau này người ta mới trổ vài ba cửa ra phố Nguyễn Văn Siêu.

Ngày nay đình Cổ Lương đã bị lấn chiếm hết, chỉ còn ngôi đền ở ngõ số 28 phố Nguyễn Văn Siêu. Trong đền có một quả chuông đồng ghi bài “Cổ Lương chung ký” (Bài ký trên chuông đồng Cổ Lương) được đúc vào nên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843). Bài ký này cho biết mục đích, ý nghĩa của việc đúc chuông để lại cho muôn đời sau, lại ghi tên những người đóng góp công đức để tu sửa đền và đúc chuông.

Đền có 4 tấm bia đá thời Nguyễn. Tấm bia “Cổ Lương hương đình ký” (Bia đình làng Cổ Lương) dựng năm Tự Đức thứ 3 (1879), do tiến sĩ Vũ Nhị, hiệu Đông Hầu, đốc học Hà Nội soạn, Nguyễn Mặc Khanh viết. Văn bia tạm dịch như sau: “Thôn Cổ Lương tiếp giáp mé sông Nhị Hà, dân cư là người làng Khúc Thủy, đền thờ hai vị chính thần là Phổ Tế và Nam Hải. Công lao sự nghiệp của Thần trong tự điển có ghi chép rõ ràng. Nhưng ngôi đền lúc mới xây dựng thì lợp cỏ gianh đơn sơ. Hơn trăm năm dân cư ca mừng tụ họp ở đây mà đền thần vẫn còn như cũ… Khi đó vị lý trưởng họ Đào tên Đằng mới tiếp nối ý cha để đứng ra hưng công xây lại đình và lợp ngói…”

Như vậy, đình làng Cổ Lương vốn là đền thờ hai vị nam thần và có từ trước năm 1897 hàng thế kỷ, đền lợp cỏ đã bị cũ nát. Về sau dân làng Cổ Lương thờ công chúa Liễu Hạnh làm thành hoàng làng, nên trong đình mới có điện thờ bà.

Ngôi đền khá khang trang, mặt nhìn ra ngõ về hướng nam. Nội thất gồm 3 gian tiền tế và một hậu cung kiểu đơn giản, bộ khung bằng gỗ lim còn khá tốt, bộ đồ thờ cúng đầy đủ. Những gì còn lưu lại đều mang phong cách kiến trúc nghệ thuật triều Nguyễn. Ngoài sân hẹp có một cây bàng to vươn cao trên cổng đền.

Ngày nay đền Cổ Lương đã trở thành một trong những địa điểm thường xuyên có tổ chức hầu đồng ở nội thành.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Nguyen-Van-Sieu.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho nguyen sieu.docx”]

Hits: 5347

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *