PHỐ LƯƠNG VĂN CAN

Phố Lương Văn Can trải dài 300m trên địa giới của 2 phường Hàng Đào và Hàng Gai, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là đường một chiều, chạy từ ngã tư Hàng Cân—Hàng Bồ, cắt ngang các phố Hàng Quạt, Hàng Gai, Hàng Hành, rồi kéo xuống đến giáp phố Lê Thái Tổ ở ven bờ tây-bắc Hồ Gươm.

Phố mang tên nhà chí sĩ và doanh nhân yêu nước Lương Văn Can từ năm 1945, trước đó thời thuộc Pháp gọi là phố Lê Quý Đôn. Đầu thế kỷ 20, gia đình cụ cử Can đã đóng góp nhà cửa, tiền bạc và cả tính mạng để mở trường Đông kinh Nghĩa thục, mưu đồ chống thực dân Pháp.

Đoạn đầu phố vốn thuộc đất thôn Yên Hoa, sau sáp nhập với thôn Xuân Yên. Di tích nay còn đền Xuân Yên toạ lạc tại số 6A phố Lương Văn Can (khác với đền Xuân Yên của thôn Xuân Hoa cũ ở số 44 phố Hàng Cân gần ngay đó). Đền thờ Nguyên Quận phu nhân, trước kia hàng năm quan viên trong phố vẫn hội họp tế lễ, mãi đến 1946 mới thôi.

Tại đây từng có nhiều nhà bán buôn quạt cho các tỉnh hoặc xuất sang Trung Quốc, di tích còn lại là ngôi đình Xuân Phiến Thị (chợ quạt mùa xuân) ở ngay đầu ngã ba phố Hàng Quạt – Lương Văn Can. Đoạn này, phía số lẻ vốn là mặt sau của nhiều ngôi nhà bên phố Hàng Đào ăn thông sang. Tiêu biểu có nhà số 10 Hàng Đào của cụ cử Can, năm 1907 từng là cơ sở chính của trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Dưới đình Xuân Yên mấy chục bước từng tọa lạc Kinh kỳ Hý viện, ra đời vào những năm 1910, có thể gọi là nhà hát tuồng đầu tiên của Hà Nội. Đối diện ngã ba phố Hàng Quạt – Lương Văn Can còn có rạp chiếu bóng Ciné Tonkinois, nay là Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, mang số 33 phố Lương Văn Can.

Điểm đặc biệt ở phố Lương Văn Can là những cửa hàng may áo dài. Nghề may đa phần có nguồn gốc từ làng Trạch Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Tổ nghề là bà Nguyễn Thị Sen đã học được nghề này ở trong cung và sau đem về truyền dạy cho nhân dân trong làng. Hiện nay, người dân Trạch Xá vẫn truyền tụng giai thoại về những nghệ nhân của làng, trong đó có ông Tạ Văn Khuất mới 30 tuổi đã may áo cho vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu, mặc dù chỉ được đứng từ xa để đo kích cỡ bằng mắt.

Đoạn giữa phố thuộc về đất thôn cũ Tố Tịch, di tích còn lại ở tên con phố ngắn chạy song song. Đoạn cuối Lương Văn Can từ ngã tư Hàng Gai xuống đến sát Bờ Hồ thuộc đất thôn Khánh Thuỵ, tại đó có ngã rẽ vào phố Hàng Hành, một nơi tập trung nhiều quán cà-phê giải khát và khách sạn nhỏ.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Luong-Van-Can.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho luong van can.docx”]

Hits: 1776

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *