PHỐ LƯƠNG NGỌC QUYẾN

Phố Lương Ngọc Quyến nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 400m về hướng bắc. Phố dài 334m, phía đông giáp các phố Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Hàng Muối, phía tây nối tiếp phố Hàng Giầy, đoạn giữa đi qua ngõ Phất Lộc và các phố Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện.

Vào những năm cuối thế kỷ 19 dưới thời Pháp thuộc, khu vực này còn gọi là Làng Chài (sau mang tên phố Chài) và vẫn có nhiều hồ, ao phủ đầy bèo tây cùng các khoảnh đất trũng chưa được san lấp. Dân ở đây có đến nửa phần làm nghề đánh bắt tôm cá trên hồ Ngư Võng và các ao đầm xung quanh.

Một số người Hoa nghèo cũng đến đây ngụ cư và sinh sống bằng nhiều nghề mọn; trong xóm toàn là nhà tranh lụp xụp, ngõ nhỏ quanh co. Khi chính quyền thực dân cho lấp hết hồ ao, vạch đường phố theo quy hoạch thì con phố mới mở có tên Galet, song dân ở đây vẫn gọi bằng tên cũ là phố Chài. Nối tiếp phố này người ta còn kéo dài thêm một đoạn ngắn ra đến bờ sông Hồng, nhờ đó đầu thế kỷ 20 mới có con phố Nguyễn Khuyến ăn thông với bến xe ở bãi Cột Đồng Hồ.

Từ 1945, hai con phố Nguyễn Khuyến và Galet được ghép lại làm một và chính thức mang tên Lương Ngọc Quyến, một chí sĩ của Việt Nam Quốc dân đảng đã hy sinh anh dũng trong cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917.

Phố Lương Ngọc Quyến ở phía đông có hai đoạn. Đoạn giáp bờ sông chỉ là phụ vì rất ngắn. Đoạn chính từ ngã tư Mã Mây đến ngã tư Tạ Hiện, mới có sau khi san bằng hồ Ngư Võng, nhà cửa được xây dựng hiện đại hơn và có diện tích tương đối rộng.

Ngày nay, đoạn cuối phố Lương Ngọc Quyến từ ngã tư Tạ Hiện đến Hàng Giày vừa là khu buôn bán và kinh doanh hoạt động du lịch, vừa tập trung nhiều hàng ăn uống của Hà Nội. Mấy năm nay, hàng ăn mọc ra nhan nhản khắp phố, nào các hàng cà phê, nào xôi trứng rán, xôi lạp sườn, xôi gà, xôi thịt kho tàu, nào bánh bao nóng, cùng phở, mỳ, cháo và rất nhiều món khác cho khách ăn tới khuya.

Ngã ba phố Lương Ngọc Quyến – Hàng Giầy – ngõ Nội Miếu, nơi thế kỷ trước vốn có một xưởng sản xuất xì dầu, ngày nay đã thành một xóm khách sạn với nhôm kính sáng choang. Du khách thích đến đây vì giá thuê phòng và ăn uống khá rẻ, ngoài ra lại dễ đi chơi loanh quanh trong khu phố cổ Hà Nội vào bất cứ giờ nào. Quá một chút, trong ngôi miếu nhỏ trên phố Hàng Giầy từng có quán bán bánh trôi Tàu, lục tào xá, chí ma phù của nghệ sỹ hài Phạm Bằng.

Phố Lương Ngọc Quyến ở trên đất cũ của thôn Ưu Nhất và thôn Ngư Võng, thuộc tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phía đông kinh thành Thăng Long. Hiện nay dấu vết các thôn này hầu như không còn gì ngoài đình và đền Hương Tượng ở nhà số 10. Nhưng cánh cổng phía đó thường đóng kín, lối vào chính thì lại mở ra phố Mã Mây và mang biển số 64.

Tấm bia “Hương Tượng giáp trùng tu” dựng năm 1825 cho biết đền Hương Tượng được lập vào thời Trần, thờ Kinh sư đại doãn Nguyễn Trung Ngạn. Gần nơi này ông còn được thờ trong đền Tiên Hạ ở ngõ Phất Lộc và đền Mỹ Lộc ở phố Nguyễn Hữu Huân…

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Luong-Ngoc-Quyen.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho luong ngoc quyen.docx”]

Hits: 1529

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *