PHỐ LÒ RÈN

Phố Lò Rèn dài khoảng 130m, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 700m về hướng tây-bắc. Phố đi từ ngã tư Hàng Cá – Thuốc Bắc, cắt ngang phố Hàng Đồng rồi kết thúc tại ngã ba Hàng Gà.

Phố Lò Rèn ở trên địa phận của thôn Tân Lập – Tân Khai cũ. Thôn này được hình thành vào năm 1822, thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương dưới thời Nguyễn. Riêng đoạn đầu phố giáp với phố Hàng Cá thì ở ngay cạnh Đông Thành Thị tức khu chợ lớn nhất ở phía đông hoàng thành và vốn đã có từ thời Lý theo như Lê Quý Đôn (1726 – 1784) miêu tả trong sách “Kiến văn tiểu lục”.

Xưa phố vắng, dân cư ban đầu bao gồm người gốc làng Canh tức thôn Hoè Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm cũ (nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm) và làng Hà Từ thuộc tỉnh Sơn Tây, sau có thêm một số đến từ các làng khác như Đa Sĩ (tỉnh Hà Đông) và Đa Hội (huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên). Dân Canh vốn quen việc đặt bễ, thổi lửa và quai búa rèn sắt. Họ gánh lò bễ đi rèn thuê khắp các chợ búa miền thành thị và thôn quê.

Sản phẩm của họ bao gồm những nông cụ như xẻng, cuốc, mai, thuổng, răng bừa, lưỡi cày, liềm, hái v.v..; những đồ gia dụng như dao, kéo và công cụ của thợ cạo, thợ mộc, thợ may cùng những vũ khí thô sơ như đoản đao, giáo, mác, mã tấu, đinh ba… Tên phố Lò Rèn ban đầu là Hàng Bừa, sau khi thực dân Pháp sang thì đổi thành Rue des Forgerons (“Phố Thợ Rèn”). Sản phẩm hồi đó chủ yếu được bày ngay trước cửa hàng để cho nông dân tới mua, ngoài ra còn bày bán cả ở bên phố Hàng Cuốc (nay là phố Cổng Đục, ở gần cuối phố Hàng Vải).

Bước sang thế kỷ 20 khu vực chợ Đông Thành và xung quanh dần trở thành phố xá vuông vắn do người Pháp quy hoạch và cho thực hiện cùng với đại dự án xây dựng cầu xe lửa Long Biên có đường dẫn chạy dọc các phố Phùng Hưng và Gậm Cầu bây giờ. Hiệu Thế Long của Nguyễn Thế Tảo là người đầu tiên nhận hàng của sở Hoả xa đặt, rèn đinh bù lông và đồ sắt nhỏ khác để làm đường sắt xây nhà ga. Cũng do tham gia làm phần sắt cho cây cầu vĩ đại nhất Đông Nam Á ngày ấy và mở mang đô thị mà phường nghề rèn thủ công đã phát triển mạnh mẽ ở đây. Họ biết sử dụng các công cụ hiện đại hơn và còn sản xuất thêm cả một số chi tiết máy móc công nghiệp.

Nhiều thế hệ đã từng đến sống và hành nghề ở phố Lò Rèn. Tuy vậy đa số thợ thuyền không giàu, chỉ để lại những ngôi nhà nhỏ hẹp kiểu cổ. Những ngôi nhà to cao là của cánh buôn sắt phất lên từ thời kỳ 1939 – 1940 (đầu Đại chiến thế giới thứ hai) và phần lớn được xây dựng vào thời kỳ tạm chiếm 1947 – 1954. Những nhà buôn sắt lớn ở phố Lò Rèn có: Nguyễn Long (Hoa kiều), Đại Hoà Thịnh, Hưng Long, Vạn Thắng, Đặng Văn Cần (số 14). Cho đến nay, những dấu vết cũ vẫn có thể nhận biết ngay từ ngoài mặt tiền của nhiều cửa hàng còn mang rõ tính cách gia đình.

Tương truyền vào thời Hùng Vương, ở một làng đồng bằng sông Hồng có ông Lỗ Cao Sơn, thông minh tuấn tú, giỏi võ nghệ lại ham thích các việc thủ công. Biết người Thục giỏi nghề rèn, ông tìm đường sang học được các bí quyết của họ. Sau ông về nước mở nghề này và còn cải tiến thêm rồi đem dạy cho mọi người, khiến cho ta không hề kém họ. Nước Nam có nghề rèn từ đó, cho nên sau khi Cao Sơn qua đời những người thợ rèn đều tôn ngài làm Tổ sư.

Dân phố Lò Rèn cũng lập một ngôi đình nhỏ để thờ Tổ sư. Phố vốn ngắn và chật, thợ thuyền phải đi cư trú ở các phố Sinh Từ (Nguyễn Khuyến bây giờ), Cửa Nam, Khâm Thiên, Sơn Tây, Ô Đông Mác… nhưng hàng năm vẫn về đây để hội họp, tế lễ. Khi thăm di tích đình này (nay ở tầng 2 nhà số 1, gian thờ chỉ còn khoảng 20m2), nhiều du khách rất bất ngờ bởi diện tích quá khiêm tốn so với những đình, đền khác ở Hà Nội.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Lo-Ren.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho lo ren.docx”]

Hits: 796

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *