Phố Lê Thái Tổ dài 690m, thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phía bắc nối phố Hàng Đào ở ngã tư Hàng Gai – Cầu Gỗ rồi đi dọc bờ tây Hồ Gươm qua đầu các phố Đinh Tiên Hoàng, Lương Văn Can, Bảo Khánh, Hàng Trống; đoạn cuối nối phố Bà Triệu ở ngã tư Tràng Thi – Hàng Khay.
Chắc chắn phố Lê Thái Tổ là một trong những con đường đẹp nhất thủ đô Hà Nội với các đoạn dốc thoai thoải và hè phố rộng rãi lượn cong cong men theo bờ tây Hồ Gươm. Nơi đây còn phảng phất những chứng tích thiêng liêng và bí ẩn lịch sử đằng sau hàng cổ thụ nghiêng mình hứng gió mát thổi qua mặt nước. Du khách bất cứ lúc nào cũng có thể dừng chân ngắm nhìn những thắng cảnh nổi tiếng như đền Ngọc Sơn và Tháp Rùa nổi trên gương mặt hồ trong xanh màu lá phản chiếu làn da trời.
Bên trái phố là con đường lát gạch dành cho người đi bộ ven Hồ Gươm và xung quanh có những ghế đá, thảm cỏ, luống hoa được giữ gìn sạch sẽ. Vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều có rất nhiều người dân đến đây để hóng gió mát hoặc tập thể dục, múa dưỡng sinh dưới những tán cây cổ thụ tươi tốt bốn mùa. Tối đến, những sinh hoạt văn hóa, ẩm thực và giải trí diễn ra sôi động không kém, dọc theo con phố lung linh ánh đèn đủ màu sắc.
Người dân Việt khắp mọi miền và những khách nước ngoài cũng thường đến đây viếng ngôi đền Lê Lợi nho nhỏ dấu mình trong một khu vườn yên tĩnh trước đình Nam Hương và nối thông sang phố cổ Hàng Trống. Không phải ngẫu nhiên mà danh hiệu vị vua dẫn dắt dân tộc ra khỏi đêm tối Bắc thuộc lần thứ hai và khai sáng một triều đại phong kiến Việt Nam hưng thịnh đã được chọn đặt tên cho phố. Ngước nhìn chăm chú lên đỉnh tượng đài, ta sẽ thấy người anh hùng trầm tư chỉ kiếm xuống nước trước khi trả lại thần Kim Quy. Nay thần đi đâu không rõ, chỉ còn một “cụ Rùa” ốm yếu lâu lâu lại lặng lẽ nổi lên mấy phút như muốn thoát khỏi cảnh tù hãm và làm nổi sóng xôn xao dân tình suốt mấy ngày…
Phố Lê Thái Tổ là đường giao thông một chiều, tuy dài nhưng khá thuận tiện cho du khách với hè phố rộng rãi và nhiều chuyến xe bus chạy qua hoặc có điểm dừng ở gần đấy. Ngoài quảng trường Đông kinh Nghĩa thục cách không xa ngôi nhà cũ của gia đình cụ cử Lương Văn Can, trên đoạn đầu phố hiện có trụ sở của báo Nhân Dân, các ngân hàng và công ty lớn, cùng những nơi giải trí và nhà hàng nổi tiếng từ lâu…
Sang thiên niên kỷ mới, việc người ta đập bỏ khách sạn Phú Gia để xây một tòa nhà quá khổ và treo biển hiệu Playboy bên cạnh đã thực sự làm chướng mắt những kiến trúc sư giỏi và nhiều người dân vốn tự hào về truyền thống Thủ đô ngàn năm văn vật. Cũng may rằng tại đoạn giữa và cuối phố vẫn sót lại những tòa nhà kiểu cũ nhưng rất đẹp, được xây từ đầu thế kỷ trước. Có thể kể vài cái tên như: nhà hàng Thủy Tạ, Trung tâm Văn hóa Việt, trụ sở báo Hà Nội Mới, quán Bốn Mùa…
Theo hướng bắc-nam, phố Lê Thái Tổ đi qua phần đất của các thôn Khánh Thụy Tả, Khánh Thụy Hữu, Tự Tháp, Phúc Phố, Thị Vật, Tô Mộc, tất cả đều thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Truyền thuyết thần Kim Quy trao lưỡi gươm không chuôi cho chàng kéo lưới Lê Lợi không hẳn là vô lý. Nhiều thế hệ cư dân nơi đây đã từng sống bằng nghề đánh cá trên hồ Tả Vọng, tên khác là Lục Thủy (hồ nước xanh), vốn rộng mênh mang, dần dần bị thu hẹp thành như bây giờ.
Lê Lợi sau trở thành vị vua khai sáng nhà Hậu Lê, tức Lê Thái Tổ. Ngài sinh năm 1385 trong một gia đình lãnh chúa tại động Lam Sơn (nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Đầu thế kỷ 15 giặc Minh xâm lược, diệt nhà Hồ và chiếm đóng nước ta, Lê Lợi với 21 hiền tài giúp sức đã dựng cờ khởi nghĩa, chiêu mộ hào kiệt, kêu gọi nhân dân cùng đứng lên giải phóng đất nước. Ròng rã 10 năm kháng chiến với phương châm tâm công, tới năm 1428 nghĩa quân đã giành thắng lợi hoàn toàn. Lê Lợi lên ngôi, chấn chỉnh nội trị, mở mang ngoại giao, đặt nền móng độc lập lâu dài.
Thời Lê Trung hưng, phủ chúa Trịnh đóng ở mé tây-nam hồ Lục Thủy, chúa thường đứng trên gò Rùa xem thủy quân thao diễn. Đến cuối thế kỷ 18, Đoàn Nguyễn Tuấn, một vị quan triều Tây Sơn và anh vợ Nguyễn Du, sau đại thắng Đống Đa đã để lại tác phẩm “Kiếm hồ xạ đẩu” (Hồ Gươm ánh sao Đẩu), Đông Tỉnh trích dịch 4 câu như sau:
Hoa nở sắc xuân dồn vui chiến thắng
Sương rơi tiếng thu khóc giặc tù binh
Trải dâu bể hồ vẫn nguyên như cũ
Oai trời còn mây nước vẽ thành tranh
Sang thời Nguyễn, Long thành bị thu nhỏ. Thôn Khánh Thụy Tả hợp với thôn Báo Thiên Tự Tháp thành thôn Báo Khánh, sau gọi chệch ra Bảo Khánh. Còn thôn Phúc Phố thì hợp với thôn Tô Mộc thành thôn Phúc Tô, nay không còn dấu vết. Bạn thân Nguyễn Du là Phạm Quý Thích sống ở phường Báo Thiên đã có hai câu tả thực trong bài thứ 4 của chùm thơ “Kiếm hồ”:
Khói sớm nhạt, bóng chiều lành lạnh
Chim âu đến thế khéo đua bơi
Thời Pháp thuộc, đoạn đầu phố Lê Thái Tổ từ quảng trường Đông Kinh nghĩa thục đến ngã ba Hàng Trống mang tên “Rue Beauchamp”, dân ta quen gọi là phố Bờ Hồ. Đoạn dưới từ ngã ba Hàng Trống kéo đến phố Tràng Thi thì trước kia thuộc về phố Hàng Trống với cái tên Pháp “Rue Jules Ferry”. Cho nên đồn cảnh sát ở cuối phố được dân ta gọi là bốt Hàng Trống (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm). Đến thời tạm chiếm (1947-1954) thị trưởng Hà Nội mới ghép đoạn này vào phố Bờ Hồ và đổi tên là phố Lê Thái Tổ. Sau 1954 tên gọi này vẫn giữ nguyên.
[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Le-Thai-To.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho le thai to.docx”]
Hits: 1838