PHỐ HÀNG NÓN

Phố Hàng Nón theo chiều đông-tây đi từ chỗ ngã ba Hàng Quạt – Hàng Hòm qua các ngã phố Hàng Mành, Hàng Thiếc, Hàng Điếu rồi kết thúc ở phố Đường Thành. Hiện nay phố trải dài 216m từ phường Hàng Gai sang phường Cửa Đông, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 400m về hướng tây-bắc.

Ngày xưa, phố Hàng Nón cũ chỉ gồm một đoạn ngắn của Hàng Nón bây giờ, nằm ở khoảng giữa 2 phố Hàng Điếu và Hàng Thiếc. Đoạn phía tây giáp phố Đường Thành chỉ mới được xây từ năm 1920; đoạn đầu từ ngã ba Hàng Hòm đến ngã ba Hàng Thiếc thì trước kia gọi là phố Mã Vĩ, giáp phố Hàng Đàn (tức Hàng Quạt bây giờ).

Đoạn phố cũ mang tên Hàng Nón vì thời xưa ở đấy vốn có nhiều cửa hàng bán các loại nón khác nhau, kể cả nón “tu lờ” dành cho sư sãi nhà chùa. Người Pháp sang, đặt tên phố “Rue des Chapeaux”, dịch nghĩa đen là “Phố Hàng Mũ” (họ không có từ “nón”).

Nón lá đã được chạm khắc trên trống đồng Ngọc Lũ và trên thạp đồng Đào Thịnh từ 2500-3000 năm về trước. Cho mãi đến đầu thế kỷ 20, người Việt Nam, kể cả người Hà Nội, đàn ông cũng như đàn bà đều dùng nón đội đầu. Đàn ông có nón dứa, nón lông có chóp bằng bạc hoặc đồng. Đàn bà có nhiều loại nón hơn, sang thì dùng nón thúng quai thao, người lao động thì đội nón ba tầm hoặc nón chảo làm bằng lá gồi mềm.

Nón quai thao là một loại nón của phụ nữ ở Bắc Bộ Việt Nam ngày trước. Nón làm bằng lá cọ hoặc lá gồi, có hình dạng giống như tai nấm, có quai thao, đỉnh bằng, đường kính 70-80 cm, vành rộng 10-12cm. Quai thao làm bằng 1-8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liền..

Từ cuối thập niên 1910, trừ những người Hà Nội có tuổi, đàn ông không ai đội nón nữa, họ đội khăn bịt, che ô; đàn bà sang trọng dùng dù vải. Ngoài đường chỉ thấy những người lao động nặng nhọc lam lũ còn đội nón lá. Cửa hàng bán nón ở trong phố thưa dần, về sau sót lại vài ba nhà giữ nghề cũ, nón chỉ còn thấy bán ở trong các chợ.

Những chủ hiệu nón ở phố Hàng Nón dần dần chuyển sang bán cả mặt hàng khác. Có mấy cửa hàng hồi đó kinh doanh các loại guốc sơn dùng cho phụ nữ như Mỹ Sinh và Mỹ Thịnh; chủ hiệu là người làng Hà Vỹ, một làng có nghề sơn ta cổ truyền. Họ từ phố Hàng Hòm dọn đến đây, mua guốc gỗ đẽo sẵn rồi sơn mầu để bán.

Đã tưởng bị thất truyền thì đến cuối thế kỷ 20 nghề nón lại phục hồi, chủ yếu bán cho du khách trong các khách sạn. Trên phố Hàng Nón và nhiều phố khác gần đây cũng thấy xuất hiện tấm biển hiệu to tướng màu hồng đề chữ “Nón Sơn” nhưng bên trong lại bày toàn mũ mãng; như vậy có lẽ chủ nhân là người miền Nam.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Non.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho hang non.docx”]

Hits: 765

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *