PHỐ HÀNG MÀNH

Phố Hàng Mành dài 150m, nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 250m về hướng tây. Phía bắc giáp phố Hàng Nón, phía nam giáp ngã tư phố Hàng Bông – Lý Quốc Sư, đoạn giữa đi qua đầu phố Yên Thái.

Phố Hàng Mành ra đời vào khoảng giữa thế kỷ 19, do một số người dân làng Giới Tế, thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, di cư đến lập nghiệp. Làng này vốn có nghề làm mành mành, do vậy mà hình thành tên con phố.

Mành mành có nhiều loại khác nhau tùy theo kích cỡ và khoảng cách giữa các nan. Vật liệu chủ yếu là các cây tre, nứa dài thẳng được lựa chọn cẩn thận trước khi xử lý sơ bộ rồi chẻ thành những chiếc nan và đem phơi nắng. Dây đay, dây gai và lạt giang được dùng để buộc. Người thợ đan lát khéo tay thường tạo thêm các hoa văn mỹ thuật. Đan xong có thể đem mành mành đi xông khói hoặc sơn màu để chống mối mọt và làm tăng độ bền đẹp.

Thời Lê – Nguyễn nơi đây là đất của thôn Yên Thái và thôn Kim Bát thượng, thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Sau thôn Kim Bát hợp với thôn Cổ Vũ thành thôn Kim Cổ, tổng Tiền Túc cũng đổi tên là Thuận Mỹ. Di tích còn lại là ngôi chùa Kim Cổ, hiện nay mở cửa ra bên dãy nhà số lẻ ở cuối phố Đường Thành.

Đoạn cuối phố Hàng Mành giao cắt phố Hàng Bông và nối với đầu phố Lý Quốc Sư, đoạn giữa giáp đầu phố Yên Thái. Di tích còn lại là ngôi đình thôn Yên Thái, hiện nay nằm cuối con ngõ Tạm Thương. Giống như ở chùa Kim Cổ, trong ngôi đình này cũng có điện thờ Nguyên phi Ỷ Lan.

Tên phố Hàng Mành dưới thời Pháp thuộc là Rue des Stores. Đến đầu thế kỷ 20, ngoài những hộ chuyên sản xuất và buôn bán mành mành, trong phố còn mở thêm các hàng quà bánh, buôn bán vặt vãnh. Nhưng nơi đây cũng từng mang tiếng bởi mấy nhà chứa có nộp thuế môn bài, cùng cánh với xóm mại dâm trong ngõ Yên Thái.

Những năm sau 1920, nhiều người giàu đã đến khu vực này tậu đất, phá nhà cũ nát, xây lầu gác hoặc dãy nhà nhiều gian để cho thuê. Hai dãy nhà trên phố Hàng Mành áp lưng vào tường của nhiều ngôi nhà thuộc phố Hàng Nón, Hàng Hòm và Hàng Bông. Thí dụ nhà in Lê Văn Phúc ở số 16 Hàng Bông có cổng sau ở phố Hàng Mành; số 27 Hàng Mành là cổng sau của nhà số 36 Hàng Hòm, v.v..

Đến cuối thế kỷ 20, trên phố chỉ còn một số ít hộ sản xuất các kiểu mành mành mỹ thuật dùng để trải bàn, làm bình phong, vẽ tranh, làm rèm che, làm đèn lồng, v.v.. Các mẫu mã sản phẩm bây giờ đã đa dạng và phong phú hơn xưa kia, sử dụng nhiều chủng loại nguyên liệu như tre, trúc, gỗ, vỏ cây, cây cỏ có thân cứng, lá cây, v.v… Ngoài việc chuyển sang kinh doanh những mặt hàng mới, phố Hàng Mành giờ đây cũng mở nhà hàng, khách sạn và dịch vụ du lịch theo trào lưu chung của khu phố cổ.

Ngôi nhà cổ chật hẹp ở số 1 Hàng Mành (nay là một quán bún chả nổi tiếng nhìn sang phố Hàng Nón) từng là cơ sở bí mật của chiến sĩ cách mạng Hoàng Văn Thụ vào khoảng cuối năm 1938. Lúc đó ở đây có hiệu cắt tóc do ông Nguyễn Bá Song mở ra làm nơi liên lạc. Ông Thụ có bí danh là Tôn, đóng vai người kéo quạt thuê cho ông Song.

 [embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Manh.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho hang manh.docx”]

Hits: 483

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *