PHỐ HÀNG MẮM

Phố Hàng Mắm ở trên địa phận hai phường Lý Thái Tổ và Hàng Bạc, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố dài 188m, từ phố Trần Quang Khải chạy về phía tây qua hai ngã tư Hàng Muối – Hàng Tre và Hàng Mắm – Nguyễn Hữu Huân rồi kết thúc ở ngã ba Hàng Bạc – Hàng Bè, sát ngõ Phất Lộc.

Nơi đây trước khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội đã có hai con phố ngắn nối liền nhau, phân cách bởi cửa ô Mỹ Lộc và bức tường thành bằng đất (có lẽ nằm trên lòng đường phố Nguyễn Hữu Huân bây giờ). Bên trong cửa ô là phố Hàng Mắm (cũ) thuộc thôn Ưu Nghĩa, tổng Hữu Túc; bên ngoài là phố Hàng Trứng thuộc thôn Thanh Yên, tổng Tả Túc, sau đổi là tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương cũ.

Đoạn phố ngoài cửa ô xưa kia gọi là Vạn Nước Mắm, sau mới gọi là phố Hàng Trứng vì ở chỗ này có nhiều cửa hàng buôn bán trứng hơn là buôn bán mắm. Trứng vịt do thuyền chở từ vùng Ninh Bình, Phát Diệm lên, đóng từng sọt lớn lót rơm. Danh sĩ Hà thành Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) có viết trong sách “Vũ Trung Tuỳ Bút”: “Vạn Hàng Mắm” tức là bến sông, người làng sống dưới thuyền buôn mắm.

Cuối thế kỷ 19 thực dân Pháp phá bỏ cửa ô Mỹ Lộc và bức tường thành cũ, sáp nhập hai phố làm một và nối thông với “Quai Guillemoto” mà dân ta hồi đó vẫn gọi là đường Bờ Sông do được xây dọc đê sông Hồng (phố Trần Quang Khải bây giờ).

Người Pháp đặt tên phố là Rue de la Saumure, nghĩa là “Phố hàng ướp mặn”, có lẽ do không muốn nêu rõ hương vị quá đặc biệt của những thứ bày bán ở đây. Ngay từ năm 1884, bác sĩ Hocquard đã mô tả: “…Trong cửa hàng bán mắm, vịt ướp, cá khô treo trên trần nhà. Mùi nước mắm, mắm tôm nồng nặc”. Năm 1934 tức nửa thế kỷ muộn hơn, Bonifaci lại viết: “Phố Hàng Mắm bốc mùi khó chịu, trong nhà bán tôm, cá khô…”.

Theo nhà giáo Hoàng Đạo Thúy: sau Đại chiến thứ nhất (1914 – 1918), trên phố Hàng Mắm hãy còn nhiều cửa hàng bán mắm tôm đặc đựng trong chậu sành, gạt bằng xương sườn trâu; mắm tôm loãng đựng trong vại; nước mắm đựng trong những kiệu lớn cao bằng đầu người, chôn xuống đất, đậy nắp, vợi ra thùng gỗ bán dần; rồi cua rạm muối, v.v.. Bán buôn là chính, mỗi chuyến cất hàng năm bảy tạ do thương lái mang đi các tỉnh. Những năm 1930, phố có thêm cửa hàng buôn các đồ hải sản để nấu cỗ như vây cá mập, bóng cá dưa, bóng cá thủ, sá sùng, tôm, mực khô, v.v.. Hiệu buôn mắm nổi tiếng là của cụ Tú Dâu (số 28, nhà cổ, thềm cao), Cự Xương (số 6), Cự Hải (số 1) và Cự Tài (số 150 phố Bờ Sông), ba nhà sau là anh em trong một gia đình. Hàng Mắm còn có cửa hàng bán đồ đá; nhà Ba Ký (hiệu Lê Trung Ký) ở góc phố, số 24, là nhà bán đồ đá lâu đời và phát đạt nhất.

Tên cũ Hàng Mắm được chính thức sử dụng lại từ năm 1945, mặc dù sau đó ở đây không còn bán mắm mà mặt hàng chủ yếu là bia mộ, tiểu sành, quan quách các loại bằng đá và đất nung.

Phố Hàng Mắm gồm nhiều ngôi nhà nhỏ, mặc dù vụ cháy lớn đầu năm 1891 đã thiêu huỷ toàn bộ nhưng dân đã sửa chữa lại, chỉ một ít nhà làm mới. Trong thời kỳ chiến sự Pháp-Việt 1946 – 1947 phố cũng không bị thiệt hại mấy, thời chống Mỹ lại càng không. Cuối thế kỷ 20, chính sự thay đổi hầu như không phanh đã làm cho không thể giữ được hình ảnh phố cũ nữa.

Cây cầu Chương Dương được xây đã nhanh chóng làm cho khu vực sát phía bắc phố Hàng Mắm trở thành một đầu mối giao thông quan trọng của Hà Nội. Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, con đường Gốm Sứ dọc bờ đê cũ đã được khánh thành và vinh danh.

Phố Hàng Mắm chỉ dài 188m, trên phố hiện không có đình, đền cũ nhưng tại các phố ngay bên cạnh thì nhiều. Đầu thế kỷ 19, cửa ô Mỹ Lộc đổi tên là Ưu Nghĩa, có lính canh gác ban đêm, ngăn với thôn Thanh Yên ven sông Hồng; đến nay dấu vết đình và miếu thôn Thanh Yên vẫn còn tại số nhà 14A trong ngõ Nguyễn Hữu Huân.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Mam.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho hang mam.docx”]

Hits: 517

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *