Phố Hàng Đồng dài khoảng 130m, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 600m về hướng tây-bắc. Phố đi từ ngã tư Hàng Mã – Hàng Rươi, cắt ngang phố Lò Rèn rồi kết thúc tại ngã tư Hàng Vải – Bát Sứ – Lãn Ông.
Từ thời Lê Mạt, dân làng Cầu Nôm (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) thuộc hai dòng họ Lê, Phùng đã kéo lên Hà thành, tụ tập ở thôn Yên Phú, mở các cửa hàng thu gom, sản xuất, sửa chữa và bán đồ đồng. Xưa kia nơi đây thuộc tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương, phía đông Hoàng thành cũ.
Thời thuộc Pháp, đường làng trở thành con phố với cái tên Rue des Tasses (tức “Hàng Chén”); về sau phố bị chia ra làm hai, đoạn thuộc thôn Đông Thành (cũ) gọi là Hàng Bát Sứ, đoạn thuộc thôn Yên Phú (cũ) gọi là Rue du Cuivre (tức “Hàng Đồng”).
Xưa kia, hạc, đỉnh, lư hương, bát hương, lọ hoa, chân nến cùng các đồ tế tự bằng đồng, chậu thau, ống nhổ và nhất là nồi, chảo và mâm đồng là vật dụng của những gia đình khá giả. Các cửa hàng ở phố Hàng Đồng chủ yếu bày bán sản phẩm và thu mua đồ đồng cũ (vì thế có nghề “đồng nát”), còn việc chế tác chủ yếu làm tại các lò đồng ở Ngũ Xã và vùng khác. Nhiều người làm nghề chạm, gò đồng truyền thống có gốc gác ở làng Đại Bái, Bắc Ninh.
Giống như nhiều phố cũ khác, phố Hàng Đồng ngày nay năng động và phát triển đa dạng. Phố không nhiều cửa hàng ăn lớn như ở Hàng Gà, Lãn Ông gần đó, nhưng có một nhà hàng giò chả Ước Lễ độc đáo, nổi tiếng Hà thành với món bánh giò hấp. Hiệu phở bò Việt Hoa thuộc hạng đắt khách, muốn ăn thường phải xếp hàng. Cũng có một quán Café Phố Cổ ở đây.
Cạnh các cửa hàng truyền thống chuyên chế tác hoặc thu gom đồ đồng, lại có các cơ sở sản xuất cơ khí mới vươn lên chiếm lĩnh thị trường và khẳng định thương hiệu của mình. Ngoài những đồ thờ cúng và gia dụng còn có thêm các mặt hàng khác như tượng, đồ trang sức và tranh đá nghệ thuật. Nhưng phố Hàng Đồng từ lâu đã không chỉ kinh doanh mỗi hàng Việt: giữa phố là các cửa hiệu mới mở, buôn bán đồ đồng, đồ sứ, hàng mỹ phẩm nhập khẩu.
Ngày nay dạo phố Hàng Đồng, khách phương xa như được đắm chìm trong không gian của một phố cổ có nghề từ xưa. Những người thợ trẻ đam mê công việc, có sự chỉ bảo của các nghệ nhân già với ngón nghề “gia truyền” tinh xảo. Những lá đồng được “đàn” mỏng tang, dưới bàn tay tài hoa “như có phép tiên” tạo nên những bức tranh trên đồ đồng với hình ảnh cỏ cây, hoa lá, đất trời, sông núi, cứ theo mũi “đục” mà hiện dần lên trước sự kinh ngạc, kính phục của khách nước ngoài.
[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Dong.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho hang dong.docx”]
Hits: 672