Phố Hàng Bè đi theo trục bắc-nam từ ngã ba Hàng Mắm – Hàng Bạc qua ngã ba Hàng Bè – Gia Ngư đến ngã tư Cầu Gỗ – Hàng Thùng và nối tiếp phố Hàng Dầu. Phố dài 172m, nay thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 90m về hướng đông-bắc.
Đây nguyên là đất thôn Nam Hoa, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương. Đến giữa thế kỷ 19, thôn này bị vua đổi tên thành thôn Nam Phố vì kỵ húy, tổng Hữu Túc cũng đổi thành tổng Đông Thọ. Hiện nay tại số nhà 29 phố Hàng Bè vẫn còn di tích ngôi đình Ngũ Hầu, thờ Cao Tứ, một anh hùng truyền thuyết từ thời Thục Phán An Dương Vương.
Trước kia đầu phố ở gần cửa ô Mỹ Lộc, giáp bờ sông Hồng. Theo các nhà nghiên cứu địa lý thì đất Hàng Bè vốn là một khúc của con đê cũ. Khi dòng chảy còn ở sát chân đê thì các bè gỗ, nứa, tre, song, mây, lá gồi từ miền ngược xuôi về thường áp vào đây để đem lên chợ tiêu thụ, thành ra khúc đê này có tên Hàng Bè, chợ trên đê là chợ Hàng Bè. Khi cát bồi đưa lòng sông ra xa, bè mảng không áp sát vào chân đê được nữa thì phố này trở thành nơi buôn bán cau, nên còn có tên phố Hàng Cau. Người dân đã đắp một con đê mới cách xa đê cũ và gọi là Bè Thượng.
Khi người Pháp mới đến Hà Nội, họ đã vẽ bản đồ và ghi chú đoạn đê mới là “Rue de Digue” (phố trên đê), tức đường Nguyễn Hữu Huân ngày nay, còn phố Hàng Cau mang tên “Rue des Radeaux”. Hồi ấy nó là một phố nhỏ chuyên bán guốc dép. Giữa phố có một cái chợ gọi là chợ Hàng Bè.
Vào những năm 1920 – 1930, đa số nhà dân ở Hàng Bè đều là cửa hàng bán cau tươi, cau khô, trong đó nổi tiếng có các hiệu Phúc Lợi (số 18), Thịnh Phát (số 4). Ngoài ra, đoạn gần ngã tư Cầu Gỗ có một dãy nhà chuyên bán sơn và một vài nhà chuyên bán đồ khô. Năm 1940, trên phố xuất hiện hiệu bánh gai Đan Quế (số 24).
Từ khi Hàng Bè mất vị thế bến sông thì không còn nhiều các hiệu buôn bán vào loại lớn nữa mà chủ yếu dân cư là người đi làm công chức, ban ngày nhà thường đóng cửa, phố không tấp nập như xưa. Tuy nhiên, nơi đây đã ghi dấu nhiều tên tuổi phú gia và trí thức hồi đầu thế kỷ 20. Chẳng hạn như thầu khoán Trương Vọng Trọng ở số 42, ngôi nhà này gồm nhiều lớp, bên trong có nhà thờ họ (nay là trường PTCS Bắc Sơn) được xây vào năm 1925 – 1926. Nhà số 18 của ông Cả Tung từng là một di tích với kiến trúc cổ, diện tích rộng, lòng sâu. Căn nhà số 10 được xây dựng vào năm 1938 của bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết (1912 – 1995), một bác sĩ yêu nước, thương dân thuộc lớp đầu tiên của trường Y Đông Dương và tham gia kháng Pháp từ những ngày cuối năm 1946. Số 15 Hàng Bè từng là tư gia của Nhất Linh, một cây bút đại thụ của văn học Việt Nam đầu thế kỉ 20, thành viên chủ chốt của Tự lực văn đoàn.
Ngày nay, phố Hàng Bè chỉ mang chút ít dáng dấp xưa và càng ngày càng có thêm những nét hiện đại. Cuộc sống trên phố không còn như trước. Phần nhiều các nhà hàng cau tươi, cau khô đã chuyển thành những cửa hiệu nhỏ bán quần áo, giày dép, thực phẩm… hoặc thành khách sạn, quán ăn. Hàng Bè cũng như những phố xung quanh đang đổi thay và mất dần các di tích của mình.
Chợ Hàng Bè
Một trong những thứ đã trở thành quá khứ là chợ Hàng Bè. Đó vốn là ngôi chợ kiểu lều bạt căng tạm ngay trên lòng phố lẫn vỉa hè, bày bán đủ thứ mặt hàng thiết yếu với giá bình dân. Diện tích chợ đã mở rộng dần từ vị trí giữa phố Hàng Bè lan tới ngã tư Gia Ngư – chợ Cầu Gỗ và rồi kéo dài đến tận chỗ thông sang phố Hàng Đào. Cái tên chợ Hàng Bè đã trở nên thân quen với mấy thế hệ dân cư khu phố cổ và được nhớ mãi như một địa danh từng tồn tại suốt cả thế kỷ 20 cho đến khi UBNDTP cho chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên hình như kỷ niệm này khó phai và mặt khác văn hóa mặt đường chưa thay đổi, cho nên mấy năm nay các vỉa hè nơi đây lại bày hàng gần như cũ, chỉ có lòng đường chưa bị tái chiếm.
[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Be.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho hang be.docx”]
Hits: 2306