PHỐ HÀNG BẠC

Phố Hàng Bạc dài 330m, thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 250m về hướng bắc. Phía đông nối tiếp phố Hàng Mắm và giáp phố Hàng Bè, ngõ Phất Lộc. Phía tây nối tiếp phố Hàng Bồ và giáp các phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Đoạn giữa đi qua ngã ba Mã Mây và ngã tư Tạ Hiện – Đinh Liệt.

Phố Hàng Bạc được hình thành từ đầu thời Lê sơ, tức vào khoảng thế kỷ 15. Đến thời Nguyễn, nơi đây đã tập trung những thầy thợ kim hoàn tạo ra nhiều món đồ trang sức nổi tiếng. Ngày nay Hàng Bạc là một con phố sinh động và đặc trưng của Hà Nội, thu hút rất nhiều người buôn bán và du lịch.

Đoạn đầu phố kéo từ ngã ba Hàng Mắm – Hàng Bè đến ngã tư Tạ Hiện – Đinh Liệt (chỗ rạp Chuông Vàng), xưa kia đa số là nhà cổ, nếu có gác thì cũng chỉ làm theo kiểu “chồng diêm”, tức là nhà thấp, gác xép, cửa sổ nhỏ trông xuống đường, thường được vẽ trong các tranh của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái. Ngày nay nhà cổ chỉ còn lác đác xen lẫn những nhà được cải tạo lại hoặc xây mới, cao ráo, nhiều tầng.

Trước đây, phố Hàng Bạc có ba nghề khác nhau: đúc bạc nén, kim hoàn và đổi tiền. Thợ xuất thân từ ba làng nghề làm đồ vàng bạc nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam: làng Châu Khê (xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), làng Ðồng Xâm (tỉnh Thái Bình) và làng Định Công (Hà Nội).

Căn cứ theo nội dung ghi tạc trên tấm bia đặt tại đình Dũng Hãn thì phố Hàng Bạc được thành lập vào thời Hậu Lê hoặc sớm hơn một chút. Thời kỳ này, đất Hàng Bạc thuộc về phường Đông Các, huyện Thọ Xương. Tương truyền, quan thượng thư bộ lại Lưu Xuân Tín, vốn người làng Châu Khê, được vua Lê Thánh Tông (giữa thế kỷ 15) giao cho việc lập xưởng đúc tiền tại Thăng Long. Bởi lúc bấy giờ bạc nén được dùng làm đơn vị tiền tệ trao đổi, ông đã đưa dân làng mình tới kinh thành lập phường thợ đúc bạc.

Dần dần, bên cạnh nghề này, thợ Châu Khê còn kiêm cả nghề kim hoàn (làm đồ trang sức bằng vàng bạc). Cứ đến ngày 19 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhiều gia đình lại trở về quê để cùng dự hội làng, làm lễ dâng hương báo công với Đức Thành Hoàng và giỗ Tổ nghề.

Tại phố Hàng Bạc vẫn còn những di tích về phường nghề của người Châu Khê. Tràng đúc tên là Trương Đình (dân quen gọi đình Trên), nay ở số nhà 58 Hàng Bạc. Nơi tiếp các quan đến giao bạc đúc và nhận bạc nén tên là Kim Ngân Đình (dân quen gọi đình Dưới), nay ở số nhà 42, mới được thành phố cấp cho 37 tỷ đồng để giải toả và trùng tu.

Người làng Châu Khê ra Thăng Long khá đông, họ cần có nơi sinh hoạt chung, nên đã mua đất thờ vọng thành hoàng làng, đất ấy ở thôn Hài Tượng. Trong ngõ Hài Tượng hiện còn một ngôi đền mang chữ “Châu Khê vọng từ”, còn gọi là Nội Miếu. Người Châu Khê giữ tập quán tổ chức phe giáp phỏng theo phe giáp làng gốc (tên các giáp là: Nhất – Nhị – Đông – Tây – Xuyên – Trung), hàng năm mở hội hè đình đám.

Ðến đầu thế kỷ 19, đất Hàng Bạc thuộc thôn Dũng Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Từ triều Gia Long, trong phố có một vị Ty quan quản lý công việc ngành bạc, thu bạc vụn từ các tỉnh rồi giao cho các tràng đúc. Khi đúc thành bạc nén xong lại trao trả cho tỉnh và chuyển lên kinh đô, nhập vào công khố.

Về sau, xưởng đúc bạc nén phải chuyển vào kinh đô nhà Nguyễn ở Huế. Phần lớn thợ Châu Khê vẫn ở lại Long thành và họ lập một phường thợ kim hoàn tại phố Hàng Bạc. Lúc đó còn có cả thợ vàng bạc từ các làng Ðịnh Công và Ðồng Xâm tới phố lập nghiệp. Người ta sản xuất, buôn bán, kể cả đổi bạc nén lấy bạc vụn. Vì vậy, vào thời Pháp thuộc, phố này có tên tiếng Pháp là Rue des Changeurs (phố những người đổi tiền).

Đoạn phố phía tây, từ ngã tư Tạ Hiện – Đinh Liệt đến ngã tư Hàng Đào – Hàng Ngang, vốn là nơi tập trung của người làng Định Công di cư ra Thăng Long. Họ nhận đặt làm những đồ nữ trang như khuyên vàng, xà tích bạc, vòng xuyến, hoa, hột bằng vàng, hoặc khánh, vòng bạc cho trẻ con. Những hộ giàu hơn vừa làm hàng, vừa buôn bán các đồ vàng bạc; những hộ không có vốn thì nhận làm thuê lấy tiền công.

Nói chung ở bất kỳ đồ vàng bạc chạm khắc hoặc đồ nữ trang nào, người ta đều dễ dàng nhận thấy hai đặc điểm nổi bật: hình dáng nghệ thuật sinh động và kỹ thuật tạo hoa văn tinh xảo. Trên các đồ vàng bạc thường chạm trổ hình ảnh con người, hoặc các loại cây tượng trưng cho những phẩm chất cao quý của con người như lan, cúc, trúc, mai, v.v…

Từ ngày đổi mới cuối thế kỷ 20, các nghề thủ công truyền thống trong đó có nghề kim hoàn đã hồi phục. Phố Hàng Bạc lại sầm uất với nhiều cửa hàng kinh doanh, sản xuất đồ trang sức với kỹ thuật cao. Nghề buôn bán trao đổi vàng bạc không chỉ tập trung ở phố Hàng Bạc. Ở nhiều phố khác cũng đã rải rác có cửa hiệu kim hoàn. Phố Hàng Bạc dù nay chỉ còn lại rất ít thợ so với thủa xưa nhưng vẫn là nơi giữ truyền thống chế tác vàng bạc tinh xảo của Thăng Long.

 [embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Bac.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho hang bac.docx”]

Hits: 3081

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *