Phố Gia Ngư dài 270m, nay thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 140m về hướng bắc. Phố đi từ phố Hàng Bè tới Hàng Đào, đoạn giữa cắt ngang ngã tư phố Chợ Cầu Gỗ và ngã tư phố Đinh Liệt.
Phố nằm trên đất của hai làng Gia Ngư và Trung Yên (hiện vẫn còn con ngõ Trung Yên nằm song song phía bắc phố Gia Ngư), thuộc tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Xưa kia phía bắc hồ Gươm là hồ Thái Cực, có một làng cá nằm ở dải đất giữa hai hồ này với nhiều cư dân xung quanh sống bằng nghề chài lưới và do đó . Theo các sách địa chí, nơi đây vào đời Gia Long (1801 – 1819) vẫn gọi là Làng Cá, đến đời Minh Mạng (1820 – 1840) nhà vua bắt Hán hoá tên nôm, thành ra có thôn Gia Ngư.
Phố Gia Ngư được hình thành từ hai đoạn đường làng vào cuối thế kỷ 19, khi hồ Thái Cực bị lấp để mở rộng khu vực thương mại. Thời Pháp thuộc, đoạn phía đông giáp phố Hàng Bè mang tên “Rue Tirant”, dân ta gọi là ngõ Gia Ngư; đoạn phía tây tên là “Rue Nguyen Du” (“Phố Nguyễn Du”). Về sau hai con phố ngắn này được nhập lại làm một. Từ năm 1945, phố chính thức mang tên Gia Ngư.
Gia Ngư là con phố khá đẹp, mang nhiều đặc trưng của Hà Nội cũ với những ngôi nhà cổ và nhà tầng khang trang. Tại số nhà 50 hiện nay vẫn còn một ngôi đình nhưng không phải của thôn Gia Ngư mà của phường Đại Lợi, thờ các thần Bạch Mã, Linh Lang và Cao Sơn.
Phố Gia Ngư hiện nay có hơn 700 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng kinh doanh ăn uống ở nửa phía đông và buôn bán quần áo thời trang mọi lứa tuổi ở nửa phía tây.
Chợ Hàng Bè
Giống như chợ Bắc Qua, chợ Hàng Bè thuộc kiểu chợ chiếm cả lòng đường và đã gắn bó với dân cư khu phố cũ hàng thế kỷ nay. Khi được hỏi về nguồn gốc chợ Hàng Bè, nhiều người già quanh đây nhớ là từ thời Pháp thuộc, chợ chỉ có lều lán sáng dựng lên, tối cuốn lại chứ không được xây dựng kiên cố như các ngôi chợ chính thống của Hà Nội.
Chợ Hàng Bè thực ra có từ trước khi Pháp sang đây, lúc đầu ở gần bến thuyền bè và nằm ven con đê cũ (nay là phố Nguyễn Hữu Huân). Tên phố Hàng Bè cũng là một kỷ niệm về thời xưa ấy, khi sông Hồng còn chưa đổi dòng về phía đông. Hàng trăm năm sau, vào cuối thời chiến tranh rất khan hiếm thực phẩm, cái chợ cũ dần lớn lên và cuối cùng đã chiếm trọn lòng đường cả phố Chợ Cầu Gỗ lẫn phố Gia Ngư.
Tên chợ Hàng Bè vẫn được gọi theo thói quen, các tên khác như chợ Gia Ngư và chợ Cầu Gỗ thì ít ai dùng. Chợ cũng giữ nếp dựng lều bán hàng dưới lòng đường như ngày trước, chẳng xây dựng nhà cửa cố định. Chợ ở giữa thủ đô, nhưng trông những món hàng và những ông già, bà lão, cô gái bán hàng ăn vận giản dị, người ta có cảm giác như lạc vào một phiên chợ quê mùa đậm chất đồng bằng Bắc Bộ.
Bước sang thế kỷ 21, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội có quyết định giải toả chợ Hàng Bè để có thể cải tạo phố Gia Ngư thành tuyến phố đi bộ và bán hàng, chủ yếu phục vụ khách du lịch. Chợ họp buổi cuối cùng vào ngày 31/7/2010.
Chợ cũ không còn, nhưng đây đó trên hai vỉa hè nhiều người dân từng dựng lán dưới lòng đường nay vẫn theo nghề cũ. Họ bày rau dưa, thịt cá ra trước nhà để bán và tạo ra một không gian nửa tỉnh nửa quê rất độc đáo và hấp dẫn đối với du khách.
[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Gia-Ngu.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho gia ngu.docx”]
Hits: 1384