PHỐ CỬA NAM

Phố Cửa Nam dài 244m, cách Hồ Gươm chừng 1km về hướng tây, nay thuộc phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố đi từ giao điểm Tràng Thi – Thợ Nhuộm – Nguyễn Thái Học – Phan Bội Châu đến ngã phố Nguyễn Khuyến – Lê Duẩn – Hai Bà Trưng; cắt đuôi các phố Hàng Bông, Đình Ngang.

Phố Cửa Nam nằm trên địa phận của hai thôn Vĩnh Xương và Yên Trung Hạ, thuộc tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Đình của thôn Yên Trung Hạ thờ thánh Tản Viên, chùa Thiên Phúc cũng của thôn này đến nay còn nguyên và mới được đại trùng tu, cửa vẫn mở ra đoạn nở rộng ở cuối phố Hai Bà Trưng. Số nhà 20 phố Cửa Nam của ông Sáu Tĩnh vào đầu năm 1908 là nơi tụ họp của đội Bình, đội Nhân, đội Cốc, những người lãnh đạo cuộc đầu độc lính Pháp ở Hà thành và đã hy sinh anh dũng.

Phố này ở về khu vực phía nam cửa Đại Hưng, tức cửa duy nhất ra vào hoàng thành của thời Hậu Lê. Bên ngoài cửa, chỗ vườn hoa Cửa Nam bây giờ từng có Quảng Văn Đình (sau đổi tên là Quảng Minh Đình) là một tòa nhà lớn để dân chúng có thể tự đến đánh trống báo quan lại ra nhận đơn khiếu kiện hoặc ngồi nghe triều đình giảng giải đạo lý và các chiếu, lệnh vừa được công bố.

Vào đầu thời Nguyễn (1831), thành Hà Nội bị xây lại theo kiểu Vauban và thu nhỏ khá nhiều diện tích nhưng phía bắc phường Cửa Nam vẫn giáp với cửa đông-nam của tòa thành mới. Cuối thế kỷ 19, sau khi Pháp chiếm hoàn toàn Hà Nội thì trừ Cửa Bắc còn thành lũy đã bị phá hủy hết để lấy vật liệu xây dựng các trại lính và phố Tây, cả đình Quảng Minh cũng không sót lại di vật gì.

Phố Cửa Nam thời thuộc Pháp mang tên Rue Neyret. Vườn hoa Cửa Nam hồi ấy cũng tên là Place Neyret nhưng dân ta vẫn quen gọi là vườn hoa “Bà đầm xoè” vì ở đó từng đặt một bản sao của tượng Nữ Thần Tự Do cao 285cm, nhỏ hơn rất nhiều so với bức tượng gốc dựng trên hòn đảo bên lối vào hải cảng New York.

Trớ trêu thay sứ mệnh của Nữ Thần Tự Do cao quý như thế nhưng số phận bản sao chở sang Hà Nội năm 1887 quả thật long đong. Ba năm sau, chưa yên chỗ ở vườn hoa Paul Bert “Bà đầm xoè” đã chuyển ra đảo Tháp Rùa, năm 1896 lại phải dời đến Cửa Nam. Ngày 1-8-1945 bị dân giật đổ và cuối cùng đến 1952 thì bị nấu chảy cùng các thứ đồng nát khác để dân làng Ngũ Xã đúc pho tượng Phật khổng lồ cho chùa Thần Quang.

Phố Cửa Nam tuy ngắn nhưng rộng và là một tuyến giao thông quan trọng ở trung tâm thành phố. Nó nối liền ngã sáu chỗ vườn hoa Cửa Nam với ngã năm sát chợ Cửa Nam, ban ngày rất đông người và xe cộ qua lại. Đoạn đầu phố khá dài và chỉ có nhà cửa ở bên số lẻ. Đoạn giữa có trung tâm mua sắm Kinh Đô điện máy, vốn là một rạp chiếu phim được xây vào giữa thế kỷ trước, mặt tiền nhìn ra phố Đình Ngang.

Ngày nay, đoạn cuối phố thường bị ách tắc mỗi khi có đoàn xe lửa chạy ngang qua phố Nguyễn Khuyến. Nơi đây cũng gần ngay cửa ra vào một ngôi chợ được hình thành sớm nhất ở Hà Nội từ thế kỷ 19. Bước sang thế kỷ 21, sau khi cải tạo chợ Cửa Nam thành một trung tâm thương mại cao tầng thì sự mua bán bị suy giảm đi rất nhiều so với trước kia.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Cua-Nam.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho cua nam.docx”]

Hits: 2628

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *