NGÕ PHẤT LỘC

Ngõ Phất Lộc có tổng chiều dài khoảng 300m, gồm ba nhánh nhỏ ăn thông ra ba con phố khác nhau: Hàng Mắm, Lương Ngọc Quyến và Nguyễn Hữu Huân; nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 300m về hướng bắc.

Ngõ Phất Lộc toạ lạc trên đất của giáp Tiên Hạ, làng Dũng Thọ, thuộc phường Đông Các, huyện Thọ Xương, phía đông kinh thành Thăng Long cũ. Tên thời Pháp thuộc cũng vẫn là ngõ Phất Lộc (ruelle Phất Lộc).

Điểm đặc biệt ở đây là ngõ gồm ba nhánh nhỏ có lối vào từ ba con phố khác nhau: cuối phố Hàng Mắm và đầu các phố Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Hữu Huân. Ba nhánh này lại hội tụ ở cổng ngôi đền Tiên Hạ.

Phất Lộc nguyên là tên một làng của huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình; năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) có thư sinh họ Bùi đến Thăng Long học trường Quốc Tử Giám rồi lập nghiệp tại thôn Tiên Hạ. Sau đó người làng cũng theo lên, dần dần dân Phất Lộc chiếm đa số và hình thành tên ngõ. Người Phất Lộc dựng đình riêng ở số nhà 46 trong ngõ. Số 30 là nhà thờ họ Bùi, hàng năm con cháu vẫn tới đây giỗ tổ. Bùi Tú Lĩnh người soạn văn bia đình Thanh Hà cũng thuộc dòng họ này.

Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), các tiểu đội trưởng đầu tiên của Liên khu I Hà Nội đã được huấn luyện tại đây và căn cứ quân sự ở ngõ Phất Lộc đã đứng vững cho đến tận đêm Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút ra khỏi thành phố qua cầu Long Biên cạnh đấy.

Số nhà 48 ngõ Phất Lộc là một trong những ngôi đền ở Hà Nội có thờ Nguyễn Trung Ngạn (1289 – 1370), một danh thần thời Trần. Hiện tại nơi đây cũng thu hút khá đông con nhang đệ tử của đạo Mẫu. Đền Tiên Hạ được tôn tạo, sửa chữa nhiều lần, trong đó phải kể đến lần trùng tu lớn vào năm 1866 đã được văn bia ghi lại.

Kiến trúc của đền được bố cục theo kiểu chữ “Công”. Cổng xây kiểu vòm cuốn, trên nóc là một nậm rượu, hai bên có hai cột đồng trụ, đỉnh trụ trang trí hình búp sen. Qua cổng là một sân nhỏ lát gạch Bát Tràng. Cuối sân có tượng hai ông Hộ pháp canh giữ cửa ra vào, phía sau là khu thờ tự gồm: tiền tế, nhà cầu và hậu cung. Tất cả được khuôn lại trong hệ thống tường bao.

Tiền tế là căn nhà nhỏ một gian hai dĩ, làm theo kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai, kết cấu bộ khung gỗ nhà tiền tế gồm 4 vì được làm theo kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị” các thanh xà, rường, hoành, kẻ, được bào trơn, bào soi. Nhà cầu gồm 1 gian có hình vuông, trần nhà được bưng kín bằng ván gỗ. Phần kết cấu gỗ được đặt trên 4 cột xi măng vuông 20 cm x 20 cm. Hậu cung gồm một gian hai dĩ chạy ngang. Các bộ vì đỡ mái làm theo kiểu quá giang trụ trốn, bào trơn. Chính giữa hậu cung xây một bệ gạch cao 80 cm, phía trên bài trí hai bộ long ngai bài vị thờ thần, được đặt trang trọng trong khám thờ chạm rồng.

Hiện nay trong đền còn lưu giữ các di vật văn hoá có giá trị lịch sử và nghệ thuật như: hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị, khám thờ… Đặc sắc nhất là hệ thống bia đá, gồm 5 tấm, trong đó có tấm bia “Tiên Hạ linh từ trùng tu bi ký” lập năm Bính Dần niên hiệu Tự Đức thứ 19 (1866).

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Phat-Loc-Ngo-Phat-Loc.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: ngo phat loc.docx”]

Hits: 2723

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *