1. Văn hóa chịu sự chi phối đáng kể của HOÀN CẢNH ĐỊA LÍ – KHÍ HẬU. Hoàn cảnh địa lí – khí hậu Việt Nam có ba đặc điểm cơ bản:
Thứ nhất, đây là xứ nóng. Nóng lắm sinh ra mưa nhiều. Việt Nam là nơi có lượng mưa trung bình trong năm khoảng trên 2.000mm (cá biệt có nơi như vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên) đạt tới 7.977mm), vào loại cao nhất thế giới.
Hiện tượng này dẫn đến đặc điểm thứ hai: đây là một vùng sông nước. Sông nước đã để lại dấu ấn rất quan trọng trong tinh thần văn hóa khu vực này. Đây là một hằng số địa lí quan trọng, chính nó tạo nên nét độc đáo của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước.
Đặc điểm quan trọng thứ ba: Nơi đây là giao điểm (“ngã tư đường”) của các nền văn hóa, văn minh.
2. KHÔNG GIAN VĂN HÓA có phần phức tạp hơn: bởi lẽ văn hóa có tính lịch sử (yếu tố thời gian), cho nên không gian văn hóa liên quan đến lãnh thổ nhưng không đồng nhất với không gian lãnh thổ. Nó bao quát tất thảy những vùng lãnh thổ mà ở đó dân tộc đã tồn tại qua các thời đại. Do vậy, không gian văn hóa bao giờ cũng rộng hơn không gian lãnh thổ; không gian văn hóa của hai dân tộc ở cạnh nhau thường có phần chồng lên nhau, có miền giáp ranh.
Trong phạm vi hẹp, không gian gốc của văn hóa Việt Nam nằm trong khu vực cư trú của người Bách Việt. Có thể hình dung nó như một hình tam giác với cạnh đáy ở sông Dương Tử, và đỉnh là vùng bắc Trung Bộ Việt Nam. Đây là cái nôi của nghề nông nghiệp lúa nước, của nghệ thuật đúc đồng với những trống đồng Đông Sơn nổi tiếng. Đây cũng là bờ cõi đất nước của họ Hồng Bàng theo truyền thuyết.
Ở một phạm vi rộng hơn, không gian văn hóa Việt Nam nằm trong khu vực cư trú của người Indonésien lục địa. Có thể hình dung nó như một hình tam giác với cạnh đáy vẫn là sông Dương Tử ở phía Bắc, còn đỉnh là vùng đồng bằng sông Mê Kông ở phía Nam. Đây là khu vực được tạo nên bởi hai con sông lớn cùng bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng: Dương Tử Giang và Mê Kông.
Xét từ trong cội nguồn, không gian văn hoá Việt Nam vốn được định hình trên nền của không gian văn hoá khu vực Đông Nam Á. Ta có thể hình dung không gian văn hóa khu vực Đông Nam Á này như một hình tròn bao quát toàn bộ Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo. Từ sau công nguyên, khu vực Đông Nam Á có phần thu hẹp lại do vùng phía Nam sông Dương Tử đã bị chính sách bành trướng và đồng hóa của Trung Hoa dần dần thâu tóm. Mặc dù vậy, cho đến giờ ngay cả vùng này cũng hãy còn giữ được không ít nét trong số hàng loạt những đặc điểm chung của khu vực văn hóa Đông Nam Á:
– Về phương diện vật chất: làm ruộng cấy lúa, nuôi trâu bò, dùng đồ kim khí thô sơ, giỏi bơi thuyền.
– Về phương diện xã hội: địa vị quan trọng của phụ nữ, huyết tộc mẫu hệ, tổ chức xã hội theo nhu cầu tưới nước ruộng.
– Về phương diện tôn giáo: thuyết vạn vật hữu linh, thờ phụng tổ tiên và thờ thần – đất, đặt đền thờ ở những chỗ cao, chôn người chết trong các chum vại hay các trác thạch.
– Về phương diện thần thoại: đối lập vũ trụ luận giữa núi và biển, giữa loài phi cầm với loài thủy tộc, giữa người thượng du với người hạ bạn.
– Về phương diện ngôn ngữ: dùng những ngôn ngữ đơn âm với năng lực dồi dào về phát triển từ.
Đây là địa bàn cư trú của người Indonésien cổ đại nói chung. Chính mối liên hệ này đã tạo nên sự thống nhất cao độ của vùng văn hóa Đông Nam Á mà ở trên đã nói. Hơn thế nữa, do vị trí đặc biệt của mình, Việt Nam là nơi hội tụ ở mức độ đầy đủ nhất mọi đặc trưng của văn hóa khu vực; không phải vô cớ mà các nhà Đông Nam Á học đã nói một cách hình ảnh rằng Việt Nam là một Đông Nam Á thu nhỏ.
3. Sự thống nhất do cùng cội nguồn đã tạo ra bản sắc chung của văn hóa Việt Nam, còn tính đa dạng của các tộc người lại làm nên những đặc trưng bản sắc riêng của từng VÙNG VĂN HÓA.
a. Vùng văn hóa Tây Bắc là khu vực bao gồm hệ thống núi non trùng điệp bên hữu ngạn sông Hồng (lưu vực sông Đà) kéo dài tới bắc Thanh Nghệ. Ở đây có trên 20 tộc người cư trú, trong đó, các tộc Thái, Mường có thể xem là đại diện. Biểu tượng cho vùng văn hóa này là hệ thống mương phai ngăn suối dẫn nước vào đồng; là nghệ thuật trang trí tinh tế trên chiếc khăn piêu Thái, chiếc cạp váy Mường, bộ trang phục nữ H’mông; là âm nhạc với các loại nhạc cụ bộ hơi (khèn, sáo…) và những điệu múa xòe…
b. Vùng văn hóa Việt Bắc là khu vực bao gồm hệ thống núi non hiểm trở bên tả ngạn sông Hồng. Cư dân vùng này chủ yếu là người Tày, Nùng với trang phục tương đối giản dị, với lễ hội lồng tồng (xuống đồng) nổi tiếng; với hệ thống chữ Nôm Tày được xây dựng trong giai đoạn cận đại…
c. Vùng văn hóa Bắc Bộ có hình một tam giác bao gồm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Thái Bình và sông Mã với cư dân Việt (Kinh) sống quần tụ thành làng xã. Đây là vùng đất đai trù phú, bởi vậy nó từng là cái nôi của văn hóa Đông Sơn thời thượng cổ, văn hóa Đại Việt thời trung cổ… với những thành tựu rất phong phú về mọi mặt. Nó cũng là cội nguồn của văn hóa Việt ở nam Trung Bộ và Nam Bộ sau này.
d. Vùng văn hóa Trung Bộ ở trên một dải đất hẹp chạy dài theo ven biển từ Quảng Bình tới Bình Thuận. Do khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, nên con người ở đây đặc biệt cần cù, hiếu học. Họ thạo nghề đi biển, bữa ăn của con người cũng giàu chất biển; dân vùng này thích ăn cay (để bù cho cá lạnh). Trước khi người Việt tới sinh sống, trong một thời gian dài nơi đây từng là địa bàn cư trú của người Chăm với một nền văn hóa đặc sắc, đến nay còn để lại sừng sững những tháp Chăm.
e. Vùng văn hóa Tây Nguyên nằm trên sườn đông của dải Trường Sơn, bắt đầu từ vùng núi Bình-Trị-Thiên với trung tâm là bốn tỉnh Gia Lai, Kontum, Đắc Lắc, Lâm Đồng. Ở đây có trên 20 tộc người nói các ngôn ngữ Môn-Khmer và Nam Đảo cư trú. Đây là vùng văn hóa đặc sắc với những trường ca (khan, h’ămon), những lễ hội đâm trâu, với loại nhạc cụ không thể thiếu được là những dàn cồng chiêng phát ra những phức hợp âm thanh hùng vĩ đặc thù cho núi rừng Tây Nguyên…
f. Vùng văn hóa Nam Bộ nằm trong lưu vực sông Đồng Nai và hệ thống sông Cửu Long, với khí hậu hai mùa (khô – mưa), với mênh mông sông nước và kênh rạch. Các cư dân Việt, Chăm, Hoa tới khai phá đã nhanh chóng hòa nhập với thiên nhiên và cuộc sống của cư dân bản địa (Khmer, Mạ, Xtiêng, Chơro, Mnông). Nhà ở có khuynh hướng trải dài ven kênh, ven lộ; bữa ăn giàu thủy sản; tính cách con người ưa phóng khoáng; tín ngưỡng tôn giáo hết sức phong phú và đa dạng; sớm tiếp cận và đi đầu trong quá trình giao lưu hội nhập với văn hóa phương Tây… – đó chỉ là vài nét phác thảo những đặc trưng văn hóa của vùng này.
Mối liên hệ mật thiết với Đông Nam Á và tính thống nhất trong sự đa dạng do tuyệt đại bộ phận cư dân đều bắt nguồn từ cùng một gốc nhân chủng, ngôn ngữ và văn hóa – đó là cơ sở làm nên sự khu biệt cơ bản giữa văn hóa Việt Nam với Trung Hoa.
Hits: 897