ĐÌNH THƯỢNG XUÂN LAI

Đình Thượng Xuân Lai là tên gọi theo địa danh của xóm làng. Đình thuộc thôn Xuân Lai (tên Nôm là Kẻ Sải), xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, tọa lạc trên một khu đất cao ráo phía trong đê sông Cà Lồ, liền với khu vực cư trú của dân làng. Đình thờ Thành hoàng làng là Đức Thánh Tam Giang – tên gọi chung của hai anh em họ Trương đều làm tướng dưới thời vua Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương ở thế kỷ XV – là hai vị phúc thần có công với nước, với dân. Gắn kết với việc phụng thờ Thành hoàng làng, đình Thượng Xuân Lai còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng dân làng xã.

Theo tấm bia đá “Hậu thần bi ký” được lập vào tháng 9/1692 (Niên hiệu Chính Hòa 13) ghi lại công đức của một vị thái giám đã có công cứu dân ngèo, bỏ tiền sửa chữa lại ngôi đình – có thể nhận định đình Thượng Xuân Lai được khởi dựng vào thời Lê Trung Hưng (trước 1692).

Đình Thượng Xuân Lai ban đầu là một tổng thể kiến trúc đồ sộ, hoàn chỉnh, phía trước là hồ, tiếp đến là hai cột đồng trụ lớn, sau đó là sân rộng dẫn tới một tổng thể kiến trúc bố cục hình chữ “Nhị”, gồm tiền đình và đại đình. Sân đình lát gỗ lim dày. Trải qua thời gian tồn tại, quá trình đấu tranh với thiên nhiên cũng như hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, đình không còn giữ được dàng vẻ như xưa nhưng vẫn là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, quí, bề thế.

Khu đình chính hiện nay có mặt bằng kiến trúc được bố cục theo kiểu chữ Đinh hay còn gọi là hình chuôi vồ gồm đại đình và hậu cung.

Tòa đại đình gồm 5 gian 2 chái, tôn cao 30m so với mặt sân. Nhà có kiểu dáng kiến trúc cổ dạng 4 mái cong, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh có đắp rồng chầu mặt nguyệt, bốn góc mái được đỡ bởi 4 trụ vuông, các đầu đao đắp nổi hình rồng, uốn cong. Sàn đình lát gạch Bát Tràng cổ (10x10cm). Bộ khung của tòa đại đình tựa trên 4 hàng chân cột, mái phân “thượng tứ, hạ ngũ”, cột có dạng “thượng thu, hạ thách”.

Hậu cung là một nếp nhà dọc một gian nối với gian giữa tòa đại đình, được xây tường bao khép kín. Chính giữa hậu cung là một hương án lớn đặt ban thờ đức Thánh Tam Giang.

Trong đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý có giá trị về lịch sử và nghệ thuật như: 2 hương án, 1 án văn, 1 bộ bát bửu, 11 mâm thờ gỗ, 2 bộ kiệu bát cống (nghệ thuật thế kỷ XIX); 8 sắc phong niên hiệu Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định; một cuốn thần phả (bản sao); một bia đá niên hiệu Chính Hòa 13 (1692) cùng một số đồ thờ tự khác. Phong cách trang trí nghệ thuật chủ yếu thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Đình được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1997.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Dinh-Thuong-Xuan-Lai.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh thuong xuan lai.docx”]

Hits: 1061

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *