Đình Lâm Du nằm ở trung tâm xã Bồ Đề, nay ở tổ 24, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Đình được gọi theo tên làng Lâm Du, một làng quê cổ kính ven sông Hồng với hệ thống di tích tôn giáo tín ngưỡng khá hoàn chỉnh. Chùa Lâm Du bên hữu, đền Tam Phủ bên tả.
Đình Lâm Du được xây dựng từ rất sớm để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng thờ Thần hoàng của nhân dân địa phương. Do chiến tranh và đặc biệt là bão lụt, đình đã bị phá hủy. Năm 1993, đình Lâm Du được xây dựng lại gồm Tam quan, Đại đình và Hậu cung trên một khuôn viên đất nhỏ giữa làng.
Hiện nay, đình Lâm Du trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống của nhân dân địa phương, đồng thời cũng là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa của địa phương. Dù không còn dấu tích kiến trúc cũng như tư liệu gốc về Thần hoàng làng, nhưng ngôi đình này vẫn là nơi tụ hội và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian. Theo truyền thuyết dân gian của địa phương cho biết, đình Lâm Du thờ Thần Linh Lang tức Uy Đô, con trai vua Trần Thánh Tông (1258 – 1378) và công chúa Liễu Hạnh. Truyền thuyết thì như vậy, nhưng trong thực tế cứ vào ngày hội của đền Linh Lang ở Thủ Lệ thì dân làng lại cử người đại diện đến đền Thủ Lệ làm lễ hướng về chốn Tổ. Trên thực tế, tại di tích không còn lưu giữ các tư liệu thành văn ghi rõ đình thờ Linh Lang thời Lý hay thời Trần. Do vậy chúng tôi xin được sử dụng tư liệu về Thần Linh Lang ở Thủ Lệ đối với di tích đình Lâm Du.
Linh Lang Đại vương là vị Thần được thờ nhiều trong tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sự tích của Thần có thể tóm tắt như sau: Ngài là con vua Lý Thánh Tông và bà Dương Phương Nương. Năm bà Phương Nương lên 3 tuổi, cha mẹ đều tạ thế nên ra ở với cậu là ông Trần Công Tiệp ở phường Thị Trại, Thành Thăng Long (tức làng Thủ Lệ bây giờ). Năm 18 tuổi, bà Phương Nương đẹp tuyệt vời được vua Lý Thánh Tông vời vào cung và phong làm Đệ tứ cung phi. Mấy năm ở trong cung bà vẫn chưa có con, nhà vua bèn cho bà ra lập cung ở phường Thị Trại để ở và truyền việc nữ công, sau đó bà được mộng Giao Long có thai 12 tháng, đến ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn sinh ra cậu con trai gương mặt như Long hầu, vua đặt tên là Hoàng Lang và truyền cho bà mang về Thị Trại nuôi nấng. Quả như trong mộng, được 7 tháng trong nước có giặc Trinh Vinh nổi loạn, quan triều thần đánh không nổi, vua cho sứ giả đi rao khắp nước tìm người tài dẹp giặc, yên dân. Hoàng Lang cho gọi sứ giả vào bảo: “Về tâu với Hoàng phụ ta đúc cho ta một con Voi sắt, một lá cờ sắt, tức khắc mang lại cho ta”. Hoàng Lang tay cầm cờ sắt nhảy lên mình Voi, Voi hét ra lửa, chạy như bay thẳng tới đồn dẹp giặc. Dẹp xong, Ngài về lạy tạ vua, vua mừng rỡ lập làm Thái tử, nhưng Ngài bị bệnh chỉ xin nhà vua mang roi và cờ sắt ra chỗ Hồ Tây bên bàn đá cho xin cầm cờ tung lên trời, nơi nào có dấu cờ thì lập đền thờ… Ngài bèn hóa ra Thần Giao Long bò xuống hồ. Voi sắt phục ở bên tả, 3 ngày sau cờ bay về cắm ở bên hữu. Vua trở về triều biết Ngài rất anh linh bèn phong là “Linh Lang Đại vương Thượng đẳng thần”, truyền cho dân phường Thị Trại (tức làng Thủ Lệ) lập đền thờ. Cứ đến ngày sinh hóa xuân thu nhị kỳ, các quan triều thần phải ra tế lễ và ban chiếu khắp trong nước, nếu nơi nào có dấu cờ phải lên thành Thăng Long chép duệ hiệu về thờ, cộng tất cả có 170 nơi đền thờ.
Đình Lâm Du hiện trạng gồm Tam quan xây bằng gạch dạng trụ biểu, đỉnh trụ là hình 4 chim Phượng chụm đuôi tạo thành 4 ô lồng, bên dưới trang trí các hình tứ linh, tứ quý đắp bằng vôi vữa.
Đình cũng có mặt bằng chữ đinh. Đại đình 3 gian 2 dĩ, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài dày, bờ nóc đắp Rồng chầu mặt nguyệt. Các bộ vì giống nhau kiểu vì kèo quá giang. Cửa sổ bức bàn mở thông ra sàn gạch nhỏ. Cảnh quan khu vực tạo không gian u tịch, tĩnh lặng và ấm cúng. Các công trình kiến trúc của đình dù mới được tu sửa lại, nhưng đó là công sức của nhân dân địa phương đóng góp từ sự tự nguyện công đức của các dòng họ được xây dựng trên một khuôn viên nhỏ khoảng 300m2 trong quần thể đền, chùa, miếu. Tuy khuôn viên của đình Lâm Du không lớn, song nằm ở trung tâm làng thuận tiện giao thông và bên cạnh là chùa và đền nên có điều kiện không gian để tổ chức lễ hội. Các hình tượng nghệ thuật dân gian thường gặp ở các ngôi đình làng khác cũng được bàn tay người thợ hiện đại thể hiện một cách sáng tạo như Rồng chầu mặt nguyệt trên bờ nóc nhà Đại bái, Lân, Phượng trên trụ biểu cổng ngoài… Tất cả đều biểu trưng truyền thống đề cao học vấn và giữ được ý nghĩa kiểm soát tâm linh người hành hương khi vào di tích, duy trì phát triển một trật tự cư dân trong cộng đồng.
Đình Lâm Du nằm trong quần thể di tích Bồ Đề và nằm trong tuyến tham quan du lịch trên sông Hồng từ Hà Nội đi Bát Tràng. Tất cả các thôn ở xã Bồ Đề thờ 10 vị Thần làm Thành hoàng. Ái Mộ thờ Thục Phán An Dương Vương (257 – 208 trước Công nguyên), Ngọc Lâm thờ Linh Lang thời Lý (tương truyền là hậu thần của Uy Linh Lang). Đình Lâm Du theo truyền thuyết thờ Linh Lang thời Trần tức Hoàng tủ Uy Đô con vua Trần Thánh Tông (1256 – 1378). Uy Đô bỏ nhà đi tu đắc đạo trở về Thăng Long và có công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông được phong làm Dâm Đàm Đại vương. Ngoài ra đình còn thờ Uy Vũ phi Tiên và Công chúa Liễu Hạnh. Liễu Hạnh là một trong “Tứ bất tử” (Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đồng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh công chúa) trong Thần điện người Viết. Bà còn có các tên gọi khác là Mẫu Sòng, Mẫu nghi thiên hạ, Mẫu Phủ Giầy…
Trong khu vực Bồ Đề còn có di tích thu hút đông đảo Phật tử, tín đồ và khách du lịch, đó là đền Ghềnh. Du khách hành hương đến đền Ghềnh lễ Mẫu Thoải, Liễu Hạnh công chúa và Ngọc Hân công chúa (con gái vua Lê Hiển Tông (1 740 – 1786), vợ vua Quang Trung). Sau khi qua đời, mẹ bà là Trang Ý (tục gọi là Bà Nành) xin hài cốt con về mai táng ở Phù Ninh, tức xã Ninh Hiệp (Gia Lâm) nhưng có kẻ phát giác nên vua Minh Mạng cho người đào cốt của Ngọc Han đem vứt xuống sông Hồng đoạn Ái Mộ (đền Ghềnh bây giờ). Đền Ghềnh xây dựng năm 1859. Đình, chùa Lâm Du có trong lịch sử hình thành phát triển cùng với sự phát triển làng xã cư dân Bồ Đề, sống cho dù đình Lâm Du mới được xây dựng lại năm 1993, nhưng vẫn bảo tồn được nét đẹp cổ kính và hấp dẫn du khách tham quan bởi giá trị văn hóa cộng đồng được người Lâm Du chăm sóc, phát huy.
[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/11/Dinh-Lam-Du-2.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh lam du.docx”]
Hits: 1760