ĐÌNH ĐẠI MỖ

Ngôi đình làng Đại Mỗ muộn nhất cũng được xây vào đầu thế kỷ 18, bên trong thờ Ả Lã Nàng Đê (một tướng của Hai Bà Trưng) và 4 vị thành hoàng khác, ở xóm Ngang, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Tên nôm vùng này là Kẻ Mỗ, gốc từ chữ Mụ. Đất Mỗ có lịch sử hơn 2000 năm; dưới thời Hùng Vương còn ở ven biển, dần dần cát bồi, rừng phủ kín. Năm 557 Lý Phật Tử từng ngự quản ở đây. Năm 621, nhà Lương lập huyện Từ Liêm. Đến cuối thời Lê, Kẻ Mỗ cùng 3 làng Ngọc Trục, Giao Quang, An Thái đều thuộc xã Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây.

Sang thời Nguyễn, tổng Thiên Mỗ được lập, sau lại đổi thành tổng Đại Mỗ; gồm 7 xã, thôn: Thiên Mỗ, Tây Mỗ, Vạn Bảo (Giao Quang bây giờ), Mộ Lao, Ngọc Trục và Hồng Đô, Phùng Quang (Trung Văn). Năm 1831, tổng thuộc huyện Hoài Đức, phủ Hoài Đức, từ tỉnh Sơn Tây chuyển sang Hà Nội. Năm 1888, phủ Hoài Đức cắt về Hà Đông, sau đó dù có nhiều thay đổi nhỏ nhưng xã Đại Mỗ vẫn thuộc tỉnh này.

Xã Đại Mỗ từ ngày 19-2-1964 thuộc về huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Rồi ngày 1-4-2014 trở thành phường Đại Mỗ, thuộc quận Nam Từ Liêm. Vị trí: phía bắc giáp phường Phú Đô và Mễ Trì; phía tây giáp phường Tây Mỗ; phía đông giáp phường Vạn Phúc; phía nam giáp phường Dương Nội. Diện tích 498 ha, dân số 26.741 người, mật độ 5.368 người/km², chia thành 9 xóm.

Xã có đến 12 di tích quốc gia. Ngôi đình làng Đại Mỗ tọa lạc tại xóm Ngang, trong thờ 5 thành hoàng gồm: Đức Thủy Hải Long Vương, Ả Lã Nàng Đê (1 nữ tướng của Hai Bà Trưng được thờ ở rất nhiều nơi) và tam vị Đại vương họ Nguyễn tức ba cha con, ông cháu của tể tướng Nguyễn Quý Đức (1648-1720). Cả 5 vị này đều được thờ ở các làng thuộc xã Đại Mỗ cũ.

Dáng vẻ hiện nay của đình Đại Mỗ mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn sau nhiều lần trùng tu. Hai bên đình là hàng cây ven 2 ao nhỏ và ở hướng nam phía trước mặt có một hồ nước hình chữ nhật với chiếc cầu bắc ra đảo nhỏ dưới bóng cổ thụ. Cổng đình xây kiểu nghi môn với 4 cột trụ cao to và 2 cửa phụ mở ra đường làng rộng rãi.

Sau cổng đình là sân gạch lớn đưa du khách đi thẳng đến 2 dãy giải vũ 3 gian 2 chái, nay dùng làm nhà văn hóa, nơi thường tổ chức tập múa hát dân gian. Cuối sân có bậc đá dẫn lên thềm đình. Đình gồm tiền đường 5 gian để mở, kiểu 2 tầng 8 mái, được xây song song theo hình “chữ Nhị” với trung đường 5 gian 2 dĩ, cửa gỗ bức bàn. Hậu cung nhỏ hơn ở phía sau, kết nối với trung đường thành hình chuôi vồ. Điều đặc biệt là ở mỗi cây cột từ ngoài vào đến trong đình đều có ít nhất một câu đối.

Hội đình làng Đại Mỗ được tổ chức hàng năm từ ngày 10 đến 11 tháng giêng âm lịch. Theo truyền thống, mở đầu là lễ rước kiệu đến đền Hàm Rồng để nghinh thỉnh thánh về tế lễ tại đình, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi nhà ấm no hạnh phúc. Sau đó diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: đánh đu, bịt mắt bắt lợn, kéo co, bắt vịt và hát múa v.v…

Đền Hàm Rồng tọa lạc ở phía đông tại một khu đất cao rộng trên mặt đê, thuộc làng Giao Quang tức Kẻ Quánh. Trước cửa đền là nơi hợp lưu của dòng sông Nhuệ và ngòi Tùng Khê. Sau đền có cây cầu đá Thiên Khánh bắc qua con ngòi nên còn gọi là Cầu Đá hay Cầu Ngòi. Đền xây từ lâu đời, bên trong thờ đức Thủy Hải Long Vương và Ả Lã Nàng Đê. Xung quanh đền có nhiều cổ thụ, một cây duối nghe nói đã gần 600 năm tuổi mà hiện vẫn xanh tốt.

Ngày 21-6-1993 đình (và chùa) làng Đại Mỗ đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đình-Đại-Mỗ.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh dai mo.docx”]

Hits: 3891

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *