Chùa Thượng Phú Đô có từ thế kỷ 18, tên chữ Tăng Long Tự. Địa chỉ: phố Phú Đô, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Phường Phú Đô có diện tích rộng 239 ha, dân số năm 2013 là 13.856 người, mật độ dân cư đông tới 5.797 người/km2. Ruộng đồng ao vườn của ngôi làng cũ ngày nay đã hầu như mất hết dấu vết và biến thành một khu vực nhà cửa lô nhô, chen chúc ngay mạn bắc đại lộ Thăng Long, trải dài từ ngã ba phố Lê Quang Đạo đến cầu sông Nhuệ.
Phường mới được thành lập ngày 01-04-2014 trên cơ sở phân chia xã Mễ Trì cũ thành 2 phường Phú Đô và Mễ Trì (ở phía đông). Phường Phú Đô giáp 2 phường Đại Mỗ và Tây Mỗ ở phía tây, phía nam giáp phường Trung Văn, phía bắc giáp phường Mỹ Đình I, những phường này cũng đều thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Thôn Phú Đô với những di tích như ngôi đình làng, chùa Trạm và đặc biệt chùa Tăng Long Tự hiện vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn các bằng chứng rõ rệt, ít ra đã có từ thời Lê mạt. Tương truyền nơi đây con gái gót đỏ, con trai thì ngực đỏ nên trước kia làng có tên Hồng Đô, về sau giàu lên mới đổi là Phú Đô. Ngày 22-4-1992 chùa Tăng Long Tự đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Các bậc phụ lão ở đây vẫn thường kể lại sự tích làng Phú Đô cho con cháu nghe. Xưa có vị tướng Ông Hoàng trong một lần từ chiến trường trở về đã gặp bên đường hai chị em xinh đẹp hát hay của làng này, liền ép làm vợ, gọi là hai Bà Hoàng. Sống trong giàu sang nhưng mãi sau đó họ vẫn buồn tủi vì không có con. Một ngày kia hai bà bèn vứt thanh bảo kiếm xuống giếng, thề độc rằng “con gái làng mà lấy chồng xa sẽ lận đận, có con thì không có của và ngược lại; còn nếu lấy về làng thì sẽ được sung sướng”. Người dân tin rằng lời thề ấy đã từng rất linh nghiệm và cho đến nay vẫn đúng.
Ngôi chùa Tăng Long Tự xoay mặt về hướng nam, tọa lạc trên một khoảnh đất cao ráo và rộng rãi ở vị trí giữa làng Phú Đô nên còn gọi là chùa Thượng Phú Đô. Từ xa du khách đã có thể nhìn thấy tam quan đồ sộ xây kiểu hai tầng tám mái của chùa. Cổng giữa khá rộng, đủ cho ô tô ra vào, gác trên treo một quả chuông đồng mới đúc, bên dưới còn đang đặt tạm 9 tấm bia đá cổ gồm các loại to nhỏ khác nhau.
Sau tam quan là một sân gạch rồi đến 5 bậc đá dẫn lên thềm tiền đường, bên tả là tường hoa thấp ngăn với khu vườn dài có 3 ngôi tháp mộ, bên hữu có bức tường cao cạnh lối đi vào sân giữa và sân hậu. Tiền đường gồm 3 gian cửa gỗ bức bàn và 2 dĩ, kết nối với hậu cung thành hình chuôi vồ, các góc mái đều có cột đỡ hình tròn. Không gian bên trong rộng rãi, bày đầy đủ hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông, ngự trên nền cao. Hậu cung sâu 3 gian, có cửa ngách mở ra hàng hiên hẹp nhưng dài, bao quanh cả ba phía.
Mặt tây của tiền đường và hậu cung giáp liền một sân gạch rộng hơn, nhìn sang ngôi nhà Mẫu đối diện rộng 5 gian và cũng có kết cấu hình chuôi vồ với hàng hiên cùng các cột đá hình vuông. Trong nhà Mẫu có chính điện thờ Tam phủ, bên tả là ban thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, bên hữu có ban Sơn trang. Sân giữa giáp với sân sau và lối dẫn vào các khu nhà Tổ, nhà Ni… Tất cả các công trình lớn trong chùa đã được trùng tu hoặc mới xây cách đây không lâu. Các bức tượng, hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Phú Đô có tục lệ tổ chức lễ hội làng với quy mô rất lớn, cứ 5 năm diễn ra một lần vào ngày 8 tháng Giêng âm lịch. Tất cả các hộ đều đóng góp tiền của, công sức và thời gian để chuẩn bị. Trong dịp lễ, dân làng cùng hàng trăm thanh niên nam nữ khỏe mạnh trẻ đẹp tham gia vào đám rước kiệu Đức Thánh Cả (tức Ông Hoàng) và 2 Bà Hoàng từ đền thờ về chùa.
Các nghi lễ được diễn ra trang trọng tại sân chùa Tăng Long Tự và bãi Tế Yến. Đáng tiếc rằng bãi này không biết từ bao giờ đã trở thành một nơi họp chợ nhếch nhác và số lượng hàng quán mọc lên xung quanh càng ngày càng đông mặc dù chính quyền địa phương đã từng yêu cầu dời đi đến một nơi khác theo quy hoạch.
[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Chùa-Thượng-Phú-Đô.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua thuong phu do.docx”]
Hits: 1977