ĐÌNH – ĐỀN ĐỊNH CÔNG THƯỢNG

Tại số 305 phố Bùi Xương Trạch (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) hiện nay có đình làng Định Công Thượng – thờ Hoàng Công, con vua Hùng thứ 17 – nằm cạnh ngôi đền thờ 3 vị tổ nghề kim hoàn.

Đình Định Công Thượng

Đình làng Định Công Thượng cũ được xây dựng vào khoảng đầu thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17). Bên trong đình thờ Hoàng Công, (còn gọi là chàng Sơ) con vua Hùng thứ 17 (Nghị vương) và bà Xuyến Nương. Dưới đời vua Hùng thứ 18 (Duệ vương), ngài được cử đi dẹp ở vùng châu Hoan, châu Hàn (?), châu Đồng Hỷ (?), bắt sống được nhiều tướng giặc. Khi trở về ngài đã qua Định công và làm lễ khao quân. Thời An Dương vương, ngài thống lĩnh thủy quân, trấn giữ Quảng Đông 5 năm rồi bị gọi về nước, dọc đường mất ở cửa bể Bích Hải.

Vị thành hoàng thứ hai là Đoàn Thượng, quê Hồng Châu, ngài từng khởi binh phản Trần, phục Lý và còn có công chữa khỏi bệnh dịch cho dân chúng vùng Định Công.

Đình Định Công Thượng quay mặt về hướng tây-nam nhìn ra một ao nước hình chữ nhật. Tam quan xây kiểu nghi môn tứ trụ, trước sân đình là một tấm bình phong đắp cuốn thư. Bên hữu sân đình là một nhà giải vũ 3 gian. Trong vườn có nhiều cây cối che mát.

Đại bái rộng 5 gian, cửa bức bàn, “tường hồi bít đốc”, gồm 6 bộ vì, kết nối với hậu cung 3 gian thành hình chuôi vồ. Nhiều bộ phận kiến trúc được trang trí bằng các hình hoa dây, cánh sen, vân mây, tứ quý và điển tích Phật giáo. Đặc biệt ở mảng chạm gỗ có những tác phẩm mô tả Phật tích và ông tiên ngự trên tòa sen, mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ 17.

Đền Định Công Thượng

Đền Định Công Thượng ở sát mé bên tả đình, cùng nhìn về hướng tây-nam. Giữa đình và đền là một sân lớn và con ngõ 305 thông ra đường làng, nay là phố Bùi Xương Trạch. Phía trước đền có một ao đối xứng qua ngõ 305 với ao đình. Đường dẫn khách vào đền đi dưới những bóng cổ thụ. Nơi đây thờ 3 vị tổ nghề kim hoàn: Trần Triều, Trần Điệu và Trần Hoàn, chuyên về đồ trang sức mỹ nghệ loại nhỏ như hoa tai, xuyến, hột vòng.

Tòa tiền tế gồm 5 gian nhỏ, mái kiểu chồng diêm, cùng hậu cung 3 gian làm thành hình chuôi vồ. Hậu cung có 2 bộ vì kiểu chồng giường, không cột, dựa vào tường. Các bộ phận được chạm trổ hình hoa lá. Chân tảng đá hình vuông, chạm sừng tê bảo ngọc. Trong đền còn có kiệu bát cống, bia đá, khánh cổ, cùng cửa võng, đại tự, hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị và rương cất giữ sắc phong, thần phả.

Ngoài ra, trong ngõ 342 Khương Đình hiện nay còn có một di tích quốc gia khác là ngôi mộ của danh nhân Đặng Trần Côn (1715?-1751), người làng Mọc Hạ Đình, tác giả trường ca “Chinh phụ ngâm khúc”.

Ngày 20-7-1994, đình và đền Định Công Thượng đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đình-Đền-Định-Công-Thượng.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh den dinh cong thuong.docx”]

Hits: 2327

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *