MƯỚP HƯƠNG QUỲNH LÔI

Chắc chắn là ai cũng được biết ăn mướp nhất là quả mướp mùa hè nấu với rau đay rau mồng tơi, ăn vào thật là mát ruột. Mướp dễ trồng, là nháp, hoa vàng rực rỡ, nụ mướp tròn như cúc áo the thâm các cụ xưa. Dây mướp chưa phủ kín dàn đã ra hoa.

Ong bướm dập dìu đến hút nhuỵ ngay từ những bông hoa đầu thưa thớt. Chúng dính chân lên phấn hoa đực vô tình vương rơi lên hoa cái, thế là ít ngày sau đã kết thành quả, cứ thế trái mướp dài to dần như cánh tay bụ bẫm của bé lên ba. Quả mướp ra đầu không mấy khi ngắt ăn, thường giữ lại trên cây, cho đến khi khô héo lấy hạt làm giống, còn xơ thì cắt từng khúc để rửa bát. Mướp có hai giống: mướp trâu và mướp hương. Mướp trâu quả to và dài, vỏ hơi xù xì và có màu xanh thẫm, xấu mã không có mùi thơm nhưng ăn vẫn ngon. Phần lớn mướp bán ngoài chợ đều là loại mướp thường này. Mướp hương quả nhỏ hơn không dài lắm, vỏ màu vàng nhạt thoang thoảng mùi thơm nên ai cũng thích.

Nổi tiếng ở Hà Nội là mướp hương Quỳnh Lôi đặc sản của một vùng giáp ranh một thành. Mướp hương Quỳnh Lôi ngắn quả vỏ mỏng ruột đặc gần như không có hột. Dây mới leo tới dàn đã có quả nhưng không sai như mướp thường. Cái gì quý cũng hiếm đó là quy luật sinh tồn. Nhiều người ở xa nghe tiếng mướp Quỳnh Lôi cất công tìm đến mua giống. Mang hạt về trồng cũng lên cây hoa kết trái nhưng chẳng còn hương thơm như mướp gốc Quỳnh Lôi mà đã biến thành mướp thường. Có người nghi ngờ chủ vườn cố ý giữ giống nên bị lừa. Không đâu. Có ngừoi cẩn thận không mua hạt khô mà mua luôn cả quả già tự tay hái lấy mang về trồng, kết quả cũng vậy. Người ta bảo đó là tại đất. Chỉ có đất Quỳnh Lôi mới trông được giống mướp hương này. Đông Anh, Sóc Sơn, Từ Liên, Gia Lâm đều thuộc vùng đất bao quanh Hà Nội thế mà cũng chưa bao giờ có giống mướp hương. Cũng như bưởi Đoan Hùng chỉ có làng Chỉ Đám mới có bưởi ngon, làng sát bên lấy giống về trồng vẫn ra thứ bưởi khác không ngọt nữa. Đúng là do chất đất rồi. Vẫn là thứ “gien” ấy vậy mà sao lại biến chất đi? Chưa thấy nhà khoa học thực vật nào giải thích hiện tượng này. Mướp hương Quỳnh Lôi càng trở nên quý hiếm khiến cho người ăn nghĩ ra nhiều món lạ để tận hưởng cái giá của mướp hương.

Mùa hè, canh cua đồng nấu với mướp hương Quỳnh Lôi lẫn với rau rút Khương Thượng, nồi canh vừa mở vung đã sực mùi thơm của mướp, hăng hắc mùi rau rút. Cả hai thứ đều thơm bám vào nhau cuồn cuộn bốc lên trong hơi khói, đứng xa cũng ngửi thấy mùi. Bát cơm ăn dở đã nguội, chan võng nước canh vào gắp thêm mấy lát mướp hương một cuộng rau rút ăn trôi tuồn tuột ngọt mát tới tận đáy ruột. Trước khi đứng dậy còn tham lam húp thêm lưng bát nữa mà vẫn còn thêm. “No bụng đói con mắt” là thế đấy. Mướp hương “hợp tác” với rau đay hoặc là “liên kết với mồng tơi” hay là cả ba thứ rau “liên doanh” với nhau nấu suông thôi cũng dễ ăn nhưng phải có nước mắm ngon, mì chính nêm vào mới đủ ngọt và phải kèm theo và pháo nén giòn mới là đồng bộ.

Nụ mướp hương xào lòng gà tuy không thơm bằng chính quả mướp nhưng nụ mướp xào lúc chín vẫn rắn chắc không mềm nhũn như lát mướp làm chi người ăn thấy ngay cái chất bùi béo của nụ mướp, mềm dẻo của gan gà, rắn cứng của mề và dai dai của lòng non. Thế nhưng, muốn tận hưởng cái chất thơm tinh tuý của mướp Quỳnh Lôi cách duy nhất là xào với ếch. Mướp xào lẫn giá đỗ thêm ít miến dong hoặc bánh đa khô thái sợi, giội nước xâm xấp ăn cũng lạ miệng vì mỗi thứ có độ mềm khác nhau, gây cảm giác bất ngờ thú vị. Nhiều khi lỡ bữa hết củi thiếu than, trong chạn chẳng còn thứ gì đành phải luộc. Mướp luộc không thể là món ngon nên phải chấm với muối vừng cho đỡ. Có lẽ ngon nhất vẫn là mướp hương Quỳnh Lôi xào với “gà đồng”. Không thể có món nào ngon hơn.

Hits: 262

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *