ĐÌNH TÔ KHÊ 

Đình Tô Khê là tên gọi theo địa danh của làng là làng Tô Khê, xã Phú Thị. Đình thờ hai vị thành hoàng làng là Trần Văn Xương và Trần Văn Khúc, hai vị tướng tài của Phù Đổng Thiên Vương, người anh hùng dân tộc với chiến công bất hủ chiến thắng giặc Ân xâm lược.

Truyền thuyết kể rằng: “ Vào thời kỳ Văn Lang đến đời vua Hùng vương thứ 6, bọn giặc Ân từ phương Bắc tràn sang xâm lược nước ta. Vua Hùng xuống chiếu chiêu mộ người hiền tài ra giúp nước đánh đuổi giặc ngoại xâm. Vua cho sứ đi rao, khắp 15 bộ đều hưởng ứng. Hồi đó, hai anh em Trần Văn Xương và Trần Văn Khúc sinh quán tại huyện Thanh Xuân (nay là Thọ Xuân, Thanh Hoá) vốn làm nghề thôi dưỡng ngư lưu thuỷ (nuôi cá) ra hưởng ứng xin đứng đầu quân. Hai ông được lĩnh chức tướng tiền phong cùng với Phù Đổng Thiên Vương đi dẹp giặc. Hai ông cùng quân sỹ trong đó có tráng đinh làng Tô Khê chém đầu giặc là Thạch Linh thần tướng lại vùng Vũ Linh (Tiên Du –Bắc Ninh) ngày nay. Dẹp xong giặc ông Gióng trở về trời còn hai ông Trần Văn Xương và Trần Văn Khúc lui về đất Tô Khê đóng quân vì có dòng họ Bùi ở Thanh Hóa ra khai khẩn đất lập thành làng, được nhân dân đồng hương trong làng ủng hộ xây thành đắp lũy. Hiện nay còn các di tích như thành Tô Khê, vườn thánh, kho vàng, đằng quàn, ao quan…. Dân gian còn truyền bài vè:

“Suốt tháng năm chặng đường lịch sử

 Hùng nối hùng trị quốc an dân

Vành đai thép chắn đông nam

Thành Tô Khê vẫn vững vàng tiến quân”

 Hai ông lập được nhiều công lao to lớn. Giặc tan, xét công lao, vua ban cho hai ông là “Huynh đệ nguyên soái lưỡng thần”. Hai ông đóng quân tại Tô Khê đến ngày 9/9 năm Tân Mùi thì mất do 2 con rắn vàng cắn. Nhân dân Tô khê lập nghè Đằng Long hướng vọng loa thành thờ hai ông”. Ngôi đình (Nghè) khi mới xây còn làm bằng tre lứa, lợp rạ. Mãi đến đời Hậu Lê mới tu bổ và dựng ngôi đình như ngày nay.

Do công lao của hai ông nên ba triều Lê – Tây Sơn – Nguyễn đã ban sắc phong thần để làng Tô Khê phụng thờ. Hiện nay tại đình còn bảo lưu được 18 đạo sắc phong. Sắc phong sớm nhất là bản sắc phong năm thứ 4 niên hiệu Chính Hòa đời vua Lê(1683) phong cho hai ông là “Bảo hựu hộ dân thông minh dũng lược đại vương”. Sắc phong muộn nhất niên hiệu Khải Định năm thứ 9 triều Nguyễn(1925) phong cho hai vị là “Trung Đẳng thần”.

Đình Tô Khê bố cục hình chữ nhị, quay về hướng Tây. Nhìn ra phía trước là một hồ sen rộng gọi là ao đình, tiếp giáp ao đình là sân đình rồi đến tiền tế, nội cung, ngoại cung. Kiến trúc toà tiền tế xây theo kiểu đầu hồi bít đốc lòng chia làm năm gian. Bộ vì làm kiểu quá giang cột chốn. Toà nội, ngoại cung còn bảo tồn được nhiều kiến trúc và di vật có giá trị kiến trúc nghệ thuật điêu khắc cổ điển. Nội, ngoại cung bố cục chạy song song với tiền tế, không gian bên trong chia ba gian. Bộ vì khung làm bằng gỗ lim, làm theo kiểu vì kèo quá giang, hai đẩu quá giang gác lên tường, trên lợp ngói di. ở ngoại cung còn bảo tồn được bốn bức cốn gỗ chạm nổi hình “tứ linh” rất có giá trị. Các cốn thể hiện đề tài long- ly- quy – phượng. Các hình tượng phân chia khá đều trong một bố cục hài hòa, bằng phương pháp chạm lộng, chạm nổi trên là hình chim phượng, kế đến là rồng rồi lân. Long mã chở hà đồ dưới cùng thể hiện rùa, hoa sen, cùng các lớp sóng uốn lượn, đáng chú ý nhất trong đình Tô Khê là những nét độc đáo trong phong cách thể hiện rồng. Mỗi con rồng ở đây có bốn lớp tóc, mắt lồi, trán nổi u, đầu có sừng, trên trán và thân trang trí như vẩy cá, thân rồng uốn lượn mềm mại, phần trên thân rồng uốn cong lên chạy sát mái tạo cảm giác rồng vồng lưng đỡ đòn tay trông rất ngoạn mục, tạo cảm giác vững chắc của kiến trúc tôn giáo.

Phần dưới thân rồng cuộn lại ôm lấy hình lân, long mã rồi chạy xuống dưới, thân rồng uốn lượn bồng bềnh theo chiều dốc của triền mái. Đuôi xoắn tỏa ra mềm mại, cụm đuôi chia thành bảy túm lông, uốn ba khúc. Các hình ảnh trên lại được phụ họa bởi các lớp sóng bạc đầu ở phía dưới tạo cảm giác như rồng, phượng, lân, long mã, rùa đang đùa giỡn trên làn sóng bạc đầu ba lớp trông rất đẹp mắt. Đây là những tác phẩm điêu khắc rất có giá trị của mỹ thuật thời Nguyễn thế kỷ XIX.

Đình Tô Khê còn bảo lưu được khối lượng hiện vật phong phú đa dạng bao gồm đủ các chất liệu gỗ, kim loại, gốm, sứ, đá… Đáng chú ý là bộ sưu tập hiện vật gỗ sơn son thiếp vàng mang giá trị nghệ thuật cao như bốn bức cốn, bộ kiệu bát cống, bộ bát bửu, chấp kích và 18 bản sắc phong của các triều Lê, Tây Sơn và triều Nguyễn là nguồn tư liệu quý hiếm cần được bảo tồn.

Đồ gỗ ở đình Tô Khê phần lớn được chạm trổ và sơn son thiếp vàng rực rỡ. Trong đó có bức đại tự bằng gỗ sơn sơn thiếp vàng đề bốn chữ Hán “Thiên cổ anh phong”, góc bên phải, phía trên khắc dòng chữ nhỏ đề niên hiệu chạm khắc bức đại tự “Khải Định Bính Thìn” (bức đại tự được khắc năm Bính Thìn niên hiệu vua Khải Định 1916). Diềm chạy xung quanh chạm khắc bằng cách thể hiện hoa văn hình học cách điệu thành hình hoa lá, một lối chạm khắc phổ biến của thời Nguyễn.

Hai bộ bát bửu và chấp kích bằng gỗ thiếp vàng lộng lẫy. Ngoài ra còn hai tấm biển đề chữ Tĩnh túc (nghỉ chân) và Hồi tị (lùi lại). Nhóm hiện vật gỗ đều được chế tác theo một hình thức xung quanh chạm rồng “lưỡng long chầu nguyệt”, hổ phù. Rồng thể hiện mắt lồi, trán cao, mũi nổi tròn trên đầu có sừng kiểu sừng dê, quanh hàm dưới là những hàng râu hình vảy cá, hai bên má có các vòi, tóc hất ra phía sau, trên đầu và thân điểm những hàng vẩy, lưng có vây. Thân rồng gầy uốn lượn, đuôi xoắn mang phong cách điêu khắc điển hình thời Nguyễn.

Bên cạnh đó trong đình còn lưu giữ hai thanh kiếm cổ thờ thế kỷ XIX, một hương án hình hộp chữ nhật, xung quanh chia làm nhiều lớp trang trí. Các hình chạm khắc phân bổ theo dải ngang đề tài trang trí chủ yếu là hoa lá, rồng, phượng. Rồng trang trí tương tự như trang trí trên bộ bát bửu, ngoài ra còn có chạm rồng kiểu hoa lá văn hình học cách điệu “lá hóa rồng”, đuôi, chân và các vòng xoắn đều cách điệu thành hình hoa lá.

Một cỗ kiệu bát cống lớn, hai long ngai, bốn bài vị, hai ỷ thờ, một cỗ long đình mui luyện, một long ngai nhỏ, một giá văn bằng gỗ sơn son. Bộ kiệu bát cống gồm tám thanh đòn. Bốn thanh bên dưới cũng chạm hình rồng kiểu rồng mắt lồi, trán nổi u, mũi tròn. Trên đầu rồng thể hiện bốn lớp tóc. Trên đòn kiệu còn thể hiện hình rồng hút nước, yếm kiệu bên dưới trang trí hình hổ phù. Hai đòn ngang trang trí hai đầu rồng quay hai phía, rồng được thể hiện như ở bốn đòn dưới, yếm của đòn ngang trang trí hai con phượng ở phía dưới, hổ phù đặt ở giữa yếm. Hai càng trên đòn to và đẹp nhất trang trí hai con rồng, phía trước là đầu rồng phía sau là đuôi rồng. Giữa thân rồng là nơi đặt long ngai, bài vị đề tài trang trí tương tự như những con rồng đã miêu tả ở trên nhưng hoành tráng hơn. Đầu rồng có bẩy lớp tóc xen lẫn văn xoắn hất ra đằng sau. ở mỗi phía của đòn kiệu thể hiện một chú rồng nhỏ quay vào thân kiệu, đuôi xoắn ẩn trong mây, miệng cuốn thủy, một con cá chép nhô lên mặt nước hướng về miệng rồng.

Hai long ngai thể hiện sáu rồng ở hai bên, hai đầu ngai chạm hình rồng lớn, trên đầu có bốn túm tóc hất ra sau, thân có vẩy, lưng có vây uốn lượn, đuôi xoắn sáu gióng ở giữa chạm rồng nổi. Đế ngai trang trí nhiều lớp trong ổ hộc, đáng chú ý là những ô trang trí hình tứ linh trông rất hài hòa hấp dẫn. Trong mỗi long ngai đặt một bài vị bên trong là cỗ ỷ thờ sơn son thiếp vàng, hai thành bên chạm hình rồng, mây, rồng đuôi xoắn, lưng dương lên một hàng vây, thân uốn lượn. Phía dưới ỷ chạm thủng trong ô hộc các hình phượng xòe cánh, hoa lá dây cách điệu, bốn góc thể hiện hình hổ phù, mây nước. Giữa các mặt cũng thể hiện hình hổ phù. Bộ ỷ, ngai và sập thờ ở đình Tô khê được chạm khắc công phu và sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Đây cũng là những hiện vật nghệ thuật có quy mô lớn của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XIX.

Cỗ long đình mui luyện có bốn góc mái chạm hình rồng. Thân gồm hai lớp chạm thủng hình hoa lá hóa rồng. ở hai diềm bên là hoa chanh bốn cánh. Hai thành bên chạm hình rồng xoắn, yếm chạm lưỡng long chầu nguyệt trên nền sóng nước. Đầu rồng có bốn lớp tóc, đuôi xoắn mềm mại trên mặt nguyệt thể hiện năm đao bốc lửa, dưới là văn mây.

Ngoài bộ hiện vật gỗ và bộ sắc phong có giá trị lớn đã nêu trên, đình còn lưu giữ nhiều hiện vật khác như lọng, cờ, hai tấm bia đá….

Đình Tô Khê là nơi sinh hoạt văn hoá truyền thống tốt đẹp từ xa xưa. Đồng thời là nơi gắn bó tình cảm cộng đồng làng xã, kết thành một khối thống nhất. Thông qua ngày lễ hội hàng năm những truyền thống văn hoá tốt đẹp được bộc lộ. Từ việc phụng thờ những người có công đánh giặc giữ đất, giữ làng, nâng cao lòng tự hào dân tộc, giáo dục các thế hệ trẻ trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Về mặt lịch sử đình thờ những người có công với nước là Trần Văn Xương và Trần Văn Khúc. Đây là một tư liệu quý báu cho việc tìm hiểu lịch sử nước nhà giai đoạn Hùng Vương thứ 6 nói chung và cuộc kháng chiến chống giặc Ân nói riêng. Về giá trị nghệ thuật, kiến trúc đình đã trải qua nhiều lần tu sửa, tuy vậy phần nội ngoại cung của đình vẫn giữ được những bức cốn chạm nổi hình tứ linh và long mã rất đẹp và có giá trị. Bộ sưu tập hiện vật ở đình còn nhiều hiện vật có giá trị thẩm mỹ cao. Bên cạnh đó đình còn bảo lưu được 18 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn.

Đình Tô Khê xứng đáng là một di tích lịch sử nghệ thuật cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Đình được Bộ Văn hoá Thông Tin ra quyêt định xếp hạng là Di tích Nghệ thuật ngày 16 tháng 1 năm 1995.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Đình-Tô-Khê-Phú-Thị.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh to khe phu thi.docx”]

Hits: 1220

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *