Đình Ninh Giang thuộc xóm 8, xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích Kiến trúc – Nghệ thuật theo Quyết định số 3744 – QĐ/BVHTT ngày 29/11/1997.
Theo bài văn được ghi trên tấm bia “Hậu thần bia ký” thì đình được xây vào năm Ất Tỵ (1605) và hoàn thành năm 1607. Đình được trùng tu sửa chữa lớn vào năm Minh Mệnh thứ 5 (1825). Nhà phương đình (hay nhà tiến tế) được xây dựng vào năm 1910. Trong suốt thời gian dài tồn tại sau này, những lần trùng tu sửa chữa của di tích không được ghi lại.
Đình Ninh Giang được xây dựng nhằm đáp ứng hai chức năng là trung tâm sinh hoạt văn hoá, việc làng, việc xã và là nơi thờ phụng vị thần có công với nước, với dân, bảo vệ cuộc sống của dân làng theo tín ngưỡng thành hoàng.
Đình Ninh Giang là nơi thờ tự và tưởng niệm thần Nguyễn Nộn. Đây là một nhân vật có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những công tích của ông đã được ca ngợi, truyền tụng trong nhân dân, trong sử sách, ông đã được các triều vua ban sắc phong tặng là Hoài Đạo Vương rồi Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương và cho phép nhân dân lập đền thờ phụng ở nhiều nơi.
Sách Đại Việt Sử ký toàn thư, Việt sử lược – tác phẩm khuyết danh đời nhà Trần, Thần tích đình Công Đình, Ninh Giang đã nói khá nhiều đến nhân vật Nguyễn Nộn. Nguyễn Nộn người làng Phù Đổng (tổng Phù Ninh), nổi dậy vào cuối thời nhà Lý. Khi nhà Lý suy thoái, ông trở lại quê nhà làm nghề bốc thuốc, chữa bệnh cho dân, mở trường dạy học, khai thông dân trí, xây dựng phòng tuyến ở Ninh Giang, Công Đình, phòng khi nhà Trần đến xâm phạm. Khi nhà Trần được kiến lập, (1226), biết Nộn là người yêu nước có tài, vua Trần đã phong tước cho Nguyễn Nộn là Hoài Đạo Vương (Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương), gả công chúa Nguyễn Thiều và giao nhiệm vụ cầm quân đi dẹp một số thủ lĩnh cát cứ ở địa phương, thống nhất đất nước. Sau một thời gian (1229) ông ốm nặng và mất tại quê nhà, nhân dân quanh vùng, những nơi ông đóng quân, mở trường dạy học, chữa bệnh cho dân đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ông.
Việc phụng thờ thần Nguyễn Nộn làm thành hoàng là thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn. Cách ứng xử đẹp đẽ để đến với quá khứ, những giá trị tinh thần ấy cần được bảo tồn và phát huy cho các thế hệ kế tiếp sau. Ngoài việc thờ thần Nguyễn Nộn làm thành hoàng ra, đình hiện còn thờ thần Lý Nhũ Thái Lão dược sư thần linh. Trước kia thần được thờ ở tại Điếm Kiều (xóm 6), sau nhân dân rước ngai, bài vị về thờ tại đây.
Hàng năm, dân làng vẫn duy trì lễ hội vào ngày mùng 8, mùng 9 tháng Giêng âm lịch. Ngoài ra, ở đây còn có hội tổng. Hội tổng được tổ chức vào ngày 4, 5, 6 tháng 2 âm lịch. Ngày mùng 4 rước lễ vật lên nhà Tổ – Chùa Nành (chùa Cả), đánh trống hiệu cúng Phật, ngày mùng 5 rước âm từ các đình làng trong tổng ra Thạch Sàng tế lễ, sau lại rước âm từ Thạch Sàng về chùa Nành (chùa Cả) để tế lễ, ngày dã hội rước âm về các đình trong tổng an vị.
Về mặt kiến trúc nghệ thuật, đình Ninh Giang là một ngôi đình lớn, bề thế khang trang, toạ lạc trên một khu đất cao, rộng, trong khu vực cư trú của làng, quy mô lớn với nhiều nếp nhà ngang, dọc. Đình có những nét đẹp riêng so với các kiến trúc đồng loại hiện còn. Những nét đẹp cổ kính này được khẳng định qua sự bố cục chặt chẽ của các công trình kiến trúc rất hài hoà với cảnh quan thiên nhiên. Các kiến trúc này được bố trí theo chiều sâu, gồm các hạng mục sau:
Nghi môn đình mới được nhân dân công đức xây dựng lại với nhiều hoa văn chạm trổ theo thuyết tứ linh. Hai trụ cao ở giữa, đỉnh trụ đắp nổi hình bốn con trĩ, đầu ở dưới quay ra bốn hướng, đuôi ở trên xòe ra, chụm vào tạo thành hình trái giành, dưới là hình lồng đèn. Trong các ô đèn trang trí tứ quý. Hai trụ ngoài thấp hơn, đỉnh trụ đắp hình hai con nghê, nghê trong tư thế chầu vào nhau (mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX) với hình thức dữ tợn nhằm soi xét tâm linh con người trước khi bước vào đình.
Qua nghi môn là một sân gạch rộng dẫn vào khu kiến trúc chính của đình. Nhà tiền tế làm theo kiểu hai tầng, tám mái, bờ nóc đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, thân rồng và mặt nguyệt đều ghép bằng mảnh sứ men trắng vẽ lam. Hai đầu bờ nóc đắp hình hai con kìm hình đầu rồng được cuộn vòng lửa, kìm hướng đầu vào nóc mái, miệng kìm ngậm bờ nóc. Hai đầu bờ dải mái thượng mặt tiền đắp hình hai con nghê, nghê đang trong tư thế chạy vào trong mái, bốn góc đao mái thượng tạo dáng cong vút. Phần cổ diêm ngăn cách giữa mái thượng và mái hạ được bưng bằng ván kín, tạo diện trang trí hoa văn hình rồng phượng.
Đại đình có quy mô lớn hình chữ đinh gồm đại bái và hậu cung. Đại đình là một kiểu nhà ngang, bốn mái. Trên bờ nóc cũng đắp hình rồng chầu mặt nguyệt và các hoạ tiết hình rồng. Lòng nhà khá rộng, gồm năm gian, hai dĩ. Gian giữa rộng hơn các gian bên. Bộ khung gỗ của nhà đại đình rất bề thế. Dưới bàn tay của các nghệ nhân xưa, trang trí kiến trúc tập trung chủ yếu vào các đề tài văn mây, rồng đuôi xoắn, văn thực vật, đao mác…. mang phong cách nghệ thuật cuối Lê đầu Nguyễn.
Hậu cung gồm ba gian nhà dọc nối với hai gian giữa nhà đại đình. Ngăn cách cung cấm bằng bộ cửa, chính giữa là cửa bức bàn, hai bên có hai cửa nhỏ tạo lối vào trong cung cấm. Trong nhà hậu cung, gian giữa được làm gác lửng, nửa trong bưng ván kín để làm cung cấm, trong cung cấm đặt long ngai, bài vị và các đồ tế khí, nửa ngoài để trống trên đặt mâm bồng, bát hương và các đồ thờ tự.
Vẻ đẹp của ngôi đình còn được thể hiện trên các mô típ trang trí nghệ thuật ở các đầu dư, cốn mê, các con chồng, bẩy hiên, đầu kê trên các thức vì…với đề tài quen thuộc: rồng, văn mây xoắn, văn hoa thực vật, đao mác, lá hóa rồng, hổ phù rất phong phú, đa dạng và mang tính truyền thống cao. Bằng kỹ thuật chạm nổi, kết hợp chạm lộng, chạm bong kênh, người nghệ nhân xưa đã thể hiện các đề tài rồng, phượng, văn hoa thực vật, văn mây một cách tinh tế, chau chuốt khiến các hình tượng trang trí rất sống động. Nhìn chung nghệ thuật chạm khắc trang trí trong đình Ninh Giang mang đậm nét phong cách nghệ thuật hai thời Lê – Nguyễn (thế kỷ XVII- XVIII).
Giá trị nghệ thuật còn được thể hiện qua bộ sưu tập di vật văn hóa. Về đồ gỗ có thể kể đến một cỗ long ngai bài vị, một hương án sơn son thếp vàng lộng lẫy, một cỗ kiệu bát cống bằng gỗ được chạm trổ tinh vi, tỉ mỉ đề tài truyền thống rồng; một bức cửa võng sơn son thếp vàng lộng lẫy, diềm trên trang trí hình rồng chầu mặt nguyệt, đầu dưới khắc nổi bốn ô chữ Hán cổ. Trong các ô vuông, ô chữ nhật trang trí tứ linh, tứ quý, riềm hai bên trang trí rồng, diềm dưới trang trí hổ phù….Đặc biệt là các di vật đồ đá, hiện nay tại di tích còn lưu giữ một tấm bia đá có niên hiệu Cảnh Trị (1670) ghi việc khởi dựng ngôi đình, một bia có niên hiệu Minh Mệnh ngũ niên(1825). Về đồ giấy có chín đạo sắc phong thần với niên đại trải dài trong hai triều Lê – Nguyễn. Về đồ sứ còn năm bát hương sứ men trắng vẽ lam và bốn lọ lục bình. Đây là những nguồn tư liệu quí góp phần tìm hiểu về lịch sử, phong tục tập quán của nhân dân địa phương qua các triều đại.
Việc giữ gìn bảo lưu và phát huy tác dụng di tích lịch sử đình Ninh Giang của nhân dân địa phương là biểu hiện sự trân trọng những di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Đồng thời góp phần giáo dục và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông truyền lại cho các thế hệ tiếp sau, tôn thêm vẻ đẹp của quê hương trong cuộc sống mới hiện tại.
[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Đình-Ninh-Giang-Ninh-Hiệp.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh ninh giang ninh hiep.docx”]
Hits: 758