Cũng như bao miền quê khác với hình ảnh thân thuộc của làng quê Việt Nam “Cây đa, giếng nước, sân đình” trên quê hương Kim Sơn cũng có những ngôi chùa và đình làng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân từ bao đời nay. Nếu ai đã một lần đến thôn Linh Quy hẳn không thể quên ngôi Đình Linh Quy cổ kính được gọi theo địa danh hành chính thuộc thôn Linh Quy – xã Kim Sơn, trước kia còn có tên gọi là đình Trang Vụi.
Đình Linh Quy thờ thần hoàng làng là Nguyễn Biểu, vị quan cuối triều Trần được nói đến nhiều trong sử sách. Bản thần tích Linh Quy do Hàn Lâm Viện Đông các đại học sỹ thần Nguyễn Bích phụng soạn ghi rõ: “Từ xa xưa nước Nam hình thành có các vua hiền nhớ đến công lao bách thần, ban phong rực rỡ, mỗi khi lên ngôi báu để nhớ bách thần tu soạn sự tích, tham bác các sử sách đính chính phân minh ban cấp thần tích cho các trang xã cẩn tuân theo phụng sự. Kính nghĩ thần công thánh đức ban bố khắp nơi, mãi tới ngàn vạn năm không bao giờ phai nhạt vậy. Thần xét thấy xa xưa trang Linh Quang, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An trấn Kinh Bắc (xưa là quận Vũ Ninh), dân cư mới ở ruộng đồng hoang phế chưa có miếu, đền thờ thần. Lại nói bấy giờ tại trang Hưu Nhất, huyện Quỳnh Trạch, phủ Đông Thành, trấn Nghệ An có một danh gian họ Nguyễn ông kết hôn với bà Trần Thị Nguyên. Ông cha chuyên làm nghề y, làm điều thiện giúp người. Hai ông bà đã nhiều tuổi mà vẫn chưa có mụn con nào. Một hôm họ đi du chơi thì được thần báo mộng. Sau đó bà có thai. Ngày 12 tháng 3, sinh được một cậu con trai. Cậu bé lên ba mặt mũi khôi ngô, thân thể kỳ dị, tay dài quá gối, lúc ấy ông bà mới đặt tên con là cậu Biểu. Năm 16 tuổi thì thông minh tuyệt vời. Đến năm 18 tuổi không may cha bị mất. Sau 3 năm cư tang thì tại quê giặc giã nổi lên mẹ con ông phải bán gia sản nhà cửa để đi sinh sống ở nơi khác. Họ đến trang Linh Quy, huyện Gia Lâm, đạo Kinh Bắc. Nơi này, sơn thủy hữu tình, dân tục thuần hậu. Hai mẹ con ông xin được cư trú tại đây. Dân làng già trẻ đều đồng ý. Hai mẹ con ông làm ngay ngôi nhà lá để ở. Một vài năm sau, không may mẹ ông lại qua đời. Ông làm lễ táng tại xứ Đồng Vại của bản trang. Sau khi chôn cất xong ông cư tang 3 năm, lúc ấy ông 24 tuổi. Ông thi đỗ tiến sĩ xuất thân làm quan đến Hàn Lâm Viện Đông các đại học sỹ. Đến thời Giản Định Đế, quân Minh đem quân đến xâm lược. Vua không chống được giặc. Ông phụng mệnh nhà vua đi giải hòa với giặc kiên quyết bảo vệ danh dự của đất nước và bị giặc bức tử… Lúc ông chết bỗng trời đất tối om, mưa to gió lớn nổi lên, nước sông lên to, thi thể ông trôi theo mặt nước, trôi ngược đến xứ Đồng Quýt thì dừng lại không trôi nữa. Bản trang thấy vậy đều đổ ra xem sự thể ra sao. Khi đến nơi đã thấy mối đùn lên thành ụ đất lớn. Nhân dân trong xã thấy vậy cho là linh thiêng lắm bèn sắm cỗ chay làm lễ xin được làm ngôi đền thờ ông tại xứ Linh Mộ (Đồng Quýt) để phụng thờ, hương hỏa mãi mãi. Đến khi Lê Thái Tổ khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh, dựng lại cơ đồ. Vua dấy binh tại Lam Sơn. Quan quân đi đến Linh Miếu của bản trang tự nhiên xa giá dừng lại không thể di chuyển được. Nửa đêm, vua thấy trong miếu có một khối lửa giống như chiếc đèn lồng bay ra trước miếu. Vua lấy làm lạ triệu nhân dân, phụ lão trong trang đến hỏi: Bản trang phụng thờ thần nào mà linh thiêng đến vậy? Dân trong trang thưa: Bản trang phụng thờ vị Đại vương của triều Trần họ Nguyễn, tên húy là Biểu. Vua lập tức hạ giá cầu đảo. Sáng hôm sau, xa giá tiến đi như bay nhập vào trại giặc như vào chỗ không người. Ông được vua khen và phong thần cho phép xã Linh Quy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An được hương hoả phụng thờ mãi mãi.
Sau khi mất, thần còn hiển linh cứu nước phò vua nên từ thời Lê đến thời Nguyễn thần được gia phong mỹ tự, đình được sửa sang để nhân dân Trang Vụi phụng thờ muôn đời. Hàng năm đến ngày 17 tháng 1 và 16 tháng 11 âm lịch là ngày sinh và ngày hóa của thần, nhân dân lại tổ chức dâng hương tưởng niệm. Ngày 15 tháng 3 âm lịch tổ chức lễ tam sinh để tưởng nhớ người có công với dân với nước.
Căn cứ vào niên đại ghi trên thần tích sắc phong chúng ta có thể khẳng định đình được xây dựng từ trước năm 1787 rất nhiều. Đình Linh Quy hiện còn bảo lưu khối kiến trúc truyền thống đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của cộng đồng cư dân làng xã vùng Đồng bằng bắc bộ.
Đình quay hướng Tây Nam – đây là hướng người Việt quan tâm khi dựng đình, thông qua hướng đình mong thần hoàng làng được yên vị để ban phúc cho dân, phía trước có tam quan và một sân rộng lát gạch Bát Tràng, hai bên tả mạc hướng đông môn – tây môn, mỗi bên bảy gian mái lợp ngói vẩy hến. Tiền tế với năm gian trong ngũ môn ngoài thất môn. Phương đình tám mái, cột to đứng chân trên đá tảng thắt cổ bồng. Đình Thượng gồm năm gian hai dĩ, mái lợp ngói vẩy hến, bờ nóc thẳng được kết thúc bằng một đấu nắm cơm, bờ giải xây giật hai cấp với hai trụ biểu cao đế trái giành, đỉnh cột đắp hình lồng đèn, quanh cột có bổ ô để viết câu đối. Kiến trúc của gian tiền tế làm theo kiểu vì kèo, cột nhỏ đứng chân trên đá tảng. Phương đình được dựng cách tiền tế khoảng 1m, mái lợp ngói vảy hến bờ nóc trang trí vân mây, các góc đao cũng trang trí cùng kiểu dáng, bốn cột tròn đứng chân trên bốn tảng đá thắt cổ bồng đỡ lấy các bộ vì của phương đình, trước đây bộ phận kiến trúc này nằm ở ngoài nghè, được di chuyển về đây từ năm 1957. Hiên đình rộng có hai cột vuông trang trí văn triện. Các bảy hiên uốn cong được chạm khắc sóng nước, bướm, chim và hình tứ linh. Đình có kết cấu kiểu vì chồng rường, quá giang ngắn và mập. Các đầu dư chạm rồng, các con nghé đỡ quá giang đều được chạm kỹ. Đặc biệt ở đây là các bộ vì được làm kén đặc thành một mảng đỡ lấy mái. Các mảng gỗ này được trang trí, chạm khắc rất kỹ với mặt hổ phù và vân mây cuộn. ở gian giữa của đình thượng được đặt một ban thờ lớn, phía trên là một y môn lớn bằng gỗ trên chạm lưỡng long chầu nguyệt, dưới là bốn chữ đại tự lớn “Thượng đẳng tối linh”, hai bên chạm lộng. Ngoài ra gian giữa còn bày một bộ Phù Việt và treo một đôi câu đối.
Hậu cung gồm ba gian, kết cấu kiểu vì kèo. Phần trang trí được tập trung vào các bức cốn. Có thể nói đây là những bức chạm khắc kỹ đến từng chi tiết với đề tài tứ linh, mỗi bức đều được làm với bàn tay tài hoa nên rất sinh động. Gian giữa của hậu cung được xây bệ cao trên đặt long ngai bài vị thờ thần hoàng làng.
Ngoài các bộ phận kiến trúc chính của đình như tiền tế, phương đình, đình thượng và hậu cung ra thì ở phía tay phải phía cuối sân có xây một gian nhà nhỏ là nơi miếu thờ cô.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử đình Linh Quy vẫn tồn tại với thời gian, hun đúc thêm lòng tự hào về quê cha đất tổ và còn lưu giữ được nhiều di vật qúy với nhiều chất liệu khác nhau đã góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử làng xã và các loại hình văn hoá dân gian như một cuốn thần tích xã Linh Quy (hiện được lưu giữ tại Viện Hán Nôm), hệ thống tám sắc phong được các triều vua ban, sắc sớm nhất là năm Chiêu Thống thứ nhất (1787), muộn nhất là sắc phong năm Khải Định 9 (1924), đồ gỗ với một đôi câu đối nội dung ca ngợi công đức của vị trung thần có công với dân với nước, một y môn gỗ, đôi lọ độc bình, một choé đựng nước…
Trên cơ sở những giá trị về mặt kiến trúc – nghệ thuật cũng như những giá trị về mặt lịch sử đình Linh Quy đã được Bộ Văn hoá thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá năm 1996.
[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Đình-Linh-Quy-Kim-Sơn.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh linh quy kim son.docx”]
Hits: 772