Từ xưa, đất Ninh Hiệp đã nổi tiếng là nơi lắm quan nhiều kẻ sĩ, quê ngoại của người phụ nữ tài sắc vẹn toàn gắn bó với một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc – Công chúa Lê Ngọc Hân.
Đặc biệt hơn, Ninh Hiệp nay vẫn bảo tồn được một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa cổ trong đó có những di tích to, đẹp nổi tiếng khắp vùng và chứa đựng những sưu tập di vật mang nhiều giá trị lịch sử nghệ thuật như Chùa Cả (chùa Nành) – “Nam thiên đệ nhất thiền môn” và những ngôi đình làng cổ kính trong đó có đình Hiệp Phù.
Đình Hiệp Phù, thuộc thôn 6, xã Ninh Hiệp được khởi dựng từ rất sớm, là nơi tưởng niệm vị thần Bạch Sam – người có đóng góp lớn trong công cuộc chống giặc ngoại xâm thời Hùng Vương thứ 6. Theo thần phả, Tiến công Lang Quốc tử Giám học sinh Đàm Quang Thế cùng một số nho sinh chép lại dựa vào sắc phong của đình ngày 15 tháng 11 năm Quang Hưng thứ 20 (1592) thì lai lịch vị thần như sau “…Tương truyền đời Hùng Vương thứ 6, khi quân nhà Ân sang cướp bộ Vũ Ninh nước Văn Lang. Vua sai sứ giả đi cầu người hiền tài giúp nước. Đến làng Phù Đổng, huyện Tiên Du gặp được em bé tự nguyện xin đi đánh giặc. Vua bèn phong làm thượng tướng, ban cho kiếm, ngựa, lệnh cho Bạch Sam làm đốc chiến. Thượng tướng Phù Đổng lên ngựa, vung kiếm, chưa đầy một hôm đã phá được giặc Ân. Mọi người vây quanh bái lạy gọi là tướng nhà Trời. Thế rồi thượng tướng Phù Đổng phóng ngựa thẳng tới chân núi Sóc Sơn bay lên trời. Khi đó đốc tướng Bạch Sam trở về Văn Lang, báo tin thắng trận. Vua khen công lớn của ông, ban lệnh cho Bạch Sam làm tướng cầm quân, phong Đổng Thượng tướng là Đổng Thiên Vương, lập đền thờ ở ngôi nhà cũ tại làng Phù Đổng. Hàng năm truy thời phong cho đốc tướng là Hùng Hầu, lấy sông Thiên Đức làm thực ấp.
Một hôm, ông trú quân ở Thôn Tố, xã Phù Ninh, gặp gỡ Lý Nương Nương có tư mạo đoan trang rất đẹp và đưa về làm vợ, một nhà hoà hợp, cầm sắt ngân vui. Năm 183 ông mất, chôn ở đất phúc của Thổ Lang, lập đền thờ ở thôn Tố. Về sau được thờ theo lễ Thiên Vương. Hằng năm tế lễ, đền rất hiển linh, thường hay giúp dân bảo vệ biên cương, ngăn trừ loạn, hạn, anh linh muôn đời. Thời Sỹ Vương phong Hùng Hầu Bạch Sam là Linh ứng hiển Thông Phúc thần; Bà Lý là Phương tự Nương Nương, đời đời được hưởng thờ tự. Thời Lê Trung Tông, Lý Công Uẩn ở Cổ Pháp, khi đất Hoa Lư có biến, đến lánh nạn tại đền. Canh 3 đêm đó nhà sư Nguyễn Huệ Trung ở chùa Pháp Vân xã Phù Ninh mộng thất Phật Pháp Vân báo rằng hôm nay gặp Bạch Sam, Lý Nương Nương từ đền đến báo rằng vua Lý có việc đến lánh nạn tạm trú ở đền, đi xa thiếu lương ăn, người nên cúng tiến giúp đỡ lương ăn, sau này người vô cùng giàu sang phú quý. Huệ Trung tỉnh mộng chạy ngay đến đền quả nhiên thấy một người đàn ông đang nằm ngủ ở đây. Huệ Trung đón về nhà chùa, dọn cỗ, làm trà nước để đãi khách. Công Uẩn cảm tạ, đầu canh năm trở về Cổ Pháp. Sau này khi lên ngôi Hoàng đế, đóng đô ở Hoa Lư, năm đầu niên hiệu Thuận Thiên (1010) vua phong cho Bạch Sam là Hùng Hầu linh ứng Hiển Thông phúc thần, Lý Thị làm Phương Tự Nương Nương, hay báo mộng cho Huệ Trung cúng lương giúp nước, hiển hiện linh ứng.
Thông qua hệ thống sắc phong, thần phả hiện còn tại đình cho phép xác định đình Hiệp Phù có niên đại xây dựng vào thời Lê Sơ. Năm Thống Nguyên(1552) đình bị cháy, đến năm 1714, đình bị dột nát không sử dụng được, ông Nguyễn Đình Kiều, con rể của làng cùng vợ là Nguyễn Thị Thắm xin đem tiền lợp lại cả đình và miếu từ đó đình được khang trang. Tấm Bia “Hậu Thần Bia Ký” dựng vào năm Cảnh Hưng 2(1741) cho biết đình Hiệp Phù được hưng công tu tạo vào thời gian này. Đến năm 1767, đình lại được tu bổ sự kiện này còng được ghi lại trên bia “Bản xã Hiệp Phù là nơi chung đúc khí thiêng của đất nước, được trời ban phúc cho giàu có, đình hoa lộng lẫy, chùa Văn Tinh nhà cửa nguy nga, đình mở mang cổng trước, trùng tu xây lại cột giường. Thời Nguyễn đình còn được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Dấu ấn của những lần trùng tu này vẫn in đậm trên kiến trúc, bi ký và hồi ức của nhân dân địa phương.
Ngoài thờ thần Bạch Sam, đình Hiệp Phù hiện nay còn được phối thờ Lý Nương Nương và hậu thờ một số người có công đức sửa chữa đình.
Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong làng còng như nội dung bia Cảnh Hưng 28(1767) còn lưu giữ tại đình Hiệp Phù có thể thấy trước đây đình có quy mô bề thế với ao, cổng tam quan, sân gạch rộng, tả hữu vu, đình to lộng lẫy… Trải qua thời gian đình Hiệp Phù không còn quy mô dáng vẻ như xưa, quy hoạch mặt bằng hiện nay gồm nghi môn, sân vườn, và đình chính.
Nghi môn xây gạch dạng trụ biểu, gồm hai trụ lớn và hai trụ nhỏ. Trên các trụ đắp hình bốn con phượng chụm đầu vào nhau tạo thành hình trái giành và hình lồng đèn có nhiều họa tiết văn thực vật. Hai trụ bên nhỏ hơn, đắp hình tròn kiểu lồng đèn trang trí trên đỉnh cột. Nối hai trụ biểu là hai cửa nhỏ, phía trên một bên ghi tên đình, một bên ghi năm tu sửa. Nghi môn nằm sát đường làng, phía trước là một ao nhỏ.
Qua khoảng sân rộng là đến đình chính có bố cục hình chữ nhị gồm đại đình và hậu cung. Đại đình làm kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta, bờ nóc bờ dải không có trang trí. Mặt trước đại đình được mở hệ thống cửa bức bàn bằng gỗ chạy suốt gian giữa. Lòng nhà đại đình được chia làm năm gian. Bộ khung nhà đại đình gồm sáu bộ vì gỗ làm theo hai kiểu. Hai vì giữa có kết cấu kiểu “chồng rường giá chiêng”, các thanh câu đầu được tạo dáng chắc khỏe, hai câu đầu đều được chạm văn hoa lá, nét chạm sắc và mềm mại, các con rường đều soi gờ kẻ chỉ. Các vì được đỡ bởi hệ thống đầu dư, các đầu dư này được đặc tả hình đầu rồng ngậm ngọc với các đao mác dài nhọn nhiều lớp với nghệ thuật chạm lộng khá tinh xảo mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII- XIX. Phần vì nách trước, một mặt được bưng kín bằng một ván gỗ dày. Một mặt của tấm gỗ khắc chữ Hán ở giữa, diềm chạm văn triện. Nội dung chủ yếu ghi lại công đức của vị thần được thờ. Trên các con rường cụt đều được chạm nổi các văn lá thực vật với những đường nét chạm phóng khoáng và sâu, các đấu kê rường vuông thót đáy, đỡ trụ vuông trang trí văn triện, đỡ xà nách là nghé dày được soi gờ kẻ chỉ ăn mộng vào cột. Hai vì nách phía sau còng có kết cấu tương tự, song phần ván bưng được vẽ hình hai con voi, trên thân rường và hai mặt của xà nách được trang trí hình hoa lá, rồng cách điệu.
Hậu cung là một nếp nhà ngang riêng biệt được xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, bờ nóc bờ dải không trang trí, mái lợp ngói ta. Đỡ phần mái là các vì gỗ làm kiểu “chồng rường giá chiêng hạ kẻ”, mỗi vì có thêm hai cột gỗ, một kẻ dài ăn thông sang hai cột này, một đầu tạo thành bẩy hiên trang trí đơn giản họa tiết hoa lá.
Trải qua thời gian, những lần binh hỏa cùng với những thăng trầm của lịch sử, hiện nay đình còn bảo lưu được một khối lượng di vật phong phú về số lượng và chất lượng. Không chỉ những di vật của đình, tại đây còn bảo lưu một phần những hiện vật của chùa Văn Tinh, xưa vốn là chùa của xã Hiệp Phù, một ngôi chùa cổ bề thế bị giặc Pháp phá vào năm 1952.
Nổi bật hơn cả là sưu tập hiện vật đá gồm bẩy tấm bia hậu, thần phả, sắc phong và hệ thống đồ gỗ chạm khắc tinh xảo, chuông đồng, đỉnh đồng…. có giá trị cao về mặt lịch sử và nghệ thuật. Các hiện vật này khẳng định lịch sử lâu đời của ngôi đình và tôn thêm vẻ đẹp kiến trúc nghệ thuật của di tích. Về sắc phong đình Hiệp Phù còn giữ được 4 đạo: 1 đạo thời Tự Đức, 1 đạo thời Đồng Khánh, 2 đạo thời Duy Tân. Trong thần phả còn chép lại được 6 đạo đó là các đạo thời Hưng Long thứ 18(1271), Thuận Thiện năm thứ nhất(1428), Hồng Đức thứ 6(1475), Hồng Thuận thứ nhất(1509), Cảnh Hưng thứ 44(1883), Cảnh Hưng thứ 45(1884).
Bên cạnh những giá trị về lịch sử nghệ thuật, từ buổi đầu hình thành đến nay, đình Hiệp Phù luôn là trung tâm tín ngưỡng của làng, là nơi tụ họp bàn bạc việc của làng, còng như diễn ra các nghi thức hội hè, tế lễ. Hàng năm, nhân dân tổ chức lễ tế vào các ngày sinh, ngày hoá của thần trong các dịp lễ tết thường niên.
Hiện nay, thôn Hiệp Phù vẫn còn lại một ngôi mộ tương truyền là mộ của vị thần Bạch Sam. Khu lăng mộ hiện nay được xây dựng khang trang nằm sát khuôn viên của Uỷ ban nhân dân xã Ninh Hiệp, cạnh đài tượng niệm liệt sỹ được xây dựng giống nhà bia, 4 mái lợp ngói ta, đỡ bởi bốn trụ bê tông tròn, ba phía có tường lửng. Phía trước dựng bia đá ghi sự tích Hùng Hầu Bạch Sam.
Trải qua thăng trầm của thời gian cùng nhiều lần tu sửa, mặc dù không còn giữ nguyên được quy mô ban đầu, song đình Hiệp Phù hiện nay vẫn là một công trình kiến trúc tôn giáo cổ khá hoàn chỉnh. Ngày 30 tháng 7 năm 2002, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ra quyết định số 5199/QĐ-UB xếp hạng đình Hiệp Phù là di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật.
[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Đình-Hiệp-Phù-Ninh-Hiệp.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh hiep phu ninh hiep.docx”]
Hits: 610