Đình Gia Lâm, xã Lệ Chi được xây dựng từ lâu đời, đình thờ Đặng Cư Sỹ người có công với dân với nước.
Bản thần tích bằng đá tại thôn Gia Lâm đề niên hiệu Hồng Phúc 1 (1572) đã cho ta biết rất rõ về thân thế sự nghiệp của vị thần hoàng là Đặng Cư Sỹ. Ngài đời đời được các triều vua ban phong mỹ tự và chỉ thị cho dân thờ cúng bởi những công lao của ngài đối với dân, đặc biệt là dân thôn Gia Lâm. Đặng Cư Sỹ đã có công giáo hoá dân, mở trường dạy học thời bình, đánh giặc giữ yên bờ cõi thời loạn. Khi ngài mất vẫn hiển linh phò vua Trần, vua Lê đánh giặc giúp nước. Bởi vậy các triều đại đều phong ngài làm Thượng Đẳng Thần.
Ngôi đình xưa quay hướng Đông, xung quanh đình có đường rước mỗi khi làng mở hội. Trước đình có hai cây gạo cổ thụ, bên trái là ao đình, bên phải là văn chỉ. Cạnh văn chỉ là giếng cổ hình tròn mà dấu tích còn đến ngày nay là những chân đá tảng lớn. Về kiến trúc đình được dựng theo kiểu chữ nhị gồm đình Thượng, đình Hạ đều năm gian hai dĩ. Đình Thượng – Hạ ngăn cách nhau bởi một máng. Đình Thượng nối với hậu cung ba gian, mái đình có đao cong trang trí hình phượng. Có thể nói đây là một ngôi đình cổ bảo lưu được những nét đẹp trong truyền thống xây dựng đình chùa của cha ông ta xưa.
Hiện nay đình chỉ còn phần hậu cung mới được tu tạo. Để bù vào những thiếu hụt về kiến trúc thì đình Gia Lâm lại giữ gìn được những hiện vật và đồ thờ tự rất quý hiếm so với các di tích khác quanh vùng.
Cuốn thần phả bằng đá là tấm bia đá hai mặt, phần đế có kích thước 0,67 x 0,55m. Nội dung của bia trùng với thần phả của Gia Lâm trong đó ghi rõ : “Phả lục một vị Đại vương đời Hán Chiêu Đế được các đời sắc phong tặng”. Bia dựng ngày tốt tháng giêng năm Hồng Phúc 1 (1572) thần Nguyễn Bính Đông Các đại học sỹ ở Viện hàn lâm kính cẩn soạn ra bản chính.
Ngày tốt tháng 8 năm Vĩnh Hựu 6 (1740) thần Nguyễn Hiền quản giám bách linh trên Hùng lĩnh thiếu khanh, tuân theo y bản chính để soạn lại.
Ngai và bài vị là hiện vật mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Kích thước không lớn lắm song được sơn son thếp vàng đẹp rực rỡ. Tay ngai uốn cong kết thúc bằng hai đầu rồng trong dáng vươn lên. Rồng được chạm kỹ đến từng chi tiết. Bài vị chia làm ba phần đỉnh, thân, đế. Đỉnh là một mặt trời lửa, xung quanh chạm hoa lá văn xoắn. Thân hai bên chạm văn sóng nước, ở giữa chạm văn mây rồng uốn lượn và đề chữ ghi chép về thần hoàng. Đế làm theo kiểu thắt, ở giữa chạm hoa văn hình học.
Kiệu long đình mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Đòn kiệu lớn phía trên chạm rồng thời Lê, bờm dài, dáng khoẻ khoắn vươn về phía trước. Hiện tại ở đình còn một hoành phi sơn son thiếp vàng với nội dung “Giữ quốc đồng hưu” có nghĩa là cùng tốt lành với đất nước.
Các ngày hội của đình Gia Lâm gồm: Ngày 10 tháng giêng lễ khai hạ, ngày 11 tháng 2 ngày sinh Đức Thánh Mẫu hội ba ngày rước ở nghè về đình, đình về nghè. Ngày 10 tháng 3 đại hội mừng công, mở hội 10 ngày, bánh dày, mía, ăn mặc như ngày xưa, 22 người phù giá. Ngày 19 tháng 3 rước lên chùa Xuân Quan lễ đại thỉnh pháp thỉnh phật, hát cửa đình. Ngày 10 tháng 8 ngày hoá tế lễ, gói bánh chưng đường mật.
Chùa Gia Lâm có tên chữ là “Diên Phúc tự”còn được gọi là chùa Dưới để phân biệt với chùa Trên “Khánh Lâm tự”. Trước đây phía trước chùa 50 m có giếng nước cổ, dân thường gọi là giếng thần. Gần sát đường trục trước chùa có ao sen, hai bên tam quan có hai chó đá…Sau tam quan sát đường là hai dãy nhà năm gian đối diện qua một sân lát gạch Bát Tràng cổ rộng. Đến nay ngôi chùa chính vẫn còn nguyên vẹn, trong chùa phần khung gỗ được trạm khắc hoa văn nghệ thuật. Hệ thống tượng phật trong chùa đầy đủ môn tự như các chùa khác trong vùng, song chùa còn có một số pho tượng có những nét đặc biệt.
Theo lời truyền kể của dân làng thì trước đây chùa Diên Phúc có một quy mô khang trang rộng rãi. Sau tam quan là hai dãy nhà năm gian đối diện nhau qua một sân lát gạch Bát Tràng. Chùa chính còn tương đối nguyên vẹn.
Tại chùa Diên Phúc, chùa chính được dựng theo kiểu chữ đinh, ba gian hai dĩ hậu cung hai gian có kết cấu kiểu vì chồng giường làm theo lối cổ. Phần chạm khắc trang trí trên kiến trúc tập trung vào các bức cốn ở gian giữa và phần nối giữa chùa chính và hậu cung. Những nét chạm hoa văn hình hoa lá cách điệu. Hậu cung là một nếp nhà hai gian là nơi tọa lạc của các vị phật và Thập Điện Diêm Vương.
Tại ban thờ chính, bên trái có pho tượng phật, hai tay vòng lên đùi, cổ đeo vòng kim tòng, chân trái để lộ. Pho ở giữa tay trái kết ấn trước ngực, ngồi kiết già hàng ma lộ bàn chân phải. Pho bên phải tay phải giơ lên, tay trái úp trên lòng đùi. Nét mặt ba pho tượng phật khác nhau để thể hiện riêng biệt nội tâm của từng pho.
Pho tượng Quan Âm nhiều tay cao 0,98 m, đôi tay chính chắp trước ngực, mười hai tay khác toả đều sang hai bên.
Đặc biệt chùa còn có pho tượng bà Giàn, nên từ xưa chùa Diên Phúc còn được gọi là đền thờ Đức Thánh Bà, một trong tứ pháp Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Giàn, Bà Tướng.
Chùa Diên Phúc hiện nay còn bảo lưu những di vật văn hóa quý như Quả chuông “ Diên Phúc tự chung” đúc ngày tốt tháng 2 niên hiệu Minh Mệnh (1836) do Nhiên Học Lê Văn Trác viết chữ. Bia “Hậu phật bi kị” dựng ngày 1 tháng 8 niên hiệu Khải Định 5(1920), năm pho tượng gỗ và nhiều đồ thờ có giá trị như bát nhang cổ, độc bình cổ, mâm đồng….
Di tích Đình Gia Lâm- Chùa Diên Phúc là trung tâm sinh hoạt văn hoá cộng đồng, nơi hướng con người đến cái thiện tránh xa điều ác. Cụm di tích đã được Bộ Văn hoá và Thông tin ra Quyết định xếp hạng năm 1994.
[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Đình-Gia-Lâm-Chùa-Diên-Phúc-Lệ-Chi.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh gia lam – chua dien phuc (le chi).docx”]
Hits: 986