ĐÌNH ĐẠI BẢN

Đình Đại Bản, xã Phú Thị là một công trình kiến trúc tín ngưỡng có lịch sử tạo dựng sớm, có một bề dày lịch sử trên 200 năm.

Về mặt kiến trúc, đình Đại Bản có quy mô kiến trúc bề thế được bố cục trong một không gian rộng thoáng, tách biệt với khu vực cư trú của làng, các nếp nhà cổ có các đao cong vút ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ quanh năm xanh tốt tạo cho di tích một vẻ đẹp thâm nghiêm, huyền bí. Các bộ phận cấu thành di tích bao gồm một khu vườn rộng phía trước, sân và khu kiến trúc có các nếp nhà ngang dọc tạo thành. Cổng vào của di tích được xây ở phía trước sân đình, đây là một kiến trúc gạch xây kiểu trụ biểu, hai cột trụ này được tạo vuông bốn mặt, đỉnh trụ đắp hình đôi sấu quay đầu vào nhau, mình sấu được ghép bằng các mảnh sành sứ. Tiếp đến là phần lồng đèn, bốn mặt trang trí hình tứ linh (long, ly, quy, phượng), phía dưới là thân trụ tạo khung để viết câu đối chữ Hán. Đình Đại Bản kết cấu kiểu chữ “Đinh” gồm một dãy nhà ngang và một nếp nhà dọc tạo thành. Mái đình lợp ngói mũi hài cổ, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, phía dưới trang trí hình hoa chanh chạy suốt, hai đốc mái nhà tiền tế đắp hình rồng bờ dải trang trí hoa chanh, hai đầu bờ dải trang trí hai con sấu, các góc mái được tạo uốn cong mềm mại, tạo cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát cho công trình kiến trúc.

Nhà tiền tế gồm năm gian hai dĩ, mặt trước của ba gian giữa mở cửa bức bàn, hai gian bên xây tường bao kín. Sáu hàng chân cột gỗ đỡ mái làm kiểu “Thượng thu – hạ thách”, mái phân “Thượng tam – hạ tứ”. Hai bộ vì gian giữa kết cấu theo kiểu “Giá chiêng, chồng rường – hạ cốn bẩy hiên”, hai vì gian bên kiểu “Chồng rường giá chiêng – hạ kẻ cốn – bẩy hiên”. Nối tiền tế và cung cấm là dãy nhà dọc hai gian một dĩ, kết cấu theo lối “giá chiêng – hạ kẻ”, sát tường hậu là một ván bưng chạm nổi hình rồng chầu mặt trời, phượng vũ, vì gian giữa làm kiểu “vì cốn” trang trí chạm nổi hình phượng hàm thư, điểm xuyết hình vân mây. Tòa hậu cung xây kiểu tường hồi bít đốc, mái trang trí hình nghê. Trên kiến trúc tòa tiền tế tồn tại song song hai phong cách nghệ thuật từ thời Lê đến thời Nguyễn. Đặc biệt trên bốn đầu dư xà nóc của hai bộ vì gian giữa chạm lộng hình đầu rồng, miệng ngậm ngọc, râu và tóc rồng hình dao mác thẳng tắp hất về phía sau. Các đề tài trang trí thể hiện kỹ thuật chạm khắc tinh xảo, điêu luyện được tập trung nhiều trên các con rường, cốn mê, đầu bẩy. Với nét chạm nổi, chạm bong kênh, chạm thủng, trên đầu rồng, thân rồng, vẩy rồng chạm vênh, các vân mây cuộn, sóng nước thể hiện chau chuốt…Chủ đề trang trí thể hiện phong phú như “Rồng ổ”, “Phượng hàm thư”, “Long mã chở hà đồ”, “Thần quy lạc thư”. Bộ vì gian giữa hậu cung trang trí chạm nổi đề tài “Tứ linh” (long, ly, quy, phượng); các cốn nách hậu cung trang trí hình “Phượng hàm thư vân mây”. Nhà tiền tế gian giữa để bộ bát bửu sơn son thếp vàng, hương án thờ, cửa võng, hoành phi. Phía trong gian giữa đặt sập thờ chân quỳ dạ cá cùng một số đồ thờ, gian bên đặt ngựa thờ. Phía trước hậu cung đặt một hương án gỗ nghệ thuật thế kỷ XIX, trên bài trí các đồ thờ như bát hương, cây đèn…trong cung cấm bài trí một khám lớn trong đặt long ngai và bài vị của thần. Khối kiến trúc vật chất của đình còn bảo lưu những nét đẹp độc đáo riêng so với các kiến trúc tôn giáo đồng loại hiện còn. Những nét đẹp cổ kính này được khẳng định qua sự tồn tại của các mảng chạm khắc trên cốn nách, đầu dư, rường, cốn, bẩy hiên mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII – XVIII, nhà tiền tế xây kiểu mái hạ đao mang đậm phong cách kiến trúc đình làng Việt Nam thời Lê. Đó là những tư liệu rất giá trị trong việc tìm hiểu về thời điểm ra đời, về quá trình phát triển kiến trúc đình làng ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Các công trình kiến trúc được bố cục có sự hoà nhập giữa kiến trúc với môi trường tự nhiên xung quanh. Bên trong nhà, lối kết cấu truyền thống vẫn được duy trì, những mảng chạm phong phú về nội dung, gắn trên các bộ phận kiến trúc đã làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho ngôi đình.

Về giá trị nghệ thuật, đình Đại Bản có một bộ sưu tập hiện vật rất phong phú, đa dạng, các di vật được chạm khắc tinh xảo mang giá trị thẩm mỹ cao với các đề tài quen thuộc như: “ Tứ linh quần hội” (long, ly, quy, phượng). “ Phượng hàm thư”, “ Hổ phù”, “Rồng ổ”, qua đó người nghệ nhân đã gửi gắm những ước mong nguyện vọng của người dân làm nghề nông cầu mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, dân khang, vật thịnh. Bộ sưu tập các di vật nhiều về số lượng và đa dạng về chủng loại như đồ đồng gồm có một quả chuông đồng đúc vào năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) thân khắc bài văn chữ hán, trang trí hình tứ linh, các góc thân chuông trang trí hoa văn hình học, một chiêng đồng, một bát hương thế kỷ XIX; đồ gỗ có bộ bát bửu sơn son thếp vàng, cỗ kiệu long đình, khám thờ, hương án, câu đối…; đồ sứ có bát hương, chóe ….; đồ giấy có các đạo sắc phong, đặc biệt là 6 đạo sắc phong thần của 02 triều đại phong kiến trong đó đạo sắc sớm nhất là năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796), qua cứ liệu nói trên chúng ta có thể đoán định niên đại xây dựng ngôi đình khoảng thời Lê và đây là nguồn sử liệu quý giá góp phần nghiên cứu tìm hiểu về địa danh lịch sử, phong tục tập quán của nhân dân địa phương đồng thời cho thấy vai trò to lớn của vị thần hoàng làng đối với đời sống tâm linh của nhân dân thôn Đại Bản.

Đình Đại Bản là một công trình kiến trúc cổ được ra đời với hai chức năng, là nơi phụng thờ và tưởng niệm vị phúc thần có công với dân, với nước theo tín ngưỡng dân gian và là nơi tổ chức những sinh hoạt văn hoá của một cộng đồng cư dân. Với chức năng thứ nhất, đình là nơi tưởng niệm nhân vật lịch sử có công với nền giáo dục ở vùng Kinh Bắc thời nhà Trần. Theo truyền thuyết dân gian ở địa phương và cuốn thần tích còn lưu tại đình cho biết đình Đại Bản là nơi thờ phụng vị phúc thần là cư sĩ Hoàng Hoá đại vương. Ngài là vị thượng đẳng thần của đời Trần thời Trần Thái Tông: “Thời ấy ở xứ Thanh Hoá, huyện Đông Sơn, phủ Thuận Thiên có cụ ông họ Nguyễn tên là Thành lấy bà tên là Đinh Thị Phương. Hai ông bà sống với nhau trên 20 năm mà chưa có con. Nghe nói ở Châu Long Nghệ An có thần núi Hồng Sơn rất linh thiêng, nhiều người đến cầu tự được như ý…Hai ông bà chọn ngày lành đến Hồng Sơn cầu tự và nghỉ lại một đêm tại đó, bà Phương bỗng thấy một ánh sáng đỏ nhập vào người…sau đó trở về nhà bà đã có mang và sinh được một người con trai tướng mạo rất khôi ngô, đẹp đẽ khác thường. Khi lên 7 tuổi, ông Thành mới đặt tên con là Hoa và cho đến nhà cụ đồ Phán cùng làng để học, năm 15 tuổi ngài đã tinh thông kinh sử. Đến năm ngài 20 tuổi, bố mẹ của ngài cùng mất một năm. Sau 3 năm đoạn tang cha mẹ, ngài nghe nói ngài có một bà cô ở trại Đồng Bản, trang Hàn Lạc, ấp Kim Sơn, huyện Gia Lâm, phủ Thiên An, quận Vũ Ninh. Ngài tìm đến bà cô ở để dạy học và có rất đông đệ tử. Năm 30 tuổi ngài về quê thi đậu hương cống thứ nhì. Ba năm sau, khi vua Trần Anh Tông mở hội thi, ngài đỗ tiến sỹ và được bổ làm đốc ty sau đó làm hữu tham nghị. Ngài làm quan hơn 20 năm tính tình rất khoan dung, độ lượng nên được mọi người yêu mến, tôn kính. Gần 60 tuổi ngài dâng sớ xin về nghỉ ở quê nhà. Năm 60 tuổi, ngài từ Thanh Hoá ra Đồng Bản để nhàn du, an dưỡng tuổi già. Ngài cấp cho dân làng Đồng Bản một nghìn xâu tiền và nói với các già làng rằng: “ Khi ta chết thì sẽ làm thần của nơi này”. Mọi người đều vui vẻ mà nói: “ từ khi ngài chưa đỗ…đã dạy học ở đây, nhiều người thành tài và đỗ đạt làm quan, vậy khi ngài mất muôn đời thờ cúng ngài là chắc chắn”. ở Đồng Bản một thời gian, ngài lại về Thanh Hoá. Năm 70 tuổi ngài mất vào ngày 25-12 âm lịch. Ngay lúc đó dân Đồng Bản vào Thanh Hoá gặp con trai trưởng của ngài xin thuỵ hiệu của ngài về làng để thờ. Thuỵ hiệu của ngài là “ Cư sĩ Hoàng Hoá đại vương” và tâu lên vua, được vua cho phép dân Đồng Bản, Hàn Lạc thờ cúng. Khi Lê Lợi khởi nghĩa, trong ngoài gặp khó khăn, cũng từng đến đền thờ của ngài khấn nguyện đã được linh ứng nên phong cho ngài là: “Cư sĩ Hoàng Hoá bảo hộ đại vương, thượng đẳng thần”.

Đình Đại Bản trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từng là cơ sở hoạt động của cán bộ địa phương. Năm 1946, Chi bộ đảng đầu tiên của xã Quyết Thắng được thành lập tại đình làng.

Đình Đại Bản gắn kết với việc phụng thờ thành hoàng làng với các nghi lễ tập tục, hội làng nhằm tôn vinh vị phúc thần có công với dân với nước và là dịp để dân làng tổ chức các hoạt động văn hoá truyền thống tưởng niệm suy tôn thần, cầu được mùa, cầu cho dân khang vật thịnh…Làng Đại Bản mở hội vào ngày 15 tháng 2 âm lịch. Do Đại Bản từ lâu đời có tục kết chạ với làng Hàn Lạc. Khi vào hội, hai làng có tục rước giao hiếu nghĩa là một năm Đại Bản rước kiệu thánh sang bái yết đình Hàn Lạc, năm sau Hàn Lạc lại rước sang Đại Bản. Kết chạ giao hiếu là một mỹ tục được dân hai làng duy trì từ xa xưa đến nay. Hội làng được tổ chức rất trọng thể có đủ các nghi lễ mang tính truyền thống. Phần lễ có nghi lễ cúng tế uy nghi truyền rằng đây là nghi lễ tưởng niệm nhớ ơn công đức của thần đối với dân làng. Sau nghi lễ tế thần là lễ rước kiệu thánh giao hiếu. Đoàn rước đi đầu là đội cờ thần, rồi phường bát âm, sáo nhị, kèn, trống, tấu nhạc râm ran…tiếp sau là kiệu long đình, đội quan tế. Kết thúc là lễ tạ được thực hiện vào ngày giã hội. Lễ vật cúng thánh là các sản vật nông nghiệp do người dân địa phương tự làm ra như xôi lén, thủ lợn, gà trống, lễ chay như chè đường, xôi vò…Phần hội có tổ chức các trò chơi dân gian như đánh cờ, trọi gà, kéo co, đánh vật, đánh đu, hát thờ cửa đình.

Di tích đình Đại Bản đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2007. Đây sẽ là cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích để di tích mãi là niềm tự hào của người dân Đại Bản.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Đình-Đại-Bản-Phú-Thị.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh dai ban phu thi.docx”]

Hits: 724

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *