Theo sử cũ, sau khi chuyển ngôi từ tay nhà Lý sang các vua Trần ban phát nhiều đất cho họ hàng thân tộc lập trang ấp xây dựng chùa chiền ở phía Đông Nam Hà Nội. Xã Đông Dư nằm sát phía Đông Nam Hà Nội nên cũng được hưởng ân huệ ấy.
Đông Dư là vùng đất được định cư và có nền văn hóa lâu đời. Cùng với sự phát triển của con người, các làng cổ với những mái đình, ngôi chùa cũng được dựng lên nhằm phục vụ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ cúng của nhân dân địa phương.
Từ đường đê sông Hồng theo con đường làng khoảng 300m chúng ta tới cổng chùa Đông Dư Hạ. Cảm giác đầu tiên cho ta thấy đây là một ngôi chùa làng giản dị, thanh bình. Trước mặt tam quan là con đường làng liền với khu dân cư và các cây cổ thụ lâu niên.
Tam quan chùa có ba vòm cửa, cửa giữa rộng hơn hai cửa bên, được làm theo dạng hai tầng mái lợp ngói giả ống. Bên cạnh đó tam quan còn mang một ý nghĩa sâu sắc về triết học của đạo phật, về một cội nguồn chung của mọi vật, về quy luật không tồn tại vĩnh hằng của vật chất và đạo phật là sự kết hợp của cả hai quy luật này.
Sân và vườn chùa có diện tích rộng, được lát gạch chỉ và lát xi măng. Vườn trồng nhiều cây cổ thụ, cây cảnh và cây ăn trái như: ổi, hồng xiêm, nhãn…Qua cổng tam quan ta gặp một kiến trúc nhỏ dạng nhà lục giác hai tầng mái. Trong nhà lục giác đặt một pho tượng Quan Âm đứng, tay phải của tượng giơ lên ngang mặt, tay trái cầm bình nước cam lồ.
Chùa chính có dạng chữ đinh gồm tiền đường và phật điện, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, bờ dải kiểu bậc thang, sát hiên là hai trụ biểu cao 5m hai bên.
Tiền đường gồm năm gian, có bốn bộ vì kết cấu kiểu giá chiêng, mái phân thượng tứ, hạ ngũ được bào trơn. Phần hiên chùa rộng 1m có sáu đầu bẩy được trang trí chữ thọ, rồng, hoa lá, mở ba cửa chính kiểu cửa pa nô và hai cửa sổ hai bên. Phía trên nóc các gian của tiền đường đều treo các bức y môn được trang trí các mẫu hoa, lá, tứ quý và treo các bức đại tự.
Phật điện gồm ba gian chạy dọc với bốn bộ vì làm kiểu giá chiêng. Từ tiền đường vào phật điện chúng ta gặp bức cửa võng, trên trang trí và trạm trổ hình dơi ngậm chữ thọ, vân mây. Hai bộ vì nách thượng điện có hai bức ván mê được trang trí vân mây. Đây là những tác phẩm nghệ thuật đáng lưu ý, làm tăng thêm giá trị của di tích.
Phía dưới bức cửa võng đặt một hương án cao chừng 1m được chạm trổ và trang trí vân mây mang phong cách nghệ thật thế kỷ XIX (thời Nguyễn). Trên hương án đặt đôi lộc bình, một bát hương gốm. Sát hai bên là các đôi câu đối, nội dung ca ngợi công đức nhà phật và cảnh quan ngôi chùa như:
“Phạm vũ ỷ quan đê, chiêm vọng chi, cổ thụ bài thanh hà lưu dũng bích
Danh lam bàng thần miếu, quy y giả từ vân ấm diệp pháp vũ phi hoa”
Bài trí tượng phật tại phật điện chùa Đông Dư Hạ như sau:
Hàng thứ nhất trên cùng là bộ tượng Tam Thế. Bộ tượng này không lớn lắm, từ đỉnh đến phần ngồi chỉ cao khoảng 80 cm và chia làm ba phần: phần bệ, đài sen và thân tượng được sơn son thiếp vàng. Có thể nói đây là bộ tượng đẹp nhất của chùa. Bộ tượng Tam Thế là tượng trưng cho chư phật thuộc về ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, được làm vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Tượng mặc áo cà sa, ngồi xếp bằng lộ bàn chân phải trên đài sen, tay kết ấn thiền định. Tượng mang nhiều tướng quý, tóc bụt ốc, mắt nhìn xuống để soi rọi nội tâm, miệng thoáng mỉm cười. Phần đài sen với những cánh sen mũi hơi tròn, mập mạp, phần đế sen gồm ba cấp.
Hàng thứ hai là tượng A Di Đà cao 1m cả bệ, ngực có chữ “Vạn”, tượng mặc áo cà sa, tóc bụt ốc mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
Hàng thứ ba là tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn.
Hàng thứ tư là bộ tượng Cửu long, Thích Ca sơ sinh đứng trên đài sen tay trái chỉ thẳng lên trời, tay phải chỉ xuống đất.
Nhà tổ xây dựng hai tầng cầu thang cuốn, tầng một được sử dụng làm phòng tiếp khách, tầng hai gồm ba gian, kết cấu vì giá chiêng trang trí hoa văn thực vật và mở ba cửa chính kiểu thượng song, hạ bản. Gian trái trong nhà Tổ thờ vị tổ của chùa, gian phải thờ Tứ ân, gian giữa thờ tổ ấn Độ.
Tượng Tổ mặc áo cà sa được tạc ở tư thế ngồi, nét mặt sống động lộ rõ nội tâm và các nét khắc khoải của đời thường, vì thế tượng mang nhiều nét chân dung.
Trải qua năm tháng với nhiều biến động của lịch sử một số hiện vật ở chùa Đông Dư Hạ đã bị mai một.Tuy nhiên được sự quan tâm của chính quyền địa phương và nhà sư trụ trì hiện nay chùa còn lưu giữ được số lượng hiện vật khá phong phú về thể loại, đa dạng về chất liệu gồm 20 pho tượng bằng gỗ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, năm bức hoành phi, sáu đôi câu đối, hai cửa võng, một chuông đồng niên hiệu “Hoàng triều Tự Đức tam thập tứ niên (1881)”, một cây đèn đồng, một giá đựng ngũ quả bằng đồng, bốn đôi độc bình, hai chóe lớn.
Cũng như nhiều ngôi chùa cổ khác trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ, tại di tích chùa Đông Dư Hạ thường niên diễn ra các kỳ lễ chính của phật giáo.
Trải qua những biến thiên, thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa tồn tại cho đến ngày nay đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, đắp tượng, đúc chuông. Thời gian gần đây, năm 2005 xây cổng tam quan, trùng tu sân, tường bao, nhà tổ, khu phụ được phục dựng tạo cho cảnh quan chùa ngày càng khang trang.
Chùa Đông Dư Hạ được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xếp hạng là di tích lịch sử năm 2007.
[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Chùa-Đông-Dư-Hạ-Đông-Dư.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua dong du ha.docx”]
Hits: 883