Cũng gọi là bánh dày những bánh dày Quán Gánh không thuộc loại bánh chay thuần chủng gạo nếp không nhân thường ăn cùng giò chả vào lúc chờ cơm chiều ở đô thị.
Bánh dày Quán Gánh có nhân, từ lâu nổi tiếng ngon thơm, mềm dẻo, có màu sắc và hương vị rất riêng. Tấm bánh hình tròn và dẹt chỉ to bằng một khoanh cam, vỏ là gạo nếp cái giã mịn, mượt mà, giữa mờ mờ nổi lên màu vàng nhạt của nhân đậu xanh. Mỗi chiếc bánh đều có một vòng lá chuối tươi xanh mướt nhẵn bong lót dưới trong thật tinh khiết ngon lành. Mỗi lần bóc bánh đều phải nhẹ nhàng, tước lần lượt từng mảnh nhỏ mới thoát được dính.
Đưa miếng bánh lên miệng đã ngửi thấy ngay hương nếp thương quyện với mui hành mỡ đậu xanh trong nhân, pha chút hơi ấm của mùi lá chuối tươi, người ăn cứ nhớ mãi tiếng ngon dân dã không phải vùng nào cũng sẵn. Thực vậy, bánh dày Quán Gánh ngon, không phải là thứ quà đắt tiền cao sang nên ai cũng có thể mua ăn.
Hình như bất cứ ai, mỗi lần nganh qua Quán Gánh cũng đều dừng xe đỗ lại đôi lúc nếm láp vài ba chiếc cho đỡ them để rồi đói gói thêm ít chiếc đem về làm quà cho người nhà chỉ vì bánh dày Quán Gánh đã thành đặc sản của một vùng quê nổi tiếng nhiều danh nhân đó là làng Nhị Khê nơi sinh ra Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Khanh, Lương Văn Can. Làng Nhị khê kề liền quốc lộ Một, con đường xuyên Việt nối liền Bắc – Nam. Con tàu Thống Nhất cũng thương qua lại ngày ngày dừng đỗ vài ba phút tại ga Thường Tín nhưng cũng đủ thời gian cho dân làng mang bánh lên từng toa tàu rao bán trước khi đoàn tàu ngược Hà Nội hay tít tắp vô Nam.
Bánh dày Quán Gánh có từ bao giờ, chưa có ai trả lời được. Chỉ biết rằng từ lâu lắm rồi, người làng Nhị Khê đổ ra trục đường cái làm nghề gồng thuê gánh mướn, làm lều dựng quán tạm bợ kiếm ăn trong lúc nông nhàn, lâu dần thành phố nhỏ có nhà xây, nhà lá và có luôn tên gọi Quán Gánh. Tấm bánh dày đầu tiên cũng sinh ra từ nơi đó, trước sau vẫn bằng cách làm thủ công xưa.
Bước đường nhào nặn nên tấm bánh dày dân dã chẳng dễ chút nào, cứ tưởng thường tình qua loa nào ngờ tinh tế lắm và cũng vất vả dày công lắm. Phải là thứ gạo nếp cái hoa vàng được dần sàng kỹ lưỡng, hạt đều tăm tắp, không lẫn tẻ đã đành nhưng cũng không thể pha thêm chiêm bởi bánh dày nơi này vốn khó tính. Chỉ sai lệch một chút thôi trong lúc kén chọn nguyên liệu cũng bỏ đi cả mẻ, bánh sẽ khô đét cứng queo chẳng ra gì nữa, bán chẳng ai mua. Còn đậu xanh cũng phải đều hạt, mẩy chắc không lẫn hạt điếc có thể nhân mới bùi mới thơm. Cả gạo đó lẫn đỗ đều phải ngâm nước ấm cho mềm hạt, ít ra cũng phải một buổi thậm chí cả ngày mới đủ thời gian thẩm thấu.
Đợi tới nửa đêm, cho gạo đỗ vào đỗ bằng hai chõ riêng biệt. Xôi chín dỡ ra vỉ buồm đã bôi qua lượt mỡ để chuyển cho kíp thợ đàn ông lực lưỡng thay phiên nhau, hai tay chày giã thật nhanh trong lúc xôi đang nóng cho tới khi thật mịn mới thôi. Còn đỗ xanh đồ chín rồi đổ vào cối đã nghiền nát, nắm thành từng quả cùng với hành phi mỡ nước và hương cà cuống cho có mùi thơm đặc trưng.
Thời gian cần đến bàn tay khéo léo nhất là lúc vắt bánh tức là khi xôi đã giã nhuyễn dẻo quánh thì kéo dài ra rồi vắt từng nắm nhỏ đều nhau sau đó tra nhân và vê kín lại đặt từng chiếc lên vòng lá chuối tươi. Cái khéo của người vắt bánh, phần đông là đàn bà con gái, là phải nhanh tay làm sao giữ cho tấm bánh bóng mịn, không để lộ nhân ra ngoài và phải giấu vào đúng giữa không lệch sang bên, bởi không những bánh cần ngon, mà còn cần phải đẹp nữa.
Bánh dày Quán Gánh thơm ngon như vậy nhưng không thể để được lâu vì có nhân đỗ mỡ dễ thiu vì thế phải bán hết và ăn ngày trong ngày để đến hôm sau sẽ mất ngon. Chính vì lẽ ấy mà thợ làm nghề phải thức khuya dậy sớm mới có được mẻ bánh đầu tiên ngay từ buổi sáng tinh mơ kịp bán cho người ăn lúc trưa và chiều.
Trước kia cả làng Nhị Khê rộn ràng giã bánh thâu đêm nhưng giờ chỉ còn sót lại ngót chục gia đình vẫn cố giữ lấy nghề tổ chẳng muốn đi đâu hay chuyển làm nghề khác.
Thật là may mắn cho người ham ăn quà cổ nông thôn bởi vậy bánh dày Quán Gánh vẫn còn tồn tại chưa vắng mặt và vẫn cứ nổi danh là món đặc sản vùng sông Hồng.
Hits: 742