Miếu Thượng Thanh (Thanh Oai)

Miếu Thượng Thanh tọa lạc trên một khu đất rộng liền sát ngay bờ hồ Thanh Đàm, cạnh con đường trục liên xã, tạo nên một quần thể di tích của làng Thượng Thanh, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Miếu Thượng Thanh là công trình tưởng niệm vị anh hùng Cai Công, một nhân vật lịch sử gắn với thời dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ thứ I sau Công nguyên.

Miếu Thượng Thanh

Miếu Thượng Thanh – thờ Đại nguyên soái Cai Công, miếu Thượng Thanh còn được gọi theo tên vị thần được thờ là miếu Cai Công. Đại nguyên soái Cai Công, theo truyền thuyết dã sử, các tư liệu thần phả, hoành phi câu đối hiện còn lưu trong miếu, là một vị tướng hùng tài dũng lược của dân tộc. Ông là tướng quân trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống giặc Đông Hán, giành lại độc lập cho đất nước ở thế kỷ thứ I. Về lai lịch và công danh của Đại nguyên soái Cai Công, theo cuốn ngọc phả do Hàn lâm viện Đông Các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và được sao chép nhiều lần ở các đời, hiện lưu tại miếu, cho biết:
Đại nguyên soái Cai Công vốn là con một gia đình khá giả, quê ở động Lăng Xương, phủ Hưng Hóa, đạo Sơn Tây. Thân phụ là Vương Quang, giỏi thi thư, thân mẫu là Đào Thị Hồng. Năm 11 sau Công nguyên, hai ông bà đã ngoài 40 tuổi mới sinh được Cai. Tương truyền, ngay từ nhỏ, Cai đã là người thông minh đĩnh xuất. Năm lên chín tuổi đã được cha mẹ đón thầy dạy cả văn lẫn võ nghệ. Mới học được vài năm mà đã làu thông kinh sách, ai cũng kính nể.
Rước thánh từ miếu ra đình
Thời gian thoi đưa, năm Cai 20 tuổi, bố mẹ ngài thấy nơi ở quê hương bất lợi trước hiểm họa thái thú Tô Định tàn bạo, liền bỏ quê hương đi lánh nạn. Ông bà họ Vương đến đất Thượng Thanh Thần xã, Thanh Oai huyện, Ứng Thiên phủ, thấy nơi đây cảnh quan tươi đẹp, nhân dân phong tục thuần hậu nên xin tạm trú ở chùa Diên Phúc làm thủ tự. Gia đình họ Vương lại “Tích tài cấp cách, dưỡng lão chẩn bần” làm điều phúc cho dân. Khi ấy, ông bà họ Vương đã quá tuổi lục tuần. Được ít lâu, hai ông bà đều sớm qua đời. Cai Công đau đớn mai táng phụ mẫu ở Biên Đàm và xin cho báo hiếu sau này, rồi từ đó dốc sức vào việc văn ôn võ luyện, thu thập nhân tài. Chùa Diên Phúc trở thành lò luyện võ nghệ của các trai tráng trong vùng.
Nghe tin Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa trả thù nhà đền nợ nước, Cai Công giả làm nữ tướng, đến ra mắt hai bà, xin được đứng dưới cờ khởi nghĩa. Bà Trưng vui mừng nhận Cai Công làm bộ tướng và hẹn ngày hội quân khởi nghĩa. Cai Công trở về Thượng Thanh Thần, bí mật chiêu binh tụ nghĩa. Chỉ trong vòng 15 ngày, Cai Công đã tập hợp được 359 nghĩa binh. Tháng 3 năm 40, Cai Công làm lễ tế cờ ở miếu Thượng Thanh rồi kéo quân lên cửa Hát Giang hội nghĩa quân của Hai Bà Trưng, lập đàn tế cáo trời đất. Cai Công được phong tướng tiên phong, khăn áo đóng giả gái thống lĩnh 3 vạn quân với 500 ngựa, chia hai đường thủy bộ hành quân thẳng tới thành Tô Định chiến đấu. Quân Tô Định đại bại, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thắng lợi, 65 thành được giải phóng. Bà Trưng Trắc lên ngôi vua, phong bà Trưng Nhị là Bình Khôi công chúa. Cai Công được phong Khai quốc Đại nguyên soái, giúp nhà vua củng cố chính quyền và xây dựng đất nước.
Sau khi đánh thắng giặc, Cai Công trở về thăm quê hương Thượng Thanh, nhân dân vui mừng đón rước và muốn giết trâu bò dâng hiến quan quân. Cai Công vội ngăn lại và dạy rằng: “Quốc phú bình cường là nhờ sức kéo của trâu bò. Trâu bò là con vật có ý nghĩa vậy nỡ nào mà giết nó”. Dân làng Thượng Thanh nghe theo và làm cỗ chay dâng tiến thì Ngài nhận. Từ đó đến nay, dân làng Thượng Thanh có tục làm cỗ chay. Cai Công còn sai quân sĩ cùng dân làng trùng tu lại vọng cung bên hồ Thanh Đàm thờ Đương cảnh thành hoàng.
Ba năm sau, nhà Đông Hán sai Mã Viện mang đại quân sang xâm lược nước ta. Hai Bà Trưng cùng các tướng lĩnh tổ chức kháng chiến chống giặc. Trước thế giặc mạnh mà nghĩa quân còn non yếu, Đại nguyên soái Cai Công được lệnh mang quân lên vùng biên ải Lạng Sơn cản giặc. Nghĩa quân chiến đấu dũng cảm nhưng không cản được giặc do tương quan lực lượng quá chênh lệch. Nghĩa quân lui về giữ Cẩm Khê, cuối cùng tan vỡ, Hai Bà Trưng hy sinh giữa trận tiền. Cai Công vẫn tiếp tục chiến đấu quyết liệt. Đến khi chỉ còn 28 nghĩa binh, ông mở con đường máu, phá vây, rút về đến Thượng Thanh Thần để mưu nghiệp về sau. Nhưng ở quê hương Ngài đã hóa, để lại niềm tiếc thương kính phục của dân làng. Cảm công đức của Ngài, dân làng Thượng Thanh Thần lập miếu ngay bên bờ hồ, thờ phụng đến nay.
 Nhà bia
Miếu Thượng Thanh tọa lạc trên một khu đất rộng bên bờ hồ Thanh Đàm, liền kề đó là đình Thượng Thanh và chùa Diên Phúc, tạo nên một quần thể di tích lịch sử quý giá của địa phương. Miếu trông theo hướng Tây, nhìn ra mặt hồ. Bên trái miếu là một nhà giải vũ. Theo các nguồn sử liệu và hồi ức của nhân dân địa phương thì miếu có từ xa xưa, ngay sau khi Đại nguyên soái Cai Công hóa. Trong ngọc phả còn ghi lại miếu được tu sửa lần thứ nhất từ thời Sĩ Nhiếp. Căn cứ trên những dấu tích kiến trúc hiện còn tồn tại nơi miếu, có thể khẳng định rằng miếu thờ Cai Công đã có từ xa xưa. Quy mô khi đó có thể còn nhỏ bé với các loại nguyên vật liệu tranh tre đơn giản. Trải qua nhiều lần trùng tu, miếu được mở rộng dần. Quy mô bề thế của miếu hiện nay là kết quả của lần trùng tu cuối cùng năm Khải Định tam niên (1918). Từ đó đến nay, những sửa chữa nhỏ thường xuyên được tiến hành nhằm giữ gìn bền vững cho ngôi miếu cổ.
Về mặt kiến trúc, miếu hiện nay được làm theo kiểu chữ Đinh (T), mặt tiền trông ra hồ Thanh Đàm, trong khuôn viên có vườn cây cổ thụ. Đại bái ngôi miếu gồm ba gian với bốn vì kèo chính, xây trên nền có chiều dài 13m, rộng 7m. Phía trước nhà đại bái là hai cột trụ biểu cao, có mặt cắt hình vuông, phía dưới chân tạo dáng thắt cổ bồng, phía trên đầu cột có đắp lồng đèn và bốn ô tứ linh, hổ phù. Trên đầu trụ biểu đắp một đôi lân chầu nhau. Hai mặt phía trước và bên trong khắc chìm những đôi câu đối ca ngợi vị trí phong cảnh của ngôi miếu. Toàn bộ khung nhà đại bái là nơi dành cho các bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ dân gian thể hiện các tác phẩm độc đáo của mình.
Miếu Thượng Thanh nằm trên một nền cao 1,2m so với mặt sân. Phía bên trái là một ngôi nhà giải vũ ba gian, phía bên phải là một lối đi lát vỉa gạch nghiêng rộng 2m, dẫn ra đường liên xã. Cũng trong khu đất ven hồ, cách không xa miếu là một am thờ nhỏ, cũng trông ra hồ Thanh Đàm, tương truyền đây là nơi thờ phụ mẫu đức Cai Công. Nhân dân Thượng Thanh vẫn thường gọi là đền Ngoài.
Các di vật trong miếu Thượng Thanh đến nay còn giữ gìn được nhiều di vật quý giá thuộc nhiều chất liệu khác nhau, gồm nhiều loại khác nhau như: Nhóm chất liệu giấy có một cuốn “Trưng Vương công thần Ứng Thiện Bảo Cai ngọc phả cổ lục” do Hàn lâm viện Đông Các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), Quản giám bách thần tri điện Hùng Lĩnh thiếu khanh sao lục năm Vĩnh Hựu thứ tư (1738) theo bản chính cũ và sao lại năm Tự Đức bát niên (1855). Mười một đạo sắc phong của các vị vua các triều Lê – Nguyễn phong thần. Sớm nhất là đạo sắc mang niên đại Vĩnh Thịnh lục niên (1710) , muộn nhất là đạo sắc mang niên hiệu Khải Định cửu niên (1924).
Nhóm đồ vật gỗ gồm có hai cỗ kiệu bát cống sơn son thếp vàng lộng lẫy, một cỗ được tạo tác ở thế kỷ 18, còn một cỗ làm đầu thế kỷ 20. Các đòn cái, đòn con của kiệu được cách điệu thành những con rồng tư thế bay trong mây. Rồng vươn cao đầu, miệng rộng, mũi sư tử hếch, râu tóc đua ra sau thành từng lớp, bốn chân xoè lượn, thân uốn mình, nổi các vẩy ánh trong các cụm mây. Đòn cái kiệu dài 3,3m, đòn ngang dài 2,1m, đòn con dài 1,4m.
Một bức cuốn thư hoành phi “Thần Châu hiển thánh” có diềm chạm lộng tứ linh và hổ phù, sơn thếp lộng lẫy, tạo tác năm 1938. Một bức cửa võng gỗ chạm lộng cửu long tranh châu, sơn son thếp vàng phong cách điêu khắc đầu thế kỷ 20. Chín đôi câu đối ca ngợi công trạng đức thánh Cai Công; trong đó có năm đôi khảm trai một cách tinh xảo. Tinh xảo và công phu nhất là đôi câu đối 21 chữ của Giáp Đoài: các chữ khảm trai được can ghép bằng những mảnh hình lục giác, mỗi hình lục giác lại có đường viền xung quanh, giữa hình có chạm hoa đến từng chi tiết nhỏ. Nội dung đôi câu đối: Khải Nhị Trưng hoàng nghiệp, thu Bách Việt cố cương, nguyên súy cao huân, Nam quốc sơn hà tiêu túc hận/Lưu xích kiếm Thần Châu, kỵ ngũ vân thiên tế, Đại vương linh khí, Tây hồ phong lãng Thượng dư uy. (Dịch: Giúp Nhị Trưng cơ nghiệp lớn, thu Bách Việt cõi bờ xa, nguyên soái công cao, nước Việt non sông đà hết hận/ Lưu thước kiếm đất Thần Châu, cưỡi năm màu mây Thượng giới, đại vương khí mạnh, hồ Tây sóng gió vẫn lừng)
Đôi câu đối này được viết năm Duy Tân Nhâm Tý 1912, tức là cách đây gần 100 năm. Đặc biệt là dòng lạc khoản dài tới 44 chữ: “Tự Đức Mậu Dần Giải nguyên Thái tử Thiếu Bảo Vinh lộc Đại phu trụ quốc hiệp biện Đại học sĩ Tiền Binh bộ Thượng thư Tổng đốc Bình Định Phú Yên đẳng xứ địa phương Vân Đình Dương Lâm Mộng Thạch cung soạn”. (Nghĩa: (ông) Dương Lâm đỗ giải nguyên năm Tự Đức Mậu Dần 1878, hàm nhất phẩm Thái tử Thiếu Bảo Vinh Lộc đại phu, chức Tiền binh Bộ Thượng thư Tổng đốc Bình Định Phú Yên soạn).
\
Lễ hội làng Thượng Thanh – Kiệu rước thánh
Một khán thờ cao 2,1m; rộng 1,4m; sâu 1,2m; phủ sơn mài bóng mượt. Khán có diềm chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt và cửa mở phía trước kiểu bức bàn. Một cỗ ngai bài vị phong cách tạo tác thế kỷ 17.  Một hương án hình hộp cao 1,6m; rộng I,7m; dày 0,85m; chia nhiều tầng, nhiều ô trang trí theo các đề tài chữ thọ, hổ phù, long ly quy phượng, hoa lá cách điệu. Phong cách chạm nổi của thế kỷ 19. Một đôi cây quán tẩy được tạo tác hình tượng phượng, long, sen, trúc mềm mại sinh động. Một đôi hạc gỗ cao 2,2m có phong cách tạo tác thế kỷ 18 đứng trên đôi rùa đá. Bốn mâm rồng, đường kính 0,6m khảm trai. Hai đài nước lớn khảm trai. Bộ bát bửu. Hai thanh kiếm. Bộ tam sự, ngũ sự đồng. Ngoài ra, trong miếu còn nhiều đồ tế tự khác bằng gỗ, đồng, vải…
Về mặt giá trị khoa học – văn hóa – nghệ thuật: Di tích miếu Thượng Thanh là công trình tưởng niệm vị anh hùng Cai Công, một nhân vật lịch sử gắn với thời dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ thứ I sau Công nguyên. Trong những giá trị hiện còn, thì cuộc đời và sự nghiệp lớn lao của Đại nguyên soái Cai Công đã được dệt thành một lớp màn huyền thoại phủ trùm lên tòa miếu cổ và tạo ra một khu vực văn hóa lịch sử lâu đời.
Về góc độ kiến trúc nghệ thuật, di tích miếu Thượng Thanh tuy quy mô kiến trúc không lớn nhưng có vẻ đẹp độc đáo do khéo kết hợp với cảnh quan thiên nhiên bao quanh trong khuôn viên di tích, nhiều di vật nghệ thuật quý hiếm vẫn được bảo tồn, lưu giữ. Hiện trạng đó đã khẳng định trình độ sáng tạo nghệ thuật cao của cha ông ta trong xây dựng di tích truyền thống.
Có thể nói miếu Thượng Thanh thực sự là nơi di dưỡng tinh thần cho các bậc cao niên ở địa phương. Mỗi khi đến miếu Thượng Thanh, người dân như được vào một không gian trưng bày nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân gian Việt Nam những thế kỷ trước. Đây cũng là nơi giới thiệu, phát huy truyền thống của Tổ tiên cho các thế hệ mai sau. Nằm trong vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời, di tích miếu Thượng Thanh đã tạo ra một trung tâm di tích văn hóa lịch sử lâu đời của dân tộc, làm thành một điểm của tuyến tham quan du lịch phía Nam thủ đô Hà Nội.

Hits: 1387

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *