Lăng đá Quận Vân (Thường Tín)

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng chừng 20 km về phía Nam là khu lăng mộ đá Quận công Đỗ Bá Phẩm thuộc xã Vân Tảo, Thường Tín. Lăng mộ có cách đây hơn 200 năm, là một công trình kiến trúc nghệ thuật bằng đá đặc sắc vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, cùng hệ thống “linh vật” thuần Việt độc đáo của Thủ đô. 

Khu lăng đá Quận công Đỗ Bá Phẩm

Quận công Đỗ Bá Phẩm người làng Vân La, xã Vân Tảo huyện Thường Tín. Ông làm quan nội thị vào các triều vua Lê Dụ Tông, Lê Duy Phường, Lê Thuần Tông, ông vốn xuất thân từ một gia đình nghèo, trước lúc làm quan, ông đã có một con trai và bà vợ tên là Diệu Thân, sau đó ông làm quan thị tại phủ Chúa Trịnh và giữ chức trấn thủ trấn Sơn Nam và được chúa Trịnh Cương giao cho làm chức tư giảng, chuyên dạy dỗ thế tử Trịnh Giang. Năm 1732, Thế tử Trịnh Giang lên ngôi Chúa, là người hôn ám, nhu nhược, không kham nổi việc nước. Hai năm sau, Đỗ Bá Phẩm bị chúa Trịnh Giang phế chức trấn thủ Nam Sơn. Năm 1733, thấy thế đất ở đây hợp phong thủy, ông cho người chở đá từ Đông Triều (Quảng Ninh) về xây lăng làm nơi an nghỉ. Nhưng lăng chưa kịp hoàn thiện thì có gian thần trong triều dèm pha, cho rằng ông mưu đồ làm phản, nên Quận công bị đày ra Quảng Ninh rồi viên tịch ở đó.
Sau trận lũ lịch sử năm 1915, đê sông Hồng vỡ, phù sa bồi dày hơn 2m lên cánh đồng trũng, phủ kín quần thể lăng đá. Năm 1986, chính quyền xã cải tạo ruộng đồng, huy động máy xúc khai thác đất phù sa để trồng ngô. Khi đào đất, mọi người sững sờ khi thấy các tượng đá lộ ra. Với vẻ đẹp độc đáo của mình, khu lăng đá đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2003. Tổng thể khu lăng mô chia làm 3 khu vực.
Bệ đá thờ tại sân lăng
Khu vực một, cụm ngoài cổng có một con chó đá ngồi chầu, chó đeo vòng nhạc ở cổ được coi như một lính canh túc trực, tiếp đó là 2 tượng võ lực sỹ tay cầm kiếm, mặc áo thụng triều phục, chân đi hia, đầu đội mũ trụ có hoa văn lá sài kép chạy xung quanh mũ, hai tượng đối diện tư thế nghiêm trang. Đặt trước tượng người là 2 bàn đá được đục thắt đáy chia ra làm 5 tầng, mỗi tầng đều vuốt thẳng không chạm hoa văn. Đây là 2 chiếc bàn để sắp lễ trước khi vào khu vực trong hành lễ.
Tượng võ sĩ chạm khắc theo phương pháp tả thực với đường nét, hình khối tinh xảo, cân đối
Khu thứ hai là sân lăng, sân lăng gồm có 3 bệ đá, 2 bệ nằm dọc theo tuyến trục và một bệ nằm ngang. Ba bệ đá này được đầu tư rất nhiều công sức, hai bệ dọc là khối đá hộp chữ nhật, nghệ nhân tạo tác đá đục thắt hai đầu và mỗi đầu chia thành 5 tầng tạo thành lớp, hai đầu Bắc và Nam bệ được đục nổi hai con long mã ở tư thế đang phi, hai chân trước xoài ra, hai chân sau, một chân co và một đạp trông rất động. Đầu hai con long mã hơi ngửa vào một đĩa chọn khắc hai hình Âm Dương tương phối. Hai mặt Đông và Tây bệ được tạo tác 4 con cá hóa rồng. Từng cặp cá chầu vào mặt nguyệt, xung quanh thân cá được điểm xuyết những cụm mây làm cho cá hóa rồng như đang vùng vẫy thỏa thích. Mặt nguyệt hình tròn có 6 hàng chạm bát giác xen kẽ các đường gờ tạo những lăng hoa văn bát giác như trên mai rùa.

Thân hương án chạm phù điêu “lưỡng nghê chầu lư hương”
Bệ đá giữa nằm ngang theo hướng Đông Tây cũng là khối đá hộp chữ nhật, hai đầu đốc chạm nổi hai co ly chầu mặt nguyệt, Ly có mắt lồi tròn, mũi to, miệng há, tóc và râu đều xoắn lại thành cụm nhỏ, thân uốn cong đuôi vểnh lên trên, chân hơi đạp về phía trước, hai mặt Bắc và Nam chạm mỗi mặt bình hoa cuốn thư trên bình hoa có 7 bông sen 3 bông hoa mãn khai và 4  nụ hoa, bốn 4 búp 2 góc có một con bướm đang ở tư thế bay là xuống hoa, ngang thân hình, hoa cả phần dưới nền hoa văn là chữ “vạn” chạy đều thành một nền gốm trông rất đẹp mắt.
Cách hương án hai bên có một tượng “Voi phục” kích thước rất lớn, gần bằng voi thật
Tiếp đến, có 2 con voi, 2 con ngựa, 2 con chó, 6 con vật này được tạo thành bởi những khối đá lớn, Voi cao khoảng 1,5m đang ở thế nằm, hai chân trước duỗi thẳng, 2 chân sau đưa về phía sau, trên lưng có khắc bành để ngồi, cổ đeo một chuỗi hạt tròn. Hai con ngựa ở tư thế đứng im, đầu ngẩng, ngựa có áo yếm và bàn đạp, dây cương đóng hàm thiếc, đeo nhạc khí quanh cổ, các họa tiết trên đều trạm nổi. Ở giữa tuyến có 2 con chó nằm, hai chân trước xoải ra thoải mái, hai chân sau  tỳ vào bụng, tai chó cụp, nằm ngẩng đầu trông hiền lành thoải mái ở tư thế nghỉ ngơi.
Tượng ngựa có dáng chân thấp, mình tròn, chạm trổ lục lạc, yên cương
Tiếp đến là hai bệ đá nằm chính tuyến thần đạo là hương án, hương án tạc chân quỳ dạ cá, có điểm xuyết các hoa văn cụm mây, lửa. Hoa cúc tròn và các gờ trang trí nổi, tầng tiếp với bề mặt phẳng là 2 đường cánh hoa sen chạy ngược và chạy xuôi, thân án tạo thành những khoảng rộng hẹp khác nhau bởi 12 đôi cột chống, chính giữa hương án đặt một bát hương đá có tai cao trông như một đỉnh vuông không có nắp. Hương án thứ hai cao hơn hương án thứ nhất, có tay ngai.
Tượng chó, cũng có tỷ lệ như con vật thật, chầu trước hai hương án đặt liền nhau
Khu vực thứ ba, là cụm nhà bia và mộ, trước nhà bia là 2 con nghê trông vào nhau, giữa con nghê là một sập đá chạm chân quỳ dạ cá, nền sập chạm chữ “vạn” làm nền gấm, các đường thẳng thắt, dật cấp tạo thành gờ 5 tầng. Phía Tây nhà bia tạc một con nghê chân phải đạp lên quả cầu, nghê có đầu to, ức rộng, chân trước đục thủng rời khối đá, chân sau đục nổi cơ bắp trông chắc khỏe, oai vệ biểu hiện sức mạnh cơ bắp, chân nghê có búi lông thành những cụm lửa cháy ngược bờm xoắn suốt từ đầu tới chân, mặt nghê có cung mày cao dô, mũi lớn, miệng rộng đang ngậm ngọc, cổ đeo một nhạc khí tròn to dưới bàn chân hai chân sau có hai búi lông hình lửa chạy ngược lên, hai con đầu chầu vào nhau.
Ngai thờ được chạm khắc tinh xảo từ đá nguyên khối
Nhà bia gồm 10 phiến đá ghép thành một nhà bốn mặt vó, mỗi cửa có 3 phiến đá dựng đứng thành 3 ô cột trong đó có một nửa chữ nhật được đúc thành những gờ chỉ chia thành 3 hình chữ nhật làm cho phiến đá thô cứng. Riêng mái là một phiến đá liền được cách giữa mái này với mái khác. Hòn kê 4 cột đỡ lề mái là 4 phiên đá nhỏ đục bát giác. Bên trong đặt một tấm bia hình chữ nhật, rán bia chạm nổi 2 con rồng chầu mặt nguyệt, rồng uốn cong ở tư thế rất khỏe mạnh, mặt nguyệt mỗi bên có 5 múi lửa múi mác chạy ngang. Diềm bia chạm hoa chanh trong hình lục lăng. Bia được khắc chữ một mặt và được làm năm “Long đức nhị niên trọng đông nguyệt lục nhật tạo” dịch là (Làm bia ngày 6 giữa Đông năm Long Đức thứ hai 1733). Phần lạc khoản ghi “Trưởng đăng khoa dịch văn điều trị sự giám sinh Hoàng Kính Đăng”.
Nhà bia
Nóc nhà bia là một phía đá liền tạo thành mái nhà 4 phía. Để ngăn cách từng mái các nghệ nhân xưa đã đục nổi từ góc chạy lên đỉnh một đường gò gọi là bờ mái. Mái nhà hình khung trên cùng 4 đường gờ mái là một hình hoa thông được chạm nhiều cành.
Đôi nghê đá chầu trước nhà bia, được chạm một cách tinh xảo
Cách nhà bia khoảng chừng 6 mét có một mộ gồm 2 phiến đá ghép kín tạo thành 4 mái che, các đường mái cũng làm giống như nhà bia, phần mộ chìm sâu xuống lòng đất.
 Phần mộ đá nổi trên mặt đất
Như vậy ta thấy, khu lăng mộ Quận Vân vẫn còn cho thấy những dáng dấp nghệ thuật dân gian, ngoài những linh vật quen thuộc là những hình khắc hoa, bướm được thể hiện sinh động. Toàn bộ khu lăng với kiến trúc đá đồ sộ cấu tạo hoàn chỉnh, ngoài thể hiện giá trị về tư tưởng phản ánh xã hội đương thời còn có giá trị về nghệ thuật xây cất lăng bằng vật liệu đá ở thế kỷ trước. Trong trí nhớ của các cụ cao niên ở Vân Tảo cho biết, công trình đá nói trên là lăng tưởng niệm đồng thời vẫn mang tính chất là nơi thờ cúng người quá cố, những ngày xuân tết, dân làng vẫn đến đó để tế lễ.

Hits: 801

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *