Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây)

Nằm cách Hà Nội hơn 50km, Làng Cổ Đường Lâm thuộc địa phận thị xã Sơn Tây là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội bởi những nét đặc trưng về kiến trúc nghệ thuật của một làng Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng còn lưu giữ được. Đây là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 19/5/2006.

Cổng làng Đường Lâm

Đường Lâm là một xã thuộc thị xã Sơn Tây, nằm bên bờ phía Nam sông Hồng, cạnh Quốc lộ 32, phía Tây giáp xã Cam Thượng (Cam Giá Thượng), huyện Ba Vì; phía Nam giáp xã Thanh Mỹ; phía Đông giáp phường Phú Thịnh; Phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc, ranh giới chính là sông Hồng. Với những nét đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật của một làng Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Đường Lâm còn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi duy nhất “một ấp hai vua” – nơi sinh của vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền nên nơi đây còn gắn liền với những di tích lịch sử, văn hóa Nho học. Đây là quê hương của nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố cái Đại Vương Phùng Hưng, Thám hoa Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), bà Chúa Mía (vương phi của Chúa Trịnh Tráng), Phan Kế Toại (Phó Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong 4 nhiệm kỳ), Hà Kế Tấn (Bộ trưởng Bộ Thủy lợi 1964-1973), Phan Kế An (Họa sĩ vẽ tranh biếm họa của Báo Sự thật)… Ngày nay, làng cổ Đường Lâm vẫn còn giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, điếm canh, giếng nước, ruộng, gò, đồi, miếu, chùa…

Tường đá ong – đặc trưng của Làng cổ Đường Lâm

Từ ngoài đường chính, đi qua cổng làng cổ nằm ở làng Mông Phụ, quay về hướng Đông Nam, là một ngôi nhà hai mái nằm ngay trên đường vào làng, bên cạnh là cây đa hơn 300 tuổi, bến nước, ao sen, dọc theo con đường lát gạch sạch sẽ, hai bên là những bức tường đá ong đặc trưng, du khách vào trung tâm của Làng cổ Đường Lâm. Nét cổ nhất của Đường Lâm nằm ở kiến trúc cổng làng và đình Mông Phụ. Cổng làng hội tụ bao lớp lang văn hoá với kiến trúc vòm, lớp đá ong cổ. Vốn dĩ làng có tới 5 cổng, một cổng lớn và 4 cổng trấn tứ phương. Hiện tại chỉ còn sót lại cổng làng Mông Phụ được xây dựng từ năm 1833, trên còn tựa dòng chữ “Thế hữu hưng ngơi đại”, tạm dịch là “Thời nào cũng có người tài giỏi”.

Nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hùng

Làng cổ Đường Lâm có gần 1.000 ngôi nhà cổ, nằm ở các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất lâu đời, từ những năm 1649, 1703, 1850… đều được xây dựng bằng loại vật liệu truyền thống của xứ Đoài là: đá ong, tre, gỗ xoan, nứa, gạch đất nung, ngói, đất nện, trấu, mùn cưa,… Về tổ chức không gian, khuôn viên, các thành phần của chủ yếu của nhà ở truyền thống của Đường Lâm gồm có: Cổng, tường rào, sân, vườn, nhà chính, nhà phụ, bếp, chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một số nhà rộng còn có bình phong, giếng nước và một số ít gia đình còn có ao.

Bố cục kiến trúc trong khuôn viên nhà ở Đường Lâm phổ biến là kiểu nhà chính và nhà phụ vuông góc với nhau theo kiểu “thước thợ”, kiểu nhà chính và nhà phụ song song với nhau theo kiểu “tiền khách hậu tự” thường là những nhà giàu có, nhà trưởng họ. Nhà cổ ở Đường Lâm thường hướng về phía Nam và Đông Nam, mát về mùa hè và ấm về mùa đông.

Giếng cổ ở Đường Lâm

Đến thăm Đường Lâm, du khách thấy ấn tượng ngay với không gian đặc trưng của những ngôi nhà chưa bị tác động nhiều của lối sống đô thị hóa. Đi dọc đường làng, vào các ngõ xóm, những bức tường đá ong, tường trình, tường gạch tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của làng cổ vùng bán sơn địa xứ Đoài mà không nơi nào có được. Với hàng trăm ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 năm đến 200 năm, nhà cổ truyền thống ở Đường Lâm có giá trị nghiên cứu về kết cấu kiến trúc, bộ khung, bộ cửa, vật liệu xây dựng, chạm khắc hoa văn…

Cổng nhà cổ của ông Hà Nguyên Huyến

Một số ngôi nhà nổi tiếng ở Đường Lâm hiện còn lưu giữ được nguyên nét cổ, và là địa chỉ không thể bỏ qua khi đến Đường Lâm. Đó là nhà của ông Hà Nguyên Huyến: Là di tích được xếp hạng nhà cổ dân sinh loại một. Ngôi nhà gây ấn tượng mạnh cho khách tới thăm bởi màu xanh cây cối. Vốn có nghề nấu tương, ông Huyến dành hầu hết diện tích sân làm nơi chế biến. Các vại tương màu nâu trầm xếp hàng đều tăm tắp trên khoảng sân gạch. Là người đam mê chữ Hán nên ông Huyến trang trí nhà cửa bằng các câu đối có nét chữ đẹp mắt. Các vật dụng nhỏ như điếu bát, ấm chén sứ, đèn dầu… trong nhà làm bật lên được tính cách tinh tế, hoài cổ của chủ nhân.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Hùng: Cũng được xếp hạng nhà cổ dân sinh loại một. Ngay khi đến thăm, du khách sẽ ngạc nhiên trước chiếc cổng được xây dựng theo lối xưa bằng đất đá, bã trấu, bùn để tạo chất kết dính và lối vào rợp bóng bởi cây tơ hồng. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1649, chủ yếu bằng gỗ mít và gỗ lim nhưng những nét chạm trổ tinh hoa trên cửa từ thời Hậu Lê vẫn còn nguyên vẹn. Ngôi nhà được kết cấu theo kiểu 5 gian 2 chái, 3 gian giữa là nơi thờ cúng tổ tiên, thêm bộ trường kỷ dùng để tiếp khách. Hai gian bên cạnh dùng làm nơi ngủ.

Nhà cổ của chị Dương Lan: Được xây từ năm 1780, bục cửa được thiết kế rất cao khiến cho người vào nhà đều phải cúi rạp mình khi bước qua. Trong nhà có những đồ trang trí như hình chiếc sừng chỉ có trong nhà của những người đỗ đạt làm quan. Nhà cổ có ưu điểm mùa Hè mát còn mùa Đông ấm. Ngoài ra, không gian thoáng đãng và khả năng tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên cũng là điểm mạnh của nhà cổ Đường Lâm…

Những chum tương ở nhà cổ của ông Hà Nguyên Huyến

Ngoài ra làng cổ Đường Lâm còn có một hệ thống các nhà thờ họ, miếu, quán đình, chùa, giếng cổ… nằm trong một môi trường cảnh quan sinh động và trù phú đã tạo thành một điểm nhấn thú vị cho vùng đất Sơn Tây và Hà Nội.

Hits: 4080

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *