Đình Vĩnh Lộc (Thạch Thất)

Từ Trung tâm Hà Nội đi về phía Tây khoảng 25 km là đến Đình Vĩnh Lộc. Đình thuộc thôn Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất. Đình Vĩnh Lộc được nhân dân trong vùng quen gọi với tên nôm là Nủa Bừa.

Cổng đình làng Vĩnh Lộc

Bước vào sân đình, không gian tín ngưỡng Việt hiện rõ nét mái đình cong cong mô phỏng hình đuôi thuyền, trên mái đình “lưỡng long chầu nguyệt” biểu tượng cho quyền uy sức mạnh. Mái đình được lợp bằng ngói vẩy rêu phong phủ lên đầy cổ kính. Hai bên có hai dãy nhà giải, mỗi dãy gồm năm gian là nơi sắp lễ, sửa lễ, bày cỗ. Ngôi đình ngày xưa được xây dựng từ đầu thế kỷ XVIII kiến trúc kiểu chữ Đinh (T) gồm Tiền tế, Hậu cung và Sơn lọng, phần nhô ra phía sau là Hậu cung và Sơn lọng, phần nhà lớn phía trước là Tiền tế. Chính điện trông hướng Nam, trước mặt là tháp môn có đôi Ly chầu hai bên, tứ Phụng ngự trên đỉnh hướng về tứ phía, giếng nước trong xanh tạo cảnh quan thoáng mát cho di tích. Hai tháp môn trước cổng đình có đôi câu đối:
“Ngọc phiến triều tiền linh thủy tú
Kim quy bái hậu úc sơn cao”
Dịch nghĩa:
“Trước đình giếng nước trong xanh
Như cây quạt ngọc long lanh phụng chầu
Rùa vàng cúi lạy phía sau
Tựa non cao đượm muôn màu tốt tươi”
Ngụ ý ngôi đình được đặt vào nơi quý địa.
Gian Tiền tế hay còn gọi là Đại bái kiểu kết cấu ba gian hai dĩ, chính giữa trưng bức hoành phi sơn son thiếp vàng: “Nhân Thiên Thí Phổ” (Tạm dịch: Lấy nhân nghĩa đối với mọi người). Đôi ngựa gỗ hai bên, bộ chắp kích cổ tạo nét uy nghi cổ kính cho không gian chính điện Tiền tế. Chính giữa gian bộ Câu kết cấu chồng giường gánh đỡ toàn bộ gian chính điện. Trước và sau được đỡ bằng những cặp kẻ, bẩy vững trãi, đầu bẩy tạo hình đầu rồng đội kẻ thượng và chạm hình trúc hoá long. Nếu tại nhà cổ tư gia bộ kẻ thấp hơn bộ bẩy thì tại đình làng bộ kẻ và bộ bẩy có độ cao ngang bằng nhau. Vì sau gian tiền tế là gian Hậu cung nên các cặp bẩy không thể thấp xuống, nếu thấp sẽ che đi mặt tiền của Hậu cung làm cho sinh khí kém thông thoát.
Hòn non bộ đặt sau Tiền tế nối liền với gian Hậu cung và Sơn lọng bên trong, ba bề xây tường gạch đá ong, trổ cửa nách ra vào. Mái nhà Hậu cung lợp ngói mũi hài to bản, hình bầu, cong như cánh sen. Hai góc nhà phía sau Hậu cung tạo thành đầu đao cong. Bước vào bên trong không gian thu hẹp dần bởi kết cấu một gian hai dĩ của cả Hậu cung và Sơn lọng. Đôi hạc cổ ngự hai bên trong gian Hậu cung toát lên vẻ thanh thoát biểu hiện của sự may mắn và trường tồn. Bên trong Hậu cung sau bức rèm là ba ngai thờ, nơi ngự của tam vị thành hoàng làng. Trong Sơn lọng  cất giữ bộ kiệu cổ sơn thiếp rực rỡ có chạm hổ phù, và đầu rồng tinh xảo.
Đình Vĩnh Lộc thờ tam vị Thượng Đẳng Phúc Thần họ Vũ có tên là Vũ Vượng, Vũ Chiêu, Vũ Huân. Theo thần phả thì thân sinh ba vị thần là Vũ Tự Diễn người Nam Nhuế, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Sau khi vợ mất, ông đưa ba con từ Hải Dương đến chùa Phú Ổ, huyện Thạch Thất. Ông Vũ Tự Diễn đã mở trường dạy học, truyền dạy nghề thuốc ở trang Vĩnh Lộc cứu chữa bệnh cho người dân. Đầu thế kỷ XV giặc Minh xâm chiếm bờ cõi, ba ông Vũ Vượng, Vũ Chiêu,Vũ Huân đã chiêu mộ 200 dân binh ở Sài Sơn đợi thời cơ. Được tin Lê Lợi khởi nghĩa, ba anh em họ Vũ liền tiếp tục chiêu mộ thêm dân binh tham gia cuộc kháng chiến chống quân Minh do Lê Lợi đứng đầu. Sau chiến thắng, ba ông được Bình Định Vương Lê Lợi ghi công trạng cho về trông coi hưởng lộc ở các trang Hữu Bằng, Vĩnh Lộc, Phú Ổ, huyện Thạch Thất. Chính vì thế hiện nay cả ba làng Phú Ổ, Vĩnh Lộc, Hữu Bằng đều thờ chung tam vị Thượng Đẳng Phúc Thần làm thành hoàng làng để ghi tạc, tưởng nhớ công đức vô lượng của các ngài.
Tại đây, một năm có bốn ngày chính tiệc: ngày mùng 7 tháng Giêng, 12 tháng Giêng, ngày 12 tháng 5 âm lịch, và ngày 10 tháng 10 âm lịch. Còn các ngày rằm, mùng một người dân ra đình chiêm bái, cúng, lễ. Ngày xưa, nửa năm đầu tổ chức thờ cúng bên đình, nửa năm còn lại thờ cúng bên quán. Nay do nhu cầu tâm linh của nhân dân ngày càng tăng nên cả hai bên đều khai môn để phục vụ nhân dân trong những dịp lễ, rằm, mùng một hàng tháng. Hội làng Vĩnh Lộc được tổ chức 5 năm một lần vào ngày mùng 7 tháng Giêng để tưởng nhớ công ơn của tam vị thành hoàng họ Vũ. Lễ hội được tổ chức lớn và quy củ có sự tham gia của tất cả dân làng cũng như khách thập phương đi trảy hội. Bộ kiệu cổ được đem ra sử dụng phục vụ lễ hội, người khiêng kiệu phải là trai, gái thanh tân.
Ngôi đình còn lưu giữ một kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên, tháng 3 năm 1947 bác Tôn Đức Thắng về thăm tại đây. Bác đã nói chuyện động viên nhân dân địa phương nêu cao truyền thống đánh giặc giữ nước của tổ tiên, tích cực tham gia công tác, tin tưởng tuyệt đối và sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc nhất định thắng lợi. Một thời gian sau, thực hiện chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến” của Chính phủ dân làng đã tự nguyện dỡ bỏ gian Tiền tế và hai dãy nhà giải chỉ giữ lại phần Hậu cung, Sơn lọng để thờ phụng tam vị thành hoàng.
Cuộc chiến đấu kiên cường bất khuất của dân tộc ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ kéo dài suốt 30 năm, đại thắng mùa xuân năm 1975 đã quét sạch quân xâm lược Bắc, Nam thống nhất liền một dải. Bước vào công cuộc xây dựng đất nước phát triển kinh tế đời sống văn hóa đã tiến thêm một bước dài. Từ nghị quyết khóa VIII của Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, đại đa số người dân Vĩnh Lộc có nguyện vọng xây dựng lại gian Tiền tế và tu sửa đình làng. Nguyện vọng chính đáng ấy đã được chính quyền địa phương hỗ trợ thực hiện. Nguồn kinh phí được đông đảo nhân dân, các hộ kinh doanh, các tập thể trong làng đóng góp. Ngày 8/5/1997 (năm Đinh Sửu) nhân dân đã tổ chức lễ động thổ đặt móng, đắp nền bắt đầu xây dựng tu bổ lại và đến ngày 15/2/2000 (năm Canh Thìn) công việc hoàn thành, tổ chức khánh thành đưa công trình vào sử dụng và phục vụ nhân dân. Thành quả này thể hiện tinh thần yêu quê hương, ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc và đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân Vĩnh Lộc.

Hits: 915

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *