Đình Thụy Phiêu (Ba Vì)

Đình Thụy Phiêu tọa lạc tại làng Thụy Phiêu, xã Thụy An, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Đây là một trong những ngôi đình cổ nhất của Ba Vì.

Quang cảnh đình Thụy Phiêu

Đình được dựng trên một gò đất cao hơn 20m ở đầu làng Thuỵ Phiêu, quay hướng Đông – Đông Bắc, tựa lưng vào núi Ba Vì, trông ra đầm Đượng. Theo truyền thuyết dân gian trong vùng, đầm Đượng là nơi diễn ra trận đánh lớn giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh; quân của Thuỷ Tinh bị thua to và tan vỡ, phá chạy tán loạn thành 16 ngả, tạo thành 16 cửa. Thủy Tinh nhanh chân trốn được ra bể nhưng còn quân tướng như cua, ba ba, rùa… mắc nghẽn vì cây cối, phên, lưới của Sơn Tinh, hầu hết nằm lại ngổn ngang ở giữa cánh đồng, không đường tẩu thoát. Trong đình Thuỵ Phiêu, trên phần đầu cây cột cái tiền bên trái gian giữa có khắc dòng chữ Hán “Thôn Đông, giáp Nam. Đại Chính nhị niên. Tân Mão, thập nhị nguyệt, sơ thất nhật, tu lý” (giáp Nam, thôn Đông sửa ngày 07 tháng 12 năm Tân Mão niên hiệu Đại Chính năm thứ hai). Đại Chính là niên hiệu của vua Mạc Đăng Doanh và năm Tân Mão dưới triều này là năm 1531. Niên đại 1531 của đình làng Thuỵ Phiêu khẳng định đây là ngôi đình cổ nhất nước ta.

Trong khuôn viên vừa phải đã được xây tường gạch bao quanh, đình Thuỵ Phiêu chỉ còn một hạng mục kiến trúc duy nhất gồm 3 gian 2 chái với 4 mái chảy lợp ngói. Mái đình được lợp bằng nhiều loại ngói khác nhau, rất may mắn trong một lần đảo ngói, một số viên ngói cổ đã được phát hiện. Trên mặt của viên ngói này có khắc hai hàng chữ Hán, hàng chữ lớn khá rõ ràng “Thịnh Đức tam niên, nhị nguyệt, nhị thập thất nhật” (ngày 27 tháng 02 năm Thịnh Đức thứ ba – 1655). Như vậy, niên đại cụ thể 1655 cũng là niên đại sớm nhất hiện biết trên ngói lợp trong các kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Các chi tiết trang trí bằng đất nung gắn trên bờ guột, bờ dải có niên đại muộn hơn, vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Năm 2001, đình được công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia.

Đình Thuỵ Phiêu có kết cấu khung gỗ chịu lực chính, ba phía (sau và hai bên) có xây tường gạch nhưng chủ yếu mang tính chất bảo vệ cổ vật và không gian thờ tự. Các bộ vì đỡ mái của đình đều được làm theo kiểu vì nóc giá chiêng, vì nách chồng rường trên mặt bằng 4 hàng chân cột gỗ chính và 2 hàng cột gia cố kẻ hiên. Hầu hết cột và các cấu kiện khác đều được làm bằng gỗ mít.  Phía sau của gian giữa có một sàn lửng được tạo cách mặt nền khoảng 1,5m tạo mặt bằng sàn thờ có diện tích 12m², mở cửa phía trước tạo thành cung thờ Thành hoàng làng. Trên kiến trúc gỗ đình Thuỵ Phiêu không được trang trí cầu kỳ và dày đặc như đình Tây Đằng nhưng qua các mảng điêu khắc trên vì nóc, bộ khung của sàn gác lửng đã góp phần khá quan trọng cho việc nghiên cứu về mỹ thuật của người Việt truyền thống qua các thời kỳ.

Hoa văn kiến trúc trong đình Thụy Phiêu

Trong đình Thụy Phiêu trang trí biểu tượng vân xoắn lớn được thể hiện nhiều hơn cả trên các thành phần điêu khắc. Theo các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc, vân xoắn lớn là biểu tượng của nguồn sáng, của chớp trong tư duy của cư dân nông nghiệp lúa nước. Vân xoắn trên các con rường ở đình Thuỵ Phiêu được thể hiện bằng kỹ thuật chạm nổi, chạm chìm khá tròn trịa và trau chuốt. Đặc biệt trên một ván lá đề ở vì nóc gian bên phải có chạm hai vân xoắn lớn cuộn ngược chiều đối xứng với nhau và được buộc bởi một chuỗi hạt nổi có gắn lá đề nhỏ. Điểm uốn cong sang hai bên của vân xoắn có chạm nổi một bông hoa cúc hai lớp cánh nở xòe theo một nhị hình tròn đều. Biểu tượng hoa cúc được thể hiện ở các mảng trang trí khác trên các cột trốn của hai vì nóc gian giữa tương đối giống nhau, nét chạm vừa mềm mại vừa cứng cáp, thể hiện rõ từng gân cánh nhưng lại không hoàn toàn giống tả thật.

Hình rồng chạm trên hai cột và dầm ngang của khám thờ mang rõ nét nghệ thuật thời Lê (thế kỷ XVII) bởi các chi tiết đao mác lớn và nhọn sắc, các con thú nhỏ xen kẽ, mặt trời có vòng tròn thái cực. Trong cung thánh đình Thụy Phiêu vẫn còn lưu giữ được ba cỗ long ngai trên đặt ba bài vị, trong lòng bài vị có ghi “Tản Viên Sơn Quốc Chủ Tam Vị Đại Vương” và các bản ngọc phả (thời Nguyễn) ghi chép về sự tích của các vị thành hoàng làng. Bài vị và hai cỗ ngai là tác phẩm điêu khắc nghệ thuật thế kỷ XVII, còn một cỗ long ngai khác là sản phẩm của điêu khắc cuối thế kỷ XVIII. Hai bên có hai tượng phỗng chầu bằng gỗ trong tư thế quỳ, hai tay chắp trước ngực, cởi trần, đóng khố, tóc búi trái đào mang đậm chất dân gian. Hai đầu cột sàn gác lửng đặt đôi nghê thờ bằng gỗ chạm tư thế ngồi chống hai chân trước chầu vào. Miệng nghê há rộng, ngậm viên ngọc, các đường nét làm cách điệu, nổi khối sinh động. Đôi nghê là tác phẩm điêu khắc gỗ thế kỷ XVII.
Hằng năm, làng Thụy Phiêu có hai kỳ mở hội. Hội xuân vào những ngày đầu tháng Hai âm lịch. Hội thu vào tháng Chín âm lịch đặc biệt sôi nổi với hội đánh cá để làm cỗ thờ Đức Thánh Tản. Lễ hội này gắn với sự tích Đức Thánh Tản dạy dân đánh cá và chế biến cá. Nhưng lễ hội ở làng Thụy Phiêu có nhiều nét khác biệt so với lễ đánh cá ở Đền Và – Đông cung thờ Tản Viên Sơn Thánh. Tuy nhiên, trong mấy thập niên gần đây, vì nhiều lý do khác nhau nên dân làng Thụy Phiêu chưa có dịp tổ chức lại lễ hội đánh cá dâng Đức Thánh Tản như trước đây.

Với tất cả các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể tiêu biểu đó, đình Thụy Phiêu đã có những đóng góp không nhỏ trong việc nghiên cứu sự phát triển của đình làng Việt và tín ngưỡng thờ đức Sơn thần Tản Viên.

Hits: 1678

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *