Đình Thuận An (Ba Vì)

Đình Thuận An tọa lạc trên một thế đất cao đẹp thuộc trung tâm thôn Thuận An, xã Thái Hòa huyện Ba Vì. Đình thờ Thành hoàng làng là Tam Vị Đức Thánh Tản – Một trong những vị anh hùng khai sáng lịch sử dân tộc, người có công lao trong đánh giặc giữ nước, trị thủy, dạy dân trồng lúa, được thờ phổ biến tại các di tích tín ngưỡng trong vùng.  

Quang cảnh đình Thuận An

Đình Thuận An được xây dựng đầu thế kỷ 19, được bố cục theo kiểu chữ Đinh, với tòa Đại bái ngoài, hậu cung nối dọc từ gian giữa đại bái vào thành chuôi vồ phía sau. Phía trước đại bái có sân rộng lát gạch, hai bên là nhà tả hữu mạc, bên ngoài là một sân cỏ rộng và nghi môn đình. Nghi môn được xây dựng theo kiểu hai tầng 8 mái đao cong. Lối đi chính là một cổng to lớn đồ sộ, được xây kiểu cửa vòm cuốn. Trên nóc mái đắp lưỡng cong chầu nguyệt, ở mỗi góc đao là một con kìm, con số uốn lượn mềm mại.

Khoảng giữa hai tầng mái có ghi chữ Hán. Bên dưới là thành cổng có ghi câu đối bằng chữ Hán ca ngợi cảnh quan ngôi đình và công đức của vị thành Hoàng làng. Sát cổng chính là hai trụ biểu lớn có tiết diện vuông. Trên đỉnh cột đắp tứ phượng chầu cách điệu hoa dành, tiếp đó là mặt sập hổ phù, bốn góc có 4 đầu rồng vươn ra 4 hướng uy nghi. Bên dưới là ô lồng đèn được trang trí tứ linh. Đại bái có trổ 3 cửa giữa xây kiểu vòm cuốn, hai bên của phần gian dĩ được xây tường kín trổ cửa sổ hoa tạo thoáng mát. Bên trong nhà đại bái được chia làm 3 gian 2 dĩ nhỏ với 4 bộ vì chính có khác nhau chút ít đỡ trên 4 hàng chân cột. Vì gian giữa đại bái làm theo kiểu chồng rường con nhị, hạ tiền cốn mê, hậu rường nách. Trên câu đầu là hai cột trốn đệm đấu vuông, hai rường cụt ăn mộng vào cột trốn đỡ hoành mái trung, nối hai đầu cột trốn là chồng rường con nhị. Ở hai vì nách mặt tiền của gian giữa đại bái là cốn chồng rường khít chạm nổi giả bong kênh theo tích “ Tứ linh” – trung tâm của bốn bức cuốn là một con rồng lớn, thân rồng uốn lượn như đang múa, miệng rồng đang hút một luồng nước có cá chép lên theo. Góc trên cùng là một con phượng cánh xòa hau bên đầu ngẩng cao. Phía bên dưới thân rồng ở một góc là long mã trong tư thế động chuyển, góc dưới là con rùa, xen giữa trong bức cuốn là cỏ cây vùng sông nước.

Về hai bên mái của gian dĩ tạo ra các đao là một sự liên kết rất vững của các cấu kiện gỗ hợp lại như: Ăn mộng từ thân cột cái ra đầu cột góc là một xà đinh, trên lưng xà đội một cột trốn qua đấu vuông thót đáy. Ăn mộng từ đầu cột trốn là một kẻ chuyền và một kẻ góc, kẻ chuyền này đỡ một ván dong, ván này lại ôm đỡ các hoành mái, kết hợp với xà ngang và xà dọc tạo ra phần mái dĩ và góc đao duyên dáng làm đẹp cho phần mỹ thuật trong kiến trúc cổ truyền Việt Nam.

Một số di vật tại đình Thuận An

Trang trí trên các hạng mục gỗ đại bái được thể hiện thoáng, mềm mại tập trung ở các con rường với đề tài chủ yếu là cụm vân mây cách điệu hình hoa sen, các đầu dư ở vì gian giữa được tạo tác hình một đầu rồng có mũi hếch, miệng rộng, răng nhe, mắt lồi. Đặc biệt hai bức cốn chồng rường gian giữa đại bái được chạm theo tích “Tứ linh” với trung tâm là một con Rồng lớn. Đường nét chạm trang trí các chi tiết gỗ chạm nổi hay giả bong kênh theo phong cách thời Nguyễn.

Nối liền gian giữa Đại bái là trung cung có mở 3 cửa xây vòm cuốn, cửa chính giữa đặt hương án thờ, hai cửa ngách là lối đi vào hậu cung, đây là kiểu thức ngăn hậu cung thành hiên cung và cung cấm bên trong. Bên trong hậu cung gồm 1 gian 2 dĩ được nối với gian giữa trung cung ra phía sau tạo thành chuôi vồ với 3 mái chảy lợp ngói ri, bờ rải bờ nóc đắp bờ đinh, ở hai đầu bờ nóc đắp hai con kìm. Cửa giữa hậu cung được làm ngưỡng cao mở cửa bức bàn, hai bên là lối đi vào cung cấm. Bộ vì ở gian ngoài hậu cung được làm theo kiểu chồng rường khít, hạ cốn mê. Ở vì này nối hai đầu cột, cái là một câu đầu, phía trên câu đầu đỡ 3 đường thằng chồng khít lên nhau, rường trên cùng đội thượng lương qua đấu hình thuyền. Xà nách ăn mộng bên dưới cầu đầu nối ra đầu cột quân, trên xà nách là các bức cốn hình tam giác vuông, cạnh huyền của cốn mê có cắt khấc để đỡ hoành, trên bức cốn này có chạm nổi các linh vật như: Rồng, phượng, long mã…

Vì gian giữa hậu cung được làm kiểu thượng ván mê, hạ kẻ chuyền hợp với xà nách, phía dưới đỡ hoành mái qua ván dong. Ở bên dưới bộ vì này có mở 3 cửa, cửa chính đặt hương án thờ hai bên cửa lối đi. Phía dưới cửa chính được làm ngưỡng cao chạm lưỡng long chầu nguyệt thời Nguyễn.

Đình Thuận An qua thời gian tồn tại còn giữ được nhiều di vật quý có giá trị văn hóa – nghệ thuật cao như: 2 hương án thờ gỗ, 1 cỗ long ngai bài vị, 1 bức hoành phi gỗ đề 4 chữ Hán là “Thượng Đẳng Tối Linh”, 1 kiệu giá văn có 4 chân quỳ hổ phù…

Với những giá trị đó, Đình Thuận An đã được UBND tỉnh Hà Tây cũ xếp hạng di tích lịch sử vào năm 2003.

Hits: 647

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *