Đình Phùng Thôn (Thạch Thất)

Đình Phùng Thôn nằm ở thôn Phùng, tục gọi là làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 25km về phía Tây, cách huyện lỵ Thạch Thất 6 km. Đình được công nhận xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa ngày 18/01/1993, theo quyết định số 57/VH-QĐ của Bộ Văn hóa Thông tin.

Đình Phùng Thôn

Đình làng Bùng là một di tích cổ được xây dựng trên khoảnh đất cao trông về hướng Nam, hướng của tụ phúc tụ lộc. Theo “Thần phả” làng sưu tầm được, năm 1921, ở đền thờ các vua Hùng – Phú Thọ có ghi rõ ngày mà Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa (tức thành hoàng làng đình Phùng Thôn) về qua trang An Hoa năm 546 có xuất bạc kim ra nhờ dân trang dựng một hành cung để khi về ngài có nơi trú ngụ làm việc, vì có am hiểu địa lý nên biết rõ đất này rất hợp với ngài.
Năm 549, sau khi ngài qua đời, dân trong trang đã tôn ngài trong hành cung như một bậc Từ Thân. Theo văn bia “Di Tự Hậu Thần” dựng năm Ất Mão 1675 thì từ hành cung này đã xây dựng cải tạo thành miếu từ – miếu thờ. Một kỳ lão họ Nguyễn và vợ đã xuất kim ngân ra để cung ứng cho làng chi dùng vào việc xây dựng và cho giết mổ trâu khao làng. Trước đó, ngài được phong làm Hữu tướng quân cùng Tả tướng quân Triệu Quang Phục đem quân giải vây cứu vua Lý Nam Đế ở hồ Điểm Triệt, nhờ đó vua thoát vòng vây rút về động Khuất Lão. Sau đó tháng 4 năm Mậu Thìn (548) vua Lý Nam Đế qua đời, Triệu Quang Phục rút về lập căn cứ tại Dạ Trạch, Hưng Yên, xưng là Triệu Việt Vương (548 – 571). Còn ngài lui về lập nghiệp ở làng Phùng Xá, khi ấy còn gọi là An Hoa Trang, Xứ Đoài. Ngài đến đây cùng dân làng mở thôn xóm ngày càng phồn vinh, dạy học, dạy làm nghề cho dân trang.
Năm Vĩnh Hựu thứ 6, ngày 12 tháng Giêng năm Canh Thân (1740), triều đình nhà Lê, thời vua Lê Ý Tông ( 1735-1740) đã xuống chiếu sắc phong thành hoàng cho ngài. Năm 1927, một số các cụ trong làng đã lên đền vua Hùng sao chép Thần phả cùng sắc phong về lập “Thần vị” mà tôn thờ. Và thế là từ một hành cung xưa trải qua nhiều năm tháng thăng trầm lịch sử cho đến nay ngày gần nhất là năm Bính Tý 1936 mới thực sự là một ngôi đình gồm Hậu cung, Đại đình, hai dãy tả vu hữu mạc tổng cộng 10 gian chạy dài, tất cả đều kiến trúc lối cổ, độc đáo vóc dáng hoành tráng.
Bộ kiệu với những nét chạm khắc rồng độc đáo
Ngôi đình tọa trần trên mảnh đất Phùng Thôn này là nơi có vương khí, địa thế thoáng đãng cao lộng, bao trùm, mái cong, đao cuốn, con tiện bao lớn, bốn bề hàng hiên chạy suốt. Bên trong đình, trần thiết lộng lẫy vàng son, sàn gạch đỏ nền cao, hệ thống cột cái, cột quân vững trãi cùng với nhiều mảng trạm bong kênh hình rồng tinh xảo. Ngoài ra, đình còn lưu giữ nhiều đồ thờ quý như: đôi ngựa gỗ, đôi hạc đứng trên lưng rùa, hoành phi, câu đối, ngai thờ và 3 bộ kiệu với những đường nét chạm khắc rồng thời Lý, Trần rất độc đáo. Dưới mái hiên, bên ngoài là khoảng sân rộng, cân xứng hai bên tao mạc chạy dài, cạnh bên tay phải ao sen trong sạch. Ngoài cổng thiết kế theo lối kiến trúc quen thuộc của đình làng Việt, nghi môn cao đắp tứ phụng trên đỉnh trông tứ phía, bên dưới trang trí các ô tranh đề tài phong cảnh bốn mùa, hai bên cột trụ phụ có tượng nghê khảm sành ngự trên đỉnh. Mái đình lợp ngói mũi hài đều tăm tắp, phía trên nóc đắp rồng kiểu “Lưỡng long chầu nguyệt”. Đại đình và Hậu cung được xây tách biệt tạo thành kiến trúc kiểu chữ nhị. Đại đình kết cấu 3 gian 2 dĩ, Hậu cung 1 gian 2 dĩ, các vì kèo gỗ chạm khắc nổi hình tứ linh, tứ quý mang phong cách thế kỷ XIX.
Cuối năm 1947 đầu năm 1948, đình phải tháo dỡ theo chủ trương chung “Tiêu thổ kháng chiến” để ngăn bước quân Pháp tiến công, chỉ giữ lại một gian Hậu cung trong cùng. Năm 1952, chức dịch, hương lý cùng dân làng xuống xã Ngô Sài mua lại một nếp nhà tháo dỡ mang về dựng lên một bái đường nhỏ làm nơi để các vị chức dịch trong làng hội họp, giáp phường cúng tế lễ tết hàng năm. Đến những năm sáu mươi, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đình bị bỏ hoang, sau đó được sử dụng cho công việc của Hợp tác xã nông nghiệp. Đầu năm 1975, đất nước thống nhất, đình bắt đầu được dựng xây trở lại, năm 2006  làm mới lại quán đến năm 2008 xây dựng lại đình, còn hai bên tả vu hữu mạc đã được dựng lại từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Khung cảnh đình nhìn vào rất bề thế xứng với bề dày văn hóa lịch sử của làng Bùng, với công đức của thành hoàng làng.
Lễ hội làng Phùng được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm để tưởng nhớ công ơn của thành hoàng làng Phùng Thanh Hòa đã có công giúp nước, giúp dân làm nghề có được cuộc sống ấm no đủ đầy. Phần lễ gồm tế lễ diễn ra chủ yếu ở Đại đình do các hương lão trong làng tiến hành, còn phần hội gồm có vật, đu và nhiều trò chơi dân gian khác.

Hits: 795

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *