Đình Phú Lương (Ứng Hòa)

Đình Phú Lương là công trình văn hóa cổ truyền, thuộc kiến trúc vào thời Nguyễn, hệ thống kiến trúc còn đẹp, vững chãi, bài trí đồ thờ bên trong phong phú về thể loại, đẹp về trang trí mỹ thuật. Với những giá trị đó, ngày 18/5/1993, Bộ Văn hóa – Thông tin đã cấp bằng di tích lịch sử văn hóa quốc gia cho đình làng Phú Lương.

Đình Phú Lương, xã Quảng Phú Cầu

Đình Phú Lương ở xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hoà) thờ vị phúc thần tên là Bạch Lợi, ông là vị tướng giỏi dưới quyền chỉ huy của Cao Sơn và Quý Minh ở thời Hùng Vương thứ 18. Hiện nay, trong đình còn lưu giữ một cuốn thần phả được Nguyễn Bính và các đại học sỹ làm ở Viện Hàn lâm phụng soạn niên hiệu là Hồng Phúc Tam Niên năm 1674. Cuốn thần phả được phụng sao lại chính bản vào năm Cảnh Hưng 1755, sau đó lại sao vào năm Tự Đức thứ 5 (1852), điều này phản ánh ý thức trách nhiệm của các thế hiện người dân làng thôn Phú Lương đối với vị thần của làng.
Bạch Lợi là người tiên phong tập hợp dân chúng làm thủy lợi, khai phá vùng đất đồng lầy thuộc xã Quảng Phú Cầu huyện Ứng Hòa ngày nay. Ông là người có công dựng đồn binh chống giắc ngoại xâm, giúp dân chúng trong làng canh tác, đời sống nhân dân ấm no. Với công lao to lớn trên, sau ngày ông mất, dân làng đã lập đền thờ, tôn ông là vị phúc thần làm thành hoàng phù trợ cho dân làng. Hiện nay, đình Phú Lương còn lưu lại 7 đạo sắc phong của các triều nhà nước phong kiến Việt Nam ban cho vị thần Bạch Lợi, xếp vào loại “Cảm ứng thống hiển phong công hậu đức. Uy liệt thông minh chí hùng lược, Bạch Lợi đại vương nguyên thuộc chính thần”.
Đình có diện tích là 1408 m2, ở địa thế linh kiệt, phía trước có con lạch, có nước quanh năm, hiện nay, mới khai thành sông, mặt nước mênh mang, soi tòa đình cổ kích, rõ là cảnh hữu tình. Tới thăm di tích còn được qua chiếc cầu nhỏ, đường làng uốn cong thành khúc thần rồng. Quanh đình có cây cổ thụ và tường bao quanh tạo nên khuôn viên đình chặt chẽ và lại thoáng đãng.
Trước cửa đình là sân gạch, vườn cảnh rộng thoải dần xuống mép nước sông, hướng của đình ngoảnh về phía Tây ghé Nam. Về kiến trúc mặt bằng, làm theo kiểu chữ “Đinh”, có 5 gian đại bái phía ngoài và 3 gian hậu cung. Kiến trúc các vì kèo đình Phú Lương theo kiểu chồng rường, gửi chiêng và trên xà nách, kẻ bẩy hậu và hiên. Đây là kiểu kiến trúc phổ biến ở đình thời Nguyễn. Tòa đại bái có 5 vì kèo, làm theo 3 hàng cột. Mỗi hàng đó có 6 cột, trong đó, 4 trụ chính ở gian giữa đường kính khoảng 40 cm. Cột kê trên khúc gỗ vuông dưới là bệ tảng đá xanh hình tròn. Hệ thống cột xẻ đầu để liên kết với xà dọc tạo thành khung kiến trúc đình. Đây là những nét cơ bản của kiến trúc truyền thống cổ thời Nguyễn.
Trong hậu cung có những tảng đá kê chân cột hình trống đồng có thắt cổ hồng, thân bệ trang trí hoa văn xen gạch nom chắc chắn và duyên dáng. Trong đình có ghi niên đại “Hoàng triều Duy Tân bát niên…” đó là năm 1914 làm lại ngôi đình với kiến trúc và ở vị trí hiện nay. Nghệ thuật điêu khắc tập trung ở trên các bức cốn, những tác phẩm này đều có niên đại thời Nguyễn.
Các hiện vật thờ cúng đều chạm khắc cầu kỳ, trong đó, ngai thờ bài vị, kiệu bát cống, khám thờ, hạc gỗ, án gian, giá văn, sập thờ. Trên các đồ thờ đều trang trí mô típ Tứ linh. Các con rồng có đặc điểm chung nhất là đầu to, dáng gồ ghề, bờm tóc xoáy, có sừng, mắt to sáng quắc. Mọi hiện vật trên đều được phủ lớp sơn son thếp vàng lộng lẫy. Đặc điểm nghệ thuật điêu khắc trên vào thời Nguyễn.
Hàng trăm năm qua, chính quyền và nhân dân sử dụng di tích vào chức năng văn hóa đó là nơi hội họp của các tổ chức, HTX và nhân dân. Hàng năm, tại đình còn mở hội truyền thống của làng, các lễ hội diễn ra với tinh thần vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm động viên được quần chúng noi theo truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền nhân, hăng hái lao động sản xuất xây dựng quê hương giàu đẹp.

Hits: 1023

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *