Đình Nghiêm Xá (Thường Tín)

Nghiêm Xá, Thường Tín, Hà Nội là một làng cổ, xưa có tên nôm gọi là Kẻ Ngườm. Kẻ Ngườm trước gồm cả hai làng Nghiêm Xá và Liễu Viên. Cách đây khoảng hơn 200 năm, Liễu Viên mới lập làng riêng biệt. Thời Lê Trịnh (thế kỷ XVII) vua chúa thường đi đường thủy theo dòng sông Nhuệ về đây. Ca dao cổ nhắc tới “Ao chầu Liễu Viên, đường hoa Kẻ Ngườm…” là ở mảnh đất này.

Đình Nghiêm Xá

Trong số những di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng, ngôi đình Nghiêm Xá vẫn được giới nghiên cứu chú ý bởi đây là một trong số những di tích có niên đại tạo dựng sớm và giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc và điêu khắc. Đình Nghiêm Xá được xây dựng nhìn về hướng Tây, trước cửa có sân đình, ao đình, bên phải là chùa làng, đằng sau là cư dân quần tụ. Khởi thủy đình Nghiêm Xá kiến trúc chữ nhất (-), chỉ có tòa đại bái được chia làm năm gian hai dĩ. Sự thờ phụng thành hoàng được cổ nhân bài trí lắp ban thờ vào bốn cột của gian giữa. Vào thời Nguyễn đình được xây thêm hậu cung ở phía sau.
Tổng thể nhà đại bái
Về kết cấu kiến trúc, đại bái đình Nghiêm Xá được làm theo hình thức bốn hàng chân gỗ và hai loại vì kèo giá chiêng và kẻ suốt. Các vì kèo kẻ suốt ở hai bên đầu hồi được làm theo kiểu có câu đầu nối hai cột cái. Trên câu đầu đặt chồng rường và trên đó là kẻ suốt. Đối diện (bên trái đại bái) vì kèo được cổ nhân làm theo kiểu trên câu đầu có cột đội nóc, hai giảnh kèo suốt gặp nhau trên đầu cột đội nóc này. Theo các nhà nghiên cứu kiến trúc Việt Nam, loại vì kèo kẻ suốt là đặc trưng của lối kiến trúc thế kỷ XVII ở nước ta.
Những nét chạm khắc tinh sảo ở nhà đại bái
Về điêu khắc, đáng chú ý là các bức cốn ở tòa đại bái đều còn khá nguyên vẹn. Nghệ nhân xưa đã chạm nổi tích “độc long” với rồng miệng loe, mắt lồi, râu tóc hình tia lửa, đao mác. Tích “cá hóa rồng” với đầu cá đã hóa thành rồng nhưng đuôi vẫn là đuôi cá. Trong đình còn có bức cốn rồng đưa tay bắt sóc, lại có những bức chạm “lưỡng long tranh châu” hai con rồng tranh giành viên ngọc nhưng một con vật thứ ba xuất hiện, đó là con sóc cũng nhảy ra “chia phần”. Yếu tố văn hóa truyền thống, văn hóa cung đình đã đan xen cùng văn hóa dân gian đến tuyệt mĩ. Đó cũng là sự biểu hiện, sự phản ánh trung thực đời sống tư tưởng và tình cảm của người lao động hồi thế kỷ XVII, lúc chính quyền thống trị đang bị sa sút, nghệ thuật chính thống bị rạn vỡ, nghệ thuật dân gian với sức sống mãnh liệt bước vào giai đoạn mới và sự thể hiện còn rõ nét ở những tác phẩm điêu khắc ở đây. Trên thượng lương đại bái còn khắc rõ niên đại tạo dựng “Vĩnh Trị nhị niên Đinh Tỵ thập nhị nguyệt cát nhật thượng lương bắc thượng thôn ngũ giáp”. Nghĩa là “Ngày tốt, tháng 12 năm Đinh Tỵ niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ 2, năm giáp bắc thượng thôn dựng (1677).
Gian thờ thánh chính giữa hậu cung
Đình Nghiêm Xá không còn thần phả, chỉ còn 10 đạo sắc phong và cuốn văn tế bằng chữ Hán ghi tên và chức tước các vị tiên hiền đỗ đại đăng khoa tiến sỹ và trạng nguyên mà làng thờ phụng làm thành hoàng làng. Đó là các vị, trạng nguyên Nguyễn Hiền, hàn lâm viện tham chính Nguyễn Lộc, đệ nhị hoàng giáp Ngô Ước, nhập nội hành khiển Nguyễn tướng công, hiến sát sứ Ngô Thống, nhập nội hành khiển Dương tướng công, Đô ngự sử Ngô Hoán, Hàn lâm viện tham chính Nguyễn Hạp, hiến sát sứ Nguyễn Hữu Tác, công bộ tả thị lang Bùi Văn Khụy (Huy) Hàn lâm tham chính Ngô Thầm, hoàng giáp Nguyễn Trạng và đại thành trí Tuyên vương. Đó là các vị khoa bảng thời Trần và thời Lê, quê quán và triều đại khác nhau nhưng đều đỗ đại khoa từ thế kỷ XVII về trước. Sự tôn vinh các vị có công đèn sách, đỗ đạt cao trong các khoa thi làm thành hoàng làng ở Nghiêm Xá là một hiện tượng độc đáo khi nghiên cứu văn hóa làng. Đó là truyền thống đề cao việc học để khuyến học. Mỗi vị thần thành hoàng là một nhà khoa bảng đều có chân dung được ghi chép bằng ngôn ngữ, văn tự, truyền kỳ… có tác động đến Nho sinh ở vùng quê này để họ coi đó là tấm gương mà noi theo. Thông qua việc tế lễ, một hình thức tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ đối với nhân tài, người xưa đã thật tâm đề cao việc học hành trọng người hiền tài đã có công giúp vua, giúp nước.
Chiếc chuông cổ trong hậu cung
Trên mảnh đất này, cổ nhân còn xây mộ trạng nguyên Nguyễn Hiền, đỗ khoa Đinh Mùi hiệu Thiên Ứng Chính Bình thời Trần (1247) ở cạnh làng Liễu Viên, Nguyễn Hiền là người xã Dương A phủ Thiên Trường (Nam Định ngày nay), ông đỗ trạng nguyên lúc mới 13 tuổi. Chưa biết chính xác mộ trạng nguyên Nguyễn Hiền ở đâu nhưng trên mảnh đất này có nơi thờ và mộ ông, đó là sự nhất quán trong tư duy của cổ nhân Nghiêm Xá là đề cao việc học, tôn trọng hiền tài. Trong các sự tích, lịch sử các vị thần được thờ ở đền miếu, đình, quán… ở Hà Nội việc thờ phụng ở đình Nghiêm Xá cũng là hiện tượng riêng không giống ở làng xã nào.
Vì những giá trị lịch sử và văn hóa ấy, đình Nghiêm Xá đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1993. Năm 2003, di tích này lại được tu bổ hệ thống của bức bàn, đảo ngói điểm tô xây dựng phần ngoại thất theo lối kiến trúc cổ. Nguồn kinh phí tu bổ được thực hiện theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Công trình kiến trúc cổ này là nét nhấn quan trọng trong bức tranh tổng thể làng Nghiêm Xá đang từng ngày đổi mới, vươn lên.

Hits: 737

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *