Đình Đông Khê (Đan Phượng)

Đình Đông Khê tọa lạc tại làng Đông Khê, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Huyền tích kể lại rằng, thành hoàng làng Đông Khê là một vị thần nhà trời, có công cứu nạn cho dân, nước nên được lập đình thờ, miếu vọng ở Tổng Phùng (nay là các xã Đan Phượng, Song Phượng, Đồng Tháp và Thị trấn Phùng huyện Đan Phượng).  

Di tích đình Đông Khê

Truyền rằng: Từ thuở hồng hoang, vua Hùng kỳ tài thao lược. Sông núi yên bình, nhà nhà yên ổn làm ăn. Đến năm Canh Thân, bỗng nhiên đất trời biến đổi, thiên tai, dịch bệnh tràn lan. Trang Đông Khê thuộc tổng Phùng, vùng đất có tám làng (nay là các xã Đan Phượng, Song Phượng, Đồng Tháp và Thị trấn Phùng), trấn Sơn Tây xứ Đoài xưa, trở nên nguy khốn. Mỗi ngày, hàng chục người mắc bệnh rồi tử nạn. Kẻ chết không có người chôn, kẻ ốm không người chăm sóc, thuốc thang, cúng lễ chẳng công hiệu gì. Dân tình hoang mang cực độ. Nhà vua cho lập đàn tràng tế cáo trời đất, xem duyên cớ vì đâu.
Trong khi hành lễ, bỗng gió, mưa kéo đến mịt mù, tưởng như đêm đen sập xuống. Rồi xuất hiện một đám mây vàng, bật ra tấm lụa đỏ từ trên trời buông xuống cửa đàn tràng. Trong chớp mắt, trời quang mây tạnh. Một cụ già râu tóc bạc phơ hiện ra, tay cầm gậy trúc, cất tiếng nói sang sảng: “Ta là người nhà trời, phụng mệnh của Thượng đế xuống hạ giới cứu nạn cho dân”. Cụ già đi ngay vào những nơi xảy ra dịch bệnh, đem phép thần tiên biến hoá cứu người. Chỉ trong năm ngày, nhiều người sống lại, tai hoạ lui dần. Dân chúng rất đỗi mừng vui. Ghi tạc công ơn của vị cứu tinh không bao giờ quên được.
Trang Đông Khê thoát cảnh tai ương, lập miến thờ ngay tại nơi thần giáng, ngày đêm hương khói phụng thờ. Nhà vua cử sứ thần mang sắc chỉ về tận nơi trao phong vị cứu tinh, đặt duệ hiệu là Tích Lịch Hào Quang, bậc Thượng đẳng thần. Nguyên khởi, nơi thờ tự thần Tích Lịch Hỏa Quang chỉ là ngôi miếu nhỏ. Dần dần, cùng với sự xuất hiện của loại hình kiến trúc đình làng tại vùng đồng bằng Bắc Bộ và thế kỷ XVI, đặc biệt với sự kính ngưỡng và truyền thống văn hóa lâu đời, nhân dân Đông Khê đã kiến tạo ngôi đình khá khang trang để thờ thần.
Sắc phong thời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783) tại đình Đông Khê
Nhìn tổng quan, đình Đông khê có vị trí tọa lạc khá đặc biệt, giữa làng Đông Khê – bên bờ sông Đáy, kề với làng Đại Phùng nơi có sự hiện diện của ngôi đình Đại, một công trình kiến trúc cổ, điển hình của nghệ thuật đình làng thế kỷ XVII trên địa bàn huyện Đan Phượng. Đình quay theo hướng Tây Nam, gồm các hạng mục kiến trúc: nghi môn, đại bái, hậu cung, tả hữu mạc. Nghi môn được dựng phía bên trái sân đình với dạng thức nghi môn trụ biểu gồm ba lối đi. Lối chính được tạo bởi hai trụ biểu khá đồ sộ: đỉnh trụ là tứ phượng chầu. Tiếp đến là mặt sập bốn hổ phù, ô lồng đèn đắp nổi tứ linh, thân trụ được soi giờ kẻ chỉ, đế thắt cổ bồng. Nối từ trụ biểu lớn sang trụ biểu nhỏ là hai cổng pháo, trên có trang trí hồi văn kiểu chữ triện. Hai trụ biểu nhỏ được kiến tạo tương tự như hai trụ biểu lớn, điểm khác biệt là đỉnh trụ biểu nhỏ đắp đôi nghê trong tư thế hướng mặt vào trong để kiểm soát tâm kinh của khách hành hương trước khi vào lễ bái.
Đại bái gồm 3 gian 2 chái, bốn mái đao cong. Hệ mái đình với bờ nóc trang trí hàng hoa chanh, hai đầu bờ nóc đắp hai con kìm cách điệu, giữa khúc nguỷnh đắp nghê, đầu đao đắp rồng lá…các chi tiết này góp phần tạo cho bộ mái đình có dáng cong mà mềm mại. Vào bên trong tương ứng với 4 hàng chân cột là các bộ vì liên kết theo cách thức thống nhất: thượng chồng rường, hạ rường nách, bảy hiên.
Nối gian giữa Đại bái đình là ba gian dọc Hậu cung trên mặt bằng chữ Đinh. Điểm nổi bật đáng chú ý tại Hậu cung đình Đông Khê là các bộ vì thượng được cổ nhân kiến tạo với kỹ thuật chạm bong kênh, chạm lộng khá tinh tế, qua đó gửi gắm những ước vọng, hoài bão của cư dân. Bộ vì thượng tại gian trong cùng (phía trên khám thờ) vốn là các con rường chồng khít lên nhau, chạm theo các đề tài dân gian thứ tự như sau: ở con rường áp câu đầu chạm ba hình mặt trời cách điệu – kiểu hoa cúc nối tiếp theo phương ngang, các đao mác của mặt trời này vươn dài chấm vào các đao mác của mặt trời kế bên. Phía trên là năm đầu rồng được tạo tác theo góc nhìn chính diện mặt. Đặc biệt, tại bên trái, các nghệ nhân còn chạm một tiên nữ có khuân mặt đẹp, tay giơ cao trong tư thế múa uyển chuyển. Xen giữa các mảng chạm theo từng đề tài còn nổi bật lên những con thú nhỏ khá sinh động. Bộ vì thượng gian ngoài cũng được tạo tác theo kiểu thức tương tự như bộ vì gian trong với trang trí chủ đạo là đôi rồng nhìn nghiêng, các đao mác vân mây dày đặc, xen giữa là những con thú nhỏ.
Bức hoành phi cổ trong đình
Bên cạnh giá trị nổi bật về kiến trúc nghệ thuật, đình Đông Khê hiện còn bảo lưu được hệ thống di vật khá phong phú, bằng các chất liệu khác nhau: 3 tấm bia đá có niên hiệu Vĩnh Thịnh, Chính Hòa, Thành Thái; các bản sắc phong có niên hiệu trải dài từ thời Lê đến thời Nguyễn, bức hoành phi có niên đại thế kỷ XVIII; 01 bộ long ngai bài vị niên đại thế kỷ XVIII, 01 cửa võng chạm lộng có niên đại thế kỷ XVIII, 1 kiệu bát cống niên đại thế kỷ XVIII, nhiều hoành phi có niên hiệu trải dài từ thời Lê – Nguyễn…Đặc biệt, tiêu biểu là hương án được chạm bằng kỹ thuật chạm lộng, có niên đại khoảng đầu thế kỷ XVIII: phía trước hương án chia thành các ô trang trí, phân chia giữa các ô là các đường gờ chạm đao mác dầy đặc. Trong các ô trang trí đề tài chủ yếu là linh vật rồng thân cuộn, các đao mác sắc nhọn. Đặc biệt hai bên đầu của nhang áng chạm rồng theo đề tài hiếm thấy trong mỹ thuật truyền thống, đó là rồng chạy xuyên qua biểu tượng mặt trời.
Lễ hội truyền thống làng Đông Khê được tổ chức vào các ngày 11, 12, 13 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Công việc chuẩn bị cho lễ hội được thực hiện chu đáo, tỉ mỉ từ việc lựa chọn thành viên ban tế, người viết văn, đội rước kiệu, đặc biệt theo khoán ước viết năm 1781 thì Đông Khê là anh cả, chịu trách nhiệm chủ trì lễ hội, chủ tế và tả văn cùng với 8 thôn anh em tham gia lễ Tổng Phùng. Trong các ngày lễ hội, bên cạnh phần lễ trang nghiêm, dân làng Đông Khê cũng tổ chức các hoạt động hội họp với các trò chơi dân gian như: đánh đu, leo cầu ao trước cửa đình, bắt vịt, thả chim bồ câu, chơi gà chọi, cờ bỏi, cờ người, thổi cơm thi, nấu bánh đúc bánh tẻ…buổi tối có liên hoàn văn nghệ hát chầu văn, quan họ. Các hoạt động này đã thu hút được đông đảo nhân dân Đông Khê và dân làng các vùng lân cận hưởng ứng, tham gia tích cực, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Với những giá trị nội bật trên, ngày 17/7/2008, đình Đông Khê đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 50/2008/BVHTTDL xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật. Đây là cơ sở pháp lý để làng Đông Khê bảo tồn, giữ gìn một di sản quý báu do cha ông để lại và phát huy giá trị nhằm tuyên truyền lịch sử, truyền thống văn hóa lâu đời của địa phương…qua đó giáo dục tình yêu quê hương đất nước đối với thế hệ trẻ.

Hits: 1241

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *