Đền Trát Cầu (Thường Tín)

Đền Trát Cầu, thuộc xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, căn cứ vào ngọc phả, đền xuất hiện vào thế kỷ XIV, thời Trần, thờ thần Cầu Mang. Với những giá trị của mình, năm 2002, đền Trát Cầu được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.

Đền Trát Cầu nằm trên trục làng Trát Cầu đi về Ngọc Động, cổng đền là một công trình kiến trúc được tôn tạo thời gian gần đây, theo phác đồ thiết kế kiểu cổng tam quan có ba cửa, cửa chính và hai cửa hai bên. Phía trên mái làm kiểu hai tầng tám mái đao cong. Tầng trên nhẹ biểu trưng cho dương, tầng dưới rộng bản nặng nề biểu trưng cho âm. Hệ thống mái hài hòa, phân cách bởi phần cổ ngỗng chấn song con tiện ở chính giữa là tấm hoàng phi ghi 3 chữ “Linh Hưng tự”. Trên bờ nóc là mặt nguyệt có nhiều tia lửa, kìm bờ nóc và các góc đao đắp hình rồng theo lối truyền thống tạo nên cảm giác gần gũi cho người đến tham quan lễ bái.

Tiếp đến là nhà tả vu và hữu vu ở cánh gà bên trái sân đền, đối diện nhìn nhau đều có kích thước và kiến trúc giống nhau. Đó là ngôi nhà ba gian nhỏ xây tường gạch xung quanh, đầu hồi bít đốc tay ngai có trụ biểu đền lồng trên đỉnh cột có 4 chim phượng tạo dáng hoa sen, hộp đèn lồng đắp tứ linh, đầu nóc chữ nhật, hai mái dốc lợp ngói ri, nhà có 4 bộ vì làm theo kiểu kèo cầu quá giang. Những hạng mục quá giang, câu đầu, trụ trốn, kèo cầu, xà dọc, hoành đều làm bằng gỗ hộp bào trơn đóng bén bằng mộng mẹo kiến trúc truyền thống.

Nhà Đại bái là công trình kiến trúc chính của khu di tích, ngôi nhà ngoảnh hướng Đông Nam, nền nhà không cao, chỉ có một bậc thềm là vào nhà. Mặt bằng công trình hình chữ nhật, nền nhà phẳng một làn đã lát gạch sạch đẹp. Trên mặt bằng này là công trình kiến trúc cổ xây dựng lên. Theo lưu truyền ngôi đền có lịch sử xây dựng từ thời Sùng Khang thứ nhất 1566, năm 1577, tu bổ lúc đó đền “Hưng Linh tự” còn ở khu đất sát gò Đống Riêu. Đến năm Cảnh Hưng 45, ngôi đền chuyển về địa điểm sát xóm Chùa hiện nay. Ngôi đại bái được tu bổ vào triều Gia Long 12 (1813). Dáng vóc ngôi nhà hình thuyền bốn mái đao cong trong đó mái trước, mái sau và hai mái vỉ ruồi phía hồi. Mái lợp ngói mũi mỏng như vẩy rồng bờm dựng uốn nhiều khúc, mặt nguyệt tròn phát ra nhiều tia sáng. Kìm đầu nóc đắp khối tượng Kamara miệng ngậm bờ nóc. Đầu đao hợp từ tàu lá mái công vút như đầu con thuyền được đắp hình long hóa giống như đầu thuyền rồng.

Trong lòng nhà có hai hàng cột tròn mỗi hàng 6 cột, cột đặt trên kệ đá, trên đầu xẻ họng tra câu đầu. Ngoài ra, còn có hàng cột xung quanh, ngôi nhà 5 gian 2 dĩ, toàn bộ kiến trúc gỗ đều làm mộng ngoàm mang cá, bào trơn đóng bén và soi ống tơ gờ chỉ và lá dắt đơn giản.

Tiếp đến là nhà hậu cung, hậu cung được phân chia 3 phần rõ rệt gọi là 3 tầng cửa cấm của hậu cung, tương ứng 3 tầng cửa là 4 bộ vì trục làm theo kiểu chồng rường con nhị giống như kiến trúc bộ vì ở ngoài đại bái. Hệ thống cột gỗ có 4 hàng, mỗi hàng cột có những ván và mở cửa ra vào tạo thành bức ngăn cách từng phần cung cấm từ ngoài vào, hệ thống ván thưng đố lụa, cửa bức bàn, phần cuối của hậu cung đặt ban thờ khám và ngai bài vị thần thành hoàng.

Theo truyện Báo cực: Nguyên quân tức là thần cõi đất nước Nam, khi xưa vua Lý Thánh Tôn và đánh Chiêm Thành (1069), đến cửa Hoàn bỗng bị mưa to gió lớn, sóng nổi dữ dội, thuyền vua bị tròng trành rất nguy, vua ngồi bàng hoàng, chợt thấy có người con gái ước chừng 20 tuổi, mặt tươi như hoa đào, mày thanh như lá liễu, mình mặc áo trăng quần xanh, đến nói với vua rằng: “Tôi là “tinh” cõi đất nước Nam, thác sinh vào cây ở chốn mây nước đã lâu, chờ thời đợi dịp, nay được gặp bệ hạ, thần đã thỏa nguyện bình sinh. Bệ hạ đi thuyền này, xin cố cho chóng được toàn thắng, tôi tuy là thân bồ liễu, cũng xin theo giúp sức. Đến ngày khải hoàn, tôi lại xin đợi đây để bái yết”. Nói rồi biến mất. Vua tỉnh ra nói chuyện với quần thần. Có vị tăng quan là Hậu Lâm tâu rằng “thần nói thác sinh vào cây, ở chốn mây nước, nay xin cho tìm ra cây hoặc có linh nghiệm”. Vua bèn cho sứ lên tìm khắp trên bờ, dưới bãi, được một khúc gỗ rất giống hình người, màu sắc khuôn khổ trông như người trong mộng. Vua liền đặt hiệu là Hậu thổ phu nhân, sai đặt lên bàn, để trong thuyền ngự. Bấy giờ gió lặng, sống êm, thuyền đi rất nhẹ nhàng. Đếm Chiêm Thành trận đánh như có thần giúp, quân ta thắng lớn. Sau khi trở về kinh thành vua đã chọn đất lập đền thờ ở làng An Lãng. Đến đời vua Lý Anh Tông, trời đại hạn, quần thần xin lập đàn ở Nam Giao tế trời tôn Nguyen quân làm chỉ bộ có Cầu Mang thần quân chuyên việc làm mưa, quả nhiên được trận mưa to. Từ đó, vua hạ lệnh: dưới Hậu thổ phu nhân có Cầu Mang thần quân coi về mùa Xuân, từ nay phàm làm lễ mùa Xuân rồi, phải đem con trâu bằng đất để dưới đền thờ. Như vậy, thần Cầu Mang thờ ở đền Trát Cầu là tích thần thoại nằm trong những tập truyện cổ của nước ta xuất hiện vào thời Trần đã được biên tập trong Việt điện u linh nhằm biểu dương những vị thần có ý nghĩa linh thiêng và tâm linh với người dân Việt đối với nghề trồng lúa nước.

Có thể thấy, đền Trát Cầu là một trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư ở làng Trát Cầu, là một trong những địa chỉ văn hóa có ý nghĩa đối với du khách mỗi lần đến với Thường Tín, Hà Nội.

Hits: 429

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *